6 cách nâng cao đạo đức chốn công sở

“Lợi nhuận” là từ mà nhiều chủ doanh nghiệp dùng làm tiêu chí hàng đầu trong kinh doanh. Tuy nhiên, lợi nhuận không đi đôi với đạo đức thì kết quả cũng chỉ là con số không. Bởi, đạo đức mới là điểm tựa vững chắc để vận hàng doanh nghiệp một cách hiệu quả.
6 cách nâng cao đạo đức chốn công sở

Ngày nay, rất nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung vào lợi nhuận và thành công mà xem nhẹ đạo đức nghề nghiệp. Đó có thể là sự gian lận, bê bối cũng như sai phạm trong kinh doanh hoặc đó cũng có thể là sự trù dập, hãm hại giữa các nhân viên với nhau. Nhiều chủ doanh nghiệp luôn nêu cao biểu ngữ đạo đức trong kinh doanh, tuy nhiên không phải ai cũng nói được làm được. Nhiều chủ doanh nghiệp quyết tâm “soạn sẵn” một văn bản tuyên truyền để “giảng dạy” cho nhân viên mình nhưng thực chất đó chỉ là sự chống đối hoặc nếu không thì kết quả thu được cũng chỉ là con số không.

Đạo đức trong kinh doanh cũng như trong việc đối nhân xử thế sẽ là tiền đề để xây dựng nên một doanh nghiệp vững mạnh và chuyên nghiệp. Khi đạo đức được đề cao thì chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ cũng như chất lượng nguồn nhân lực cũng được tăng lên đáng kể. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp chiếm trọn niềm tin của khách hàng mà còn giúp doanh nghiệp thu được một khoản lợi nhuận không nhỏ. Vậy làm thế nào để nâng cao đạo đức trong kinh doanh cũng như trong khâu tổ chức. 6 cách dưới đây sẽ giúp bạn làm điều đó.

Đào tạo đạo đức nơi làm việc

Đào tạo đạo đức nơi làm việc là một trong những kế hoạch lớn nằm trong danh mục phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Công cuộc đào tạo đạo đức cần được thực hiện từ cấp hội đồng quản trị tới các phòng, ban cấp dưới. Mọi sản phẩm, dịch vụ cũng như chiến lược kinh doanh nào cũng cần bám sát từ đạo đức. Không sai phạm, không trốn luật và đặc biệt là không tạo ra bất kỳ một sản phẩm kém chất lượng nào. Đó sẽ là bước đầu tiên trong công cuộc phát triển doanh nghiệp thành công và lâu dài.

Tuyên truyền cho nhân viên

Nhân viên chính là lực lượng lao động chính đề biến những điều trên sách vở thành hiện thực. Vì vậy, tuyên truyền đường lối, chính sách của doanh nghiệp tới các nhân viên là việc làm cần thiết.

Hãy là một tấm gương sáng

Đối với chủ doanh nghiệp thì việc thực hành những gì bạn đã “giảng dạy” cho nhân viên là điều nên làm. Bởi, nếu nhà quản lý cấp cao có những hành vi vi phạm đạo đức để tăng lợi nhuận hoặc lạm dụng tài chính của công ty thì các nhân viên sẽ học theo. Vì vậy, các nhà quản lý cần đề cao đạo đức trong kinh doanh cũng như trong lối sống: trung thực, ngay thẳng và là tấm gương cho nhân viên noi theo.

Thưởng, phạt những hành vi đạo đức

Xây dựng chính sách khen thưởng cho những nhân viên đã và đang phát huy tốt chính sách mang tên đạo đức nơi làm việc và ngược lại. Trong đánh giá kết quả, coi việc thực hiện đạo đức trong lao động làm thước đo và quyết định tăng lương cũng như ưu đãi cho những nhân viên thực hiện tốt.

Thảo luận và tranh luận

Tổ chức các cuộc hội thảo về chủ đề đạo đức kinh doanh và văn hóa kinh doanh là cách làm thông minh, giúp doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của đạo đức trong cuộc sống, giá trị cá nhân trong các cuộc xung đột, đạo đức có quan trọng cho sự thành công?...tất cả những chủ đề đó đều sẽ khơi gợi trong tâm trí nhân viên những suy nghĩ tích cực, giúp họ xác định được hành vi bản thân cùng biện pháp khắc phục nếu có yêu cầu.

Khuyến khích tham gia các hoạt động thực tế

Cung cấp cũng như khuyến khích nhân viên tham gia các tình huống thực tế đời sống và yêu cầu họ “trả bài” bằng những kịch bản cụ thể. Ví dụ: Bạn cung cấp cho họ tình huống như : “ Bạn nhìn thấy một nhân viên ăn cắp trong văn phòng, bạn sẽ làm gì?” hoặc “ Bạn là người bán hàng của công ty và bạn cung cấp thông tin không chính xác cho khách hàng tiềm năng, bạn sẽ như thấy như thế nào?”…Lắng nghe cách xử lý của nhân viên, tổng hợp và đưa đến cho họ một câu trả lời rõ ràng nhất. Điều này sẽ khiến họ suy nghĩ và hạn chế phạm lỗi.

Theo - Dân Trí