Bị khinh và bị khích chốn công sở

Tôi trắng mắt ra khi biết cô đồng nghiệp thân thiết nhất đã "vạch mặt" mình
Bị khinh và bị khích chốn công sở

Đến chàng chiến binh mình đồng da sắt, gan sư tử, tim gấu Asin cũng chỉ vì một cái gót chân mà phải chết thảm, người trần mắt thịt như Cáo sao có thể ngẩng cao đầu tự tin không bao giờ bị “ám sát” ở chốn công sở lắm thị phi? Đau và ức muốn chết – đương nhiên, nhưng quan trọng là nàng đã “lột xác” ra sao, và cú hồi mã thương có phát huy tác dụng?

Khi bị khinh và bị khích

Kinh tế khó khăn, công ty tôi cũng lâm vào tình trạng “thay máu” và cắt giảm nhân sự liên xoành xoạch. Không khí trong công ty vì thế lúc nào cũng căng như dây đàn. Tôi và B – đồng nghiệp thân nhất của tôi đã bàn nhau tìm kế hoạch, phòng trường hợp bị sờ gáy. Sau khi ngó nghiêng được một vị trí mới ngon ngon, tôi định đánh liều trốn làm một hôm đi phỏng vấn. Nhưng chưa kịp đi thì chị trưởng phòng nhân sự đã gọi tôi lên: “Chị nghe nói em đang nhấp nhổm. Ngồi đây nóng quá thì nghỉ sớm để thoải mái tìm việc đi em!”. Rồi chị đưa nguyên cho tôi đoạn chat dài ngoằng giữa tôi và B, được in cẩn thận ghi rõ ngày tháng mới kinh.

Chị giả bộ xem qua rồi cười hăng hắc: “Sức em mà định xin ứng tuyển vào công ty này á? Bạn chị đi học ở Singapore về thi vào đây còn trày vi tróc vảy chưa được kia kìa! Nộp hồ sơ làm gì để người ta mất công loại ra”. Tôi cay B một thì cú chị mười. Tất nhiên là tôi vẫn bị buộc thôi việc. Về phòng dọn dẹp thì B cũng giả vờ ra giúp rồi thanh minh: “Tớ đang mở ra đọc lại thì bị chị ấy nhìn thấy”.

Tôi cười khẩy vì trò mèo của nàng. Còn ai vui hơn B khi tôi bị đuổi việc chứ? Vị trí của cô ta giờ chắc chắn lắm rồi. Nghỉ việc ở công ty, tôi dành ra nửa tháng tập trung hết sức ôn lại tiếng Anh, cố gắng lục lọi lại đống tài liệu chuyên môn nghiệp vụ của mình. Kết quả không thể tin nổi, tôi đã trúng tuyển sau ba vòng thi gắt gao. Một thời gian sau, tôi vô tình gặp lại một đồng nghiệp trong công ty cũ và biết được sau khi tôi nghỉ việc hơn ba tháng thì công ty cũng chính thức giải thể. Lần đầu tiên tôi thấy vui khi bị người khác chơi xấu!

Ng. Hương (Nhân viên Marketing, 25 tuổi)

Cáo tự giẫm đuôi

Đợt đó công ty tôi phải tuyển thêm phiên dịch cho sếp vì tôi chuẩn bị nghỉ đẻ. Em nhân viên mới cũng chân dài xinh đẹp lắm, lại đi du học mấy năm ở bển nên sếp càng cưng. Ra nước ngoài công tác, em cũng được thay tôi tháp tùng sếp. Sau lần đấy về em càng cao ngạo và hung hăng tợn, chẳng biết kiêng nể ai nữa. Tài liệu dịch, hợp đồng với đối tác em cũng tự mình làm tuốt mà chẳng thèm hỏi tôi xem lại.

Bị khinh và bị khích chốn công sở, Chuyện công sở, Bạn trẻ - Cuộc sống, chuyen cong so, cong so ngay nay, chuyen tinh yeu, tinh yeu gioi tre, cong viec, moi truong cong so, ban tre, bao

Sau đợt đi "công tác" với sếp về, em càng tỏ ra hung hăng dễ sợ (Ảnh minh họa)

Bẵng đi khoảng một tháng, bên đối tác lại cử người sang đây để làm việc. Vừa gặp tôi, đối tác đã ngạc nhiên tay bắt mặt mừng: “Ơ sao tao tưởng mày nghỉ rồi. Bạn phiên dịch mới bảo là mày làm việc không hiệu quả, mắc lỗi tùm lum nên bị giám đốc đuổi việc và thay bạn ấy vào”. Ôi trời, em gái trông thì xinh xắn mà cũng Medusa ghê. Tôi điên lắm nhưng vẫn phải cười duyên với đối tác: “Tao chỉ sắp nghỉ sinh con thôi. Chắc em ấy mới vào không biết cơ cấu công ty này, mày thông cảm”.

Tôi lên kế hoạch để em tự giẫm đuôi. Tôi để mặc cho em tự tung tự tác mà không buồn góp ý kiến hay kiểm tra lại như trước. Rồi cái gì đến cũng phải đến. Em mắc lỗi nghiêm trọng vì tội nhanh nhẩu đoảng và không chịu đọc kỹ hợp đồng. Chuyện đến tai sếp. Tôi tất nhiên chẳng dại gì để giông tố xảy ra nên đã vội mang tập hợp đồng và tài liệu do tôi soạn thảo xuống trình sếp, không quên tỏ vẻ buồn bã: “Em đã góp ý em L mãi rồi, hợp đồng thì hai chị em cùng bàn bạc rồi soạn, đằng này em ấy cứ thích tự làm một mình”. Kết quả là tôi chưa kịp nghỉ đẻ thì em đã được trao trả về địa phương.

