Giữ mỹ tục của lễ hội

Giữ mỹ tục của lễ hội
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, một số nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc ta đã trở thành những thuần phong mỹ tục đáng quý, đáng trân trọng, cần được giữ gìn và phát huy.

Giữ mỹ tục của lễ hội

Lễ Kỳ Yên ở đền Nguyễn Tri Phương, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: TL.

Song, bên cạnh đó cũng có một số hủ tục lạc hậu, thiếu tính thẩm mỹ, nhân văn cần phải được xem xét thấu đáo, cân nhắc cẩn thận việc có nên duy trì trong xã hội hiện đại ngày nay hay không, bởi nếu không khéo sẽ lợi bất cập hại, không những không có tác dụng giáo dục mà ngược lại còn cổ xúy cho sự thiếu lành mạnh.

Cứ mỗi độ xuân về, khắp nơi trên cả nước tưng bừng bước vào mùa lễ hội. Nhiều lễ hội có từ rất lâu đời và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cả đời sống thực cũng như tâm linh của người dân. Tuy nhiên, song hành với việc bảo tồn phát huy những lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, nêu cao tinh thần trượng nghĩa, dũng cảm, cần cù... là những đức tính truyền thống quý báu của dân tộc, cũng cần loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lạc hậu, thiếu tính thẩm mỹ, mất tính nhân văn, không còn phù hợp.

Vẫn biết ranh giới giữa cái “đẹp” và “chưa đẹp” trong lễ hội, hay nói cách khác là ranh giới giữa mỹ tục và hủ tục rất mong manh, đều nằm trong quan niệm và cách nhìn của mỗi người. Song, chúng ta cần thống nhất việc xem xét một lễ hội là mỹ tục hay hủ tục, những hành vi ứng xử với lễ hội là lịch sự hay thô lậu cần phải dựa trên các tiêu chí của mỹ học, đạo đức xã hội, hay ảnh hưởng của nó tới cộng đồng. Khi đã có cách nhìn nhất quán về cái đẹp, sự văn minh lịch sự thì chúng ta có thể dễ dàng khu trú những điều nên và không nên làm đối với một lễ hội.

Tỷ dụ, Lễ hội chùa Hương mở ra vào mùng 6 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm có thể coi là mỹ tục cần được trân trọng, giữ gìn. Vì sao vậy? Đơn giản là đến với Lễ hội chùa Hương, ngoài việc được ngắm nhìn non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, người ta còn có cảm giác được gột rửa tâm hồn, thấy lòng mình nhẹ nhàng thanh thản như trút đi được những gánh nặng ưu phiền trần tục.

Đến với Lễ hội chùa Hương, người ta cảm thấy mình “thiện” hơn, muốn làm nhiều việc tốt hơn, tránh xa điều ác để bớt đi nghiệp chướng sau này.Hay ai đã từng đi Lễ hội Lim mở ra vào ngày 13 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm cũng đều có cảm giác thư thái, vui vẻ đầu xuân.

Đến với Lễ hội Lim chúng ta được hòa mình vào không khí đón xuân của người dân xứ Kinh Bắc bằng các làn điệu quan họ mượt mà, sâu lắng của các liền anh, liền chị. Chẳng phải khoa học đã chứng minh rằng, âm nhạc có tác động rất lớn tới tinh thần, cũng như hành vi của con người đó sao? Âm nhạc có tác dụng hàn gắn, làm dịu nhẹ nỗi đau, có tác dụng nâng tâm hồn người ta bay bổng, tự tin hơn vào công việc hàng ngày. Vậy thì Lễ hội Lim há chẳng phải là nét văn hóa đặc sắc, mỹ tục tốt đẹp cần được bảo tồn và phát huy đó sao?

Song, bên cạnh những lễ hội mang đậm sắc thái tâm linh, tinh thần vô cùng bổ ích đó cũng còn một số lễ hội dù là truyền thống nhưng lại đang gây tranh cãi rất lớn về việc có nên duy trì hay phá bỏ, bởi nó có rất ít tác dụng giáo dục mà phần nhiều là cổ súy cho bạo lực, mê tín dị đoan. Sự thực là trong những năm qua, một số địa phương tiếp tục duy trì hoặc phục dựng những nghi thức hiến sinh tạo ra những phản ứng trái chiều gay gắt trong dư luận xã hội như: Nghi thức chém lợn, nghi thức đập đầu trâu...

Người ta phản đối các nghi thức này bởi đây là hành vi bạo lực, đối xử dã man với động vật, không phù hợp với xã hội văn minh, hiện đại. Đành rằng loại bỏ một lễ hội truyền thống do cộng đồng tổ chức từ lâu đời ra khỏi đời sống cộng đồng không hề đơn giản vì liên quan đến tâm linh, truyền thống, văn hóa địa phương...

Song, dù khó thì cũng cần phải cương quyết làm cho bằng được, để các lễ hội phù hợp với bối cảnh xã hội ngày nay, quan trọng hơn là nó phải có tính giáo dục về văn hóa, đạo đức và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đương nhiên loại bỏ nét hủ tục không đồng nghĩa với việc xóa hẳn một lễ hội truyền thống, mà cần tuyên truyền, vận động người dân, chính quyền địa phương tổ chức lễ hội sao cho hài hòa giữa truyền thống với đương đại.

Để các lễ hội trên cả nước ngày càng có ý nghĩa, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa đặc sắc, những nét đẹp truyền thống của dân tộc, thì không chỉ cần loại bỏ các tục hiến sinh, mà cần loại bỏ cả tư tưởng thương mại hóa lễ hội, hay các hành vi ứng xử thiếu văn hóa đối với lễ hội và tại lễ hội.

Chẳng phải đã có rất nhiều địa phương dù không có lễ hội chọi trâu truyền thống như Đồ Sơn (Hải Phòng) vẫn đua nhau mở lễ hội chọi trâu để “kinh doanh”? Nếu chịu khó tìm hiểu thì sẽ thấy Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không chỉ đơn giản là tổ chức cho dăm chục con trâu húc nhau mua vui, mà bao hàm trong đó là bản sắc văn hoá, tâm linh và tinh thần thượng võ của người dân miền biển Hải Phòng.

Còn một số biến tướng trong lễ hội có tục cướp “lộc thánh”,  hành vi ẩu đả, tranh cướp  không hề đẹp trong một lễ hội. Hủ tục hay hành vi bột phát trên không chỉ gây phản cảm, không phù hợp với xã hội văn minh, mà còn cổ xúy cho nạn bạo lực phát triển nhanh trong xã hội. Chẳng có thánh thần nào lại phù hộ cho những người có hành vi cướp bóc hay trộm cắp cả. Dù là trộm cướp tài sản ngoài đời thực hay chỉ đơn giản là cướp phết, cướp lộc thì tựu trung vẫn là hành vi cướp nên nó sẽ là xấu, đáng bị lên án và loại bỏ ra khỏi xã hội văn minh.

Lâu nay, người ta vẫn hay đổ lỗi cho địa phương, hay cơ quan quản lý nhà nước về những hành vi lệch chuẩn trong lễ hội. Song, nhiều người không hiểu hoặc không muốn hiểu rằng để các lễ hội ngày càng lành mạnh, trong sáng góp phần bảo tồn, phát huy những nét văn hóa tinh hoa của dân tộc thì cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, chứ không chỉ của riêng ai. Không có bất cứ cơ quan quản lý nào đủ thời gian, nhân lực để có thể giám sát hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn lễ hội trên khắp cả nước, nhằm kịp thời chấn chỉnh và ngăn chặn những lối ứng xử lệch chuẩn.    

Huy Anh/daidoanket.vn