Học Bác Hồ chúc Tết

Học Bác Hồ chúc Tết
Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, có công với cách mạng. Bác vẫn thường nói: “Đấu tranh giành được độc lập rồi nhưng chỉ độc lập thực sự khi nhân dân được hưởng ấm no hạnh phúc”.

Vào đêm giao thừa của tết đầu tiên sau ngày nước nhà giành được độc lập (1946), Bác và đồng chí thư ký cùng đi trong một ngõ nhỏ trên phố Sinh Từ, đó là nơi ở của một người kéo xe thuê ở tỉnh khác về làm ăn. Do không đủ tiền về quê ăn tết, lại bị ốm, đang lên cơn sốt, người kéo xe thuê đón giao thừa mà trong phòng ở không có gì. Bác đứng lặng nhìn người kéo xe với tất cả lòng thương cảm.

Sau khi thăm hỏi, Bác dặn đồng chí thư ký hôm sau mang thuốc và quà Tết đến chia sẻ, động viên. Trên đường về, Bác nói: “Ba mươi tết mà không có tết”.

Rồi sáng ngày mồng một tết, Bác đã mời đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội lên nhắc nhở vì không thực hiện tốt thư của Người về tổ chức Tết, dẫn đến nhiều gia đình nghèo không có Tết và yêu cầu đồng chí Chủ tịch sửa chữa khuyết điểm. Kết quả, Tết năm sau, gia đình nghèo đều được hưởng Tết do có sự phối kết hợp các đội tuyên truyền, nhân dân đã vận động tương trợ, giúp đỡ các gia đình nghèo có Tết.

Có nhiều cuộc gặp các gia đình nghèo trong dịp Tết rất xúc động, như trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Tín. Chị Tín là người gánh nước thuê ở ngõ 16, Lý Thái Tổ. Hoàn cảnh của chị rất vất vả, chồng mất sớm, một mình chị tần tảo nuôi bốn con nhỏ, nên đêm 30 Tết Nhâm Dần rét buốt mà chị vẫn phải đi gánh nước thuê.

Với đôi gánh trên vai, chị vừa ra ngõ thì gặp Bác. Quá bất ngờ, đôi gánh trên vai chị rơi xuống đất. Tay chị run run nắm lấy tay Bác và nói trong sự nghẹn ngào xúc động: “Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm!”.

Bác nhẹ nhàng: “Bác không đến thăm những gia đình như cô thì thăm ai...”. Nói rồi Bác bước vào trong nhà, nhìn căn phòng tuềnh toàng và trên bàn thờ tổ tiên chỉ có nải chuối xanh trong khi 4 đứa con chị đang chia nhau một gói kẹo, một ánh mắt buồn sâu thẳm trên khuôn mặt nhân hậu của Bác. Bác lấy kẹo chia cho các cháu, lấy chiếc bánh chưng được chuẩn bị sẵn đặt lên bàn thờ.


Bác Hồ chia quà Tết cho các cháu nhỏ ở Hợp tác xã Khe Cát, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh ngày 2-2-1965 (Ảnh Tư liệu).

Chị Tín nhìn Bác trong hai hàng nước mắt lăn trên hai gò má gầy guộc, xanh xao. Có hạnh phúc nào lớn hơn khi một vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng quan tâm tới gia đình mình. Tết năm ấy của người gánh nước thuê trong phố Lý Thái Tổ đầy thiêng liêng, ý nghĩa...

Người đặc biệt chú trọng kêu gọi, nhắc nhở cán bộ và nhân dân thực hành tiết kiệm trong dịp Tết. Người thường dùng hình ảnh “sản xuất mà không tiết kiệm như gió vào nhà trống”.

Vào dịp giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi, ngày 5-2-1955 Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua sản xuất tiết kiệm mùa xuân, gửi đồng bào và cán bộ các địa phương. Bác chỉ rõ, hòa bình đã trở lại miền Bắc song khó khăn vẫn còn nhiều.

Bác kêu gọi: “Ra sức thi đua trong mùa xuân này” thực hiện 6 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ tiết kiệm về mọi mặt. Trong lời kêu gọi đồng bào tăng gia sản xuất và tiết kiệm, vào dịp Tết Đinh Dậu (1957), Bác viết: “Tôi thân ái chúc đồng bào và cán bộ vui vẻ ăn Tết trong phong trào thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm”.

Chính Người luôn nêu gương sáng về đón Tết tiết kiệm. Mùa xuân cuối cùng trong cuộc đời, Bác về trồng cây trên đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại (Sơn Tây, Hà Nội ngày nay). Trước khi đi, Bác nhắc nhở các đồng chí phục vụ mang theo cơm nước. Bác cùng đồng bào và cán bộ trồng cây xong, lúc ấy gần 12h trưa.