Thu Bình (Nam Định)

Đừng giơ thóp ra cho người ta nắm

Mới ra trường, kinh nghiệm làm việc chưa có nên tôi chấp nhận làm lễ tân một thời gian để học hỏi thêm kinh nghiệm. Hằng ngày công việc nhận thư, công văn, hợp đồng gửi đến công ty vẫn do tôi phụ trách. Cho đến một hôm, cả công ty tôi nháo nhào lên vì hợp đồng gói thầu đối tác gửi sang không cánh mà bay. Tréo ngoe ở chỗ hợp đồng được gửi đến vào sáng thứ 7, mà chỗ tôi làm lại nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Bác bảo vệ nhận xong để trên bàn làm việc của tôi, thế mà thứ hai đã không thấy đâu. Sếp sốt ruột, cứ nhằm tôi mà tra hỏi, dù tôi có giải thích vẫn bị sếp đổ trách nhiệm rồi dọa trừ lương, đuổi việc.

Lạ lùng thay đến sáng hôm sau, hợp đồng lại xuất hiện nhưng ở trong phòng kinh doanh và phong bì không còn nguyên vẹn. Tôi gần như chắc chắn được người lấy là ai vì đã hỏi kỹ bác bảo vệ nhưng lại không có bằng chứng xác đáng nên chẳng thể vạch mặt được chị ta – kế toán của công ty. Chị vốn không ưa tôi từ lâu vì đã cướp mất vị trí lễ tân mà chị ta đã ngầm nhắm cho em gái mình. Sau lần đó, tôi làm nguyên một cuốn sổ, giao công văn hợp đồng cho ai, tôi đều bắt ký rồi mới đưa. Giấy tờ gửi đến vào ngày nghỉ, tôi dặn bác bảo vệ cho vào tủ riêng khóa chặt, thứ hai đưa lại cho tôi. Từ giờ thì chị ta đừng hòng chơi đểu tôi sau lưng. Mà nói đi nói lại cũng phải cảm ơn chị một câu, vì nhờ có vụ đó mà tôi cẩn trọng và chú tâm vào công việc hơn trông thấy.

Lan Anh (Hải Phòng)

Những tâm lý hay gặp phải nhưng hoàn toàn không nên có khi bị “sụt hố” chốn công sở:

-    Sốc, mất niềm tin vào tất cả mọi người trong cùng môi trường công sở. Thu mình lại và không biết tận dụng sức mạnh của teamwork tức là bạn đã tự phết cho mình một dấu trừ cực to trong mắt sếp cũng như đồng nghiệp xung quanh.

-    Cú quá hóa khùng. Cả ngày chỉ chăm chăm nhăm nhe tìm cách chơi xấu lại đứa cho mình sụt hố mà quên mất nhiệm vụ chính khi đến công sở là làm việc. Kết quả là công việc bê trễ, sếp lườm nguýt cả ngày. Bạn muốn gia hạn hợp đồng nữa hay thôi?

-    Xin nghỉ việc/ chuyển công tác để tránh đụng chạm những con người đáng ghét. Xin thưa một điều đã là chốn công sở, thì đi đến đâu bạn cũng sẽ gặp phải cừu nhân, dù bạn có cố gắng “làm dâu trăm họ” đến mấy.

-    Bạn tức ức chế lắm rồi làm ầm lên để cả công ty biết chuyện. Chưa biết ai đúng ai sai, cứ nhìn thấy một người nói rất to và rất điên với một người thì (cố tình) ngơ ngác, ngây thơ vô tội là phần còn lại của thế giới đã muốn đứng ra bảo vệ kẻ yếu rồi.

Top phản ứng tích cực nhất với những đối tượng thích đâm lén sau lưng và đào hố bẫy người:

-    Đừng bắt chước kẻ tiểu nhân mà đâm lén lại. Cao thủ là phải có cái đầu đứng cao hơn một chút. Cứ tấn công trực diện bằng kết quả công việc và nói chuyện thẳng thắn với kẻ thù. Đảm bảo hắn sẽ không còn dám manh động.

-    Biến hóa linh hoạt và xử lý tình huống khéo léo hơn. Đừng mãi đóng vai Cáo siêu nhân để người ta ngứa mắt rồi lại tìm cách hãm hại. Thỉnh thoảng gà một tý, mèo con một tý. Giang hồ gọi là tung hỏa mù địch thủ ấy mà.

-    Tìm đồng minh cấp cao (sếp hoặc sếp tổng). Đừng nhầm với việc kéo bè kéo đảng hay nịnh bợ cấp trên. Cách lấy thiện cảm của sếp dễ nhất là chứng minh bằng hiệu suất công việc. Kẻ xấu hãm hại bạn dù có thành công thì cũng khó lấy được lòng tin của sếp.

Với bạn bè thì nên gần gũi, với kẻ thù thì càng nên làm thân hơn. Có thể bạn không đủ tinh ranh để phản đòn nhưng ai bảo những điều bạn học được từ những vụ chơi xấu không có giá trị? Ít nhất, nó giúp bạn nhận ra mình là ai, giúp bạn gia tăng thêm chữ “nhẫn” và quan trọng hơn, nó giúp bạn trưởng thành hơn!

Theo 24h.com.vn