Tăng cường phát triển du lịch y tế

Với khoảng 14 triệu người bệnh tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe liên quốc gia mỗi năm, du lịch y tế đã và đang trở thành một lĩnh vực đầy tiềm năng. Theo thống kê của Bộ Y tế, việc người nước ngoài đến trị bệnh mỗi năm ở Việt Nam đang mang lại nguồn thu gần một tỷ USD, trong khi đó, ở những nước phát triển về du lịch như Hàn Quốc hay Xin-ga-po, lợi nhuận thu được từ du lịch y tế cũng chỉ đạt mức khoảng 900 triệu USD. Tuy nhiên, các động thái nhằm phát triển du lịch y tế tại Việt Nam dường như vẫn còn khá chậm chạp.

 

Du lịch y tế hoặc du lịch chữa bệnh (medical tourism) đang là xu hướng phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thông tin từ internet (in-tơ-nét), dịch vụ này xuất hiện từ hàng nghìn năm trước, khi những người hành hương Hy Lạp đi từ Địa Trung Hải đến Epidauria (E-pi-đô-ria) - thuộc vịnh Saronic (Xa-rô-ních), vùng đất vốn được coi là nơi thờ thần chữa bệnh Asklepios (Ác-lê-pi-ốt). Từ đó, Epidauria trở thành điểm du lịch chăm sóc sức khỏe đầu tiên trên thế giới. Hình thức sơ khai, đơn giản nhất của loại hình dịch vụ này được biết đến là việc người bệnh đến các suối nước khoáng để nghỉ ngơi, tắm và hồi phục sức khỏe, vì họ quan niệm nước khoáng có tác dụng chữa một số bệnh. Như vậy, có thể hiểu du lịch y tế là hình thức khách du lịch đến một vùng khác kết hợp tham quan với sử dụng các dịch vụ điều trị y khoa, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng.

Đến nay, khái niệm du lịch y tế đã dần được mở rộng, đa dạng hơn, bao gồm cả mục đích nghỉ dưỡng, khám, chữa bệnh (phẫu thuật hoặc không phẫu thuật). Hiện nay các quốc gia được nhiều người tin tưởng và quyết định lựa chọn để trải nghiệm dịch vụ du lịch chăm sóc sức khỏe có thể kể đến là: Ấn Độ, Cu-ba, Thái-lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Cô-lôm-bi-a,... Dịch vụ điều trị y khoa và chăm sóc sức khỏe thường được tìm đến bao gồm: điều trị ung thư, phẫu thuật cấy ghép xương khớp, phẫu thuật thần kinh, cấy ghép các cơ quan nội tạng, nhất là phẫu thuật thẩm mỹ...

Theo số liệu của Deloitte - hãng kiểm toán danh tiếng trên thế giới, ngành du lịch y tế trên toàn cầu hiện có trị giá không dưới 60 tỷ USD. Cũng theo hãng này, thời gian qua tại khu vực châu Á, doanh thu của lĩnh vực du lịch y tế rất khả quan, với mức tăng trưởng 20 đến 30%/năm. Năm 2017, được dự báo có sự thay đổi ở xu hướng du lịch, theo đó du khách không còn chuộng hình thức du lịch hưởng thụ theo kiểu “ăn no, ngủ kỹ” nữa, mà thay vào đó là du lịch kết hợp điều trị bệnh, hoặc sử dụng một dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng.

Theo ước tính của Công ty nghiên cứu thị trường TMR (Mỹ), năm 2019, thị trường du lịch y tế thế giới sẽ tăng đến 32,5 tỷ USD (gấp hơn ba lần năm 2015). Sở dĩ có sự dịch chuyển này bởi các lợi ích thiết thực mà khách du lịch có được, như đến một nơi khác sử dụng dịch vụ chăm sóc về y tế không chỉ thỏa mãn nhu cầu tham quan, du lịch, trải nghiệm văn hóa tại một vùng đất mới mà còn kết hợp khám, chữa bệnh, nghỉ dưỡng với thời gian nhanh, thuận tiện, chi phí rẻ hơn tại nơi họ sống. Tại nhiều quốc gia, nhất là phương Tây, nếu không có bảo hiểm y tế, người dân sẽ rất khó khăn khi phải điều trị y khoa, ngay cả khi có bảo hiểm, các chi phí vẫn cao hơn rất nhiều so với một dịch vụ tương tự tại một số quốc gia châu Á. Vì thế lựa chọn tối ưu với những người không có bảo hiểm ở các quốc gia này là ra nước ngoài du lịch kết hợp thực hiện một thủ thuật hay một phẫu thuật y khoa đắt tiền nào đó.

Đáp ứng nhu cầu này, tại quốc gia được chọn làm điểm đến của khách du lịch chữa bệnh, thời gian để thực hiện một dịch vụ y khoa theo yêu cầu thường nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu tức thời của người bệnh. Thí dụ, thời gian chờ đợi để thay khớp háng ở Anh có thể là một năm hoặc là lâu hơn, nhưng ở Ấn Độ, Thái-lan hay Ma-lai-xi-a, thủ thuật này thường được thực hiện ngay, người bệnh không mất thời gian chờ đợi và giá lại rẻ. Song chi phí rẻ không đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ thấp, mà luôn được bảo đảm với những trang, thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến và chuyên gia đầu ngành, được đào tạo cấp quốc tế. Điều này giúp lý giải mức độ tăng trưởng mạnh mẽ của “ngành công nghiệp không khói” này.