Bác mời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Hà Tây cùng Bác ăn Tết ngay trên chiếc chiếu trải trên đồi. Bữa cơm ngày Tết thật đạm bạc, có bánh chưng, giò với dưa hành, canh nóng đựng trong phích. Hôm ấy là ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu (1969).

Ngày nay, đời sống vật chất đã được nâng cao, ngày Tết vì vậy với người dân không còn cảnh chật vật chạy từng cân thịt, cân gạo nếp gói bánh. Chi phí cho ngày Tết cũng rủng rỉnh và cao sang theo kiểu cách của thời đại mới. Tuy nhiên, một xã hội mà tình cảnh “người ăn không hết, kẻ lần không ra” còn phổ biến thì chưa thể nhìn nhận ở đó sự văn minh, tiến bộ.

Kể chuyện ăn Tết ngày nay, nhiều người tặc lưỡi với những bữa nhậu dưới danh nghĩa tất niên, tân niên, chỉ vẻn vẹn mâm cơm mà chi phí hàng trăm triệu, bằng số tiền giúp hàng nghìn hộ nghèo đón Tết. Đừng nghĩ rằng tiền của mình thì mình có quyền ăn tiêu.

Giàu sang mà phung phí, vung tiền như nước lã trong khi đồng bào nghèo trên đất nước mình còn kham khó, còn chật vật thì sự phung phí ấy là có tội với xã hội. Chưa kể, túi tiền cá nhân phung phí đó rất nhiều người lại có nguồn gốc từ tham ô, tham nhũng, từ việc làm ăn phi pháp mà ra, suy cho cùng cũng chính là đồng tiền thuế của dân. Chúng ta hội nhập với thế giới thì cũng học họ ngay chính cách chi tiêu.

Những người thường có dịp dự tiệc năm mới ở Việt Nam với người Nhật, người Hàn hay những nước châu Âu như Pháp, Anh, Thụy Điển... sẽ thấy họ dù sở hữu trong tay nguồn tài chính, tập đoàn khổng lồ nhưng cách ăn uống, chi tiêu rất tiết kiệm, chỉ là những ly rượu vang với thức ăn nhẹ và đặc biệt bàn ăn của họ không bao giờ để thừa. Họ dùng đúng khả năng, đó là phong cách với lối sống văn minh.

Năm nay, để chuẩn bị tốt các điều kiện cho nhân dân vui xuân, đón Tết đảm bảo lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Chỉ thị số 05-CT/TƯ, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 11-CT/TƯ.

Theo đó, phải quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, hải đảo, nhất là đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung, sớm khắc phục, ổn định đời sống và hoàn thành việc đền bù, hỗ trợ cho người bị thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Tổ chức thăm hỏi các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, các chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang và lực lượng khác làm nhiệm vụ trực Tết.

Tổ chức Tết tiết kiệm, lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hoá của dân tộc, với thuần phong, mỹ tục, phong tục, tập quán của từng địa phương. Đặc biệt, Chỉ thị yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 21-12-2012 của Ban Bí thư khóa XI về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

“Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương không tổ chức đi thăm, chúc Tết địa phương; các địa phương không chúc Tết Trung ương” - Chỉ thị yêu cầu.

Những năm trước, Ban Bí thư đều có chỉ thị việc tổ chức đón Tết và đã nhận được sự hưởng ứng của nhân dân. Tuy nhiên, để chuyển thành ý thức trong văn hoá đón Tết còn là vấn đề lớn. Việc phung phí, nướng tiền ngày Tết hay những biến tướng của chúc Tết thành nạn mua bán quan chức, hối lộ, chạy danh, chạy tội... vẫn là “mạch ngầm”, xã hội biết, dư luận biết nhưng lại rất khó khui lộ để xử lý.

Sau Tết Bính Thân năm 2016, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, qua tổng hợp báo cáo của các đơn vị, địa phương cho thấy “không phát hiện trường hợp nào sử dụng tiền, tài sản công cũng như tặng và nhận quà trái quy định trong dịp Tết Bính Thân 2016”.

Điều này khiến dư luận bất ngờ nhưng ngẫm kỹ lại không khó hiểu. Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán (từ ngày 2 đến ngày 16-2-2016), qua 3 đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng và Thanh tra Chính phủ đã tiếp nhận được 156 nguồn tin tố giác tham nhũng, trong đó có 66 nguồn tin có liên quan đến việc tặng quà, nhận quà sai với quy định. Tuy nhiên, khi xác minh thì lại không đủ căn cứ chứng minh!

Rõ ràng, quá trình phát hiện, tiếp nhận, xử lý thông tin, đặc biệt là xử lý đối với các trường hợp vi phạm còn rất khó khăn, điều quan trọng chủ yếu vẫn phụ thuộc vào tính tự giác, trung thực của người được nhận quà và tặng quà khi nhận thấy món quà đó vượt ngoài ý nghĩa quà Tết thông thường.

Theo An Nhi/Cand.com.vn