Những năm qua, việc phát triển du lịch y tế cho thấy tiềm năng cũng như lợi ích kinh tế mang lại cho các quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, lại xuất hiện một nghịch lý là dù mỗi năm thu về một tỷ USD từ người nước ngoài đến chữa bệnh, nhưng lại tiêu tốn hai tỷ USD cho khoảng 50 nghìn người Việt Nam ra nước ngoài tìm kiếm các dịch vụ y tế! Qua khảo sát thì những lý do chính khiến người Việt Nam lựa chọn một dịch vụ y tế ở nước ngoài vì họ tin tưởng vào tay nghề, y đức của bác sĩ, trang, thiết bị y tế hiện đại, trình độ y học tiên tiến, nhất là dịch vụ chăm sóc khách hàng hoàn hảo, người bệnh được phục vụ tốt với thái độ chăm sóc nhiệt tình, chu đáo, được hưởng những dịch vụ y tế hàng đầu.

Có thể nói đây là sự lãng phí rất lớn với nguồn lực trong nước, bởi hiện nay, các dịch vụ y tế trong nước hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, cũng như của khách quốc tế. Thực tế đang có không ít người nước ngoài đến Việt Nam để chữa bệnh, tập trung phần lớn tại các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện FV... Thống kê trong một năm, Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho gần 1.200 lượt người bệnh người nước ngoài, trong đó có nhiều người bệnh đến từ các nước có nền y học phát triển như: Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Tại Bệnh viện Đại học Y dược, mỗi năm khoảng 1.000 người bệnh đến từ các nước châu Âu, Mỹ,... và khoảng 18 nghìn người bệnh đến từ Cam-pu-chia. Tương tự, mỗi năm Bệnh viện FV đón hơn 20 nghìn người bệnh đến từ Lào, Mi-an-ma, Cam-pu-chia, Mỹ, châu Phi... Việt Nam cũng được biết đến với hai thế mạnh: chữa hiếm muộn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho tỷ lệ thành công cao, dịch vụ thẩm mỹ và nha khoa chất lượng cao, giá rẻ.

Theo PGS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Y tế, hiện nay thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam đang thu hút nhiều người nước ngoài bị hiếm muộn, nhất là các cặp vợ chồng đến từ Mỹ, Pháp, Đức, Nga, vì tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ở Hà Nội là 50 đến 60%, tại Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) khoảng 65%, với chi phí khoảng 100 triệu đồng (trong khi ở nước ngoài mỗi ca như vậy có giá từ 15 nghìn USD đến 30 nghìn USD). Đáng chú ý, về đông y, thế giới đã công nhận Viện Châm cứu Trung ương của Việt Nam có khả năng chữa khỏi 53 bệnh lý với giá cả dịch vụ y tế thấp.

Trên thế giới, có 135 quốc gia áp dụng phương pháp châm cứu vào việc điều trị cho người bệnh, Việt Nam là nước đứng thứ hai trong số năm quốc gia đạt được thành tựu cao nhất trong lĩnh vực châm cứu, và đã có các tour (chuyến du lịch) khám, chữa bệnh bằng châm cứu, luyện khí công... Chưa kể, với những ưu đãi về tự nhiên ở Việt Nam như: nhiều suối nước nóng, nước khoáng, các tiểu khu khí hậu đặc biệt như Tam Đảo, Kim Bôi, Bà Nà, Đà Lạt, Sa Pa,... rất thích hợp cho du lịch chăm sóc sức khỏe. Chắc chắn đó là một lý do quan trọng để các khu nghỉ dưỡng tiện nghi với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao đã và đang hình thành ngày càng nhiều tại các điểm du lịch có đông du khách nước ngoài.

Dù có nhiều lợi thế về thiên nhiên, khí hậu nhưng du lịch y tế ở Việt Nam vẫn chưa thật sự phát huy hết tiềm năng sẵn có, và chưa sánh tầm với các nước trong khu vực như Thái-lan hoặc Phi-li-pin. Nguyên nhân có nhiều, trong đó không thể không nói đến việc đầu tư cho dịch vụ nghỉ dưỡng, khám, chữa bệnh còn khá manh mún, nhỏ lẻ, thiếu đầu tư dài hạn để hấp dẫn khách du lịch, cũng như chưa khai thác hết các tiềm năng. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các địa phương, cơ quan y tế, các cơ sở có điều kiện phát triển du lịch y tế với các hãng du lịch lữ hành còn thiếu đồng bộ và về cơ bản, cho đến nay ngành du lịch chưa có động thái xúc tiến, chưa có kế hoạch phát triển du lịch y tế như một khu vực đặc biệt của du lịch nói chung.

Một trong những điểm yếu của du lịch y tế ở Việt Nam hiện nay là còn quá ít thông tin về các dịch vụ du lịch kết hợp chữa bệnh, còn ít hãng du lịch lữ hành tổ chức các tour kết hợp chăm sóc sức khỏe. Về lâu dài, muốn phát triển du lịch y tế, trước hết, cần sớm xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình phát triển trong sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan. Từ đó xác định chiến lược cụ thể nhằm phát triển du lịch y tế bao gồm cơ sở hạ tầng cho lĩnh vực này, tăng cường đầu tư trang, thiết bị y tế hiện đại, cập nhật kỹ thuật tiên tiến, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp của các chuyên gia y khoa và đội ngũ y, bác sĩ cũng như thái độ phục vụ của nhân viên...

Các cơ sở y tế xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các hãng du lịch lữ hành, cùng tạo ra những chương trình du lịch kết hợp khám, chữa bệnh thật sự hiệu quả, hấp dẫn. Các hoạt động này cần kết hợp với việc tăng cường truyền thông về du lịch y tế, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, cụ thể, thông qua những cách tiếp cận tiện ích nhất như báo chí, mạng xã hội,... giúp khách du lịch dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin liên quan góp phần tạo lập và quảng bá các sản phẩm du lịch y tế chất lượng cao.

theobaonhandan.com.vn