Với những ưu điểm về năng suất, giá bán cao, ổn định, thương lái trực tiếp đến vườn thu mua; cây na cho thu hoạch vụ gối đang có tiềm năng để phát triển thành một hướng sản xuất mới, mang lại nguồn thu nhập cao cho người trồng na huyện Hữu Lũng.
Bà Hoàng Thị Sen, thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng thu hoạch na gối vụ. Những cây na nhà bà Sen vẫn cho quả sai "phát hờn" giữa mùa đông lạnh giá.
Bà Hoàng Thị Sen, thôn Đồng Ngầu, xã Cai Kinh là một trong những hộ đi đầu về sản xuất na gối vụ ở huyện Hữu Lũng chia sẻ: Tôi đã học hỏi và bắt đầu sản xuất na gối vụ từ năm 2008. Thấy hiệu quả kinh tế cao nên từ đó đến nay, năm nào gia đình cũng làm. Năm nay, tôi dành 500 cây để làm na gối vụ. Trung bình mỗi cây thu được 15 đến 20 kg quả với giá bình quân từ 38 đến 50 nghìn đồng/kg. Quả na vụ gối có nhiều ưu điểm như không bị rám nắng nên mẫu mã luôn sáng, đẹp. Na mùa này ăn cũng ngon hơn, ngọt dịu hơn vụ chính. Chính vì vậy, cứ đến thời điểm thu hoạch tôi không bao giờ phải mang đi bán, thương lái đã đặt trước họ vào lấy, có khi còn thanh toán tiền trước vì sợ mình không bán cho. Ước tính, vụ na gối này, trừ chi phí gia đình thu nhập hơn 200 triệu đồng, tôi thấy hiệu quả gấp 2-3 lần vụ chính.
Xã Cai Kinh vốn là “cái nôi” của phong trào sản xuất na gối vụ ở huyện Hữu Lũng với tổng diện tích hiện nay khoảng 40 ha. Na gối vụ tập trung chủ yếu ở các thôn: Đồng Ngầu, Làng Dãn, Ba Nàng, Hồng Châu. Theo các nhà vườn ở đây cho biết: Làm na gối vụ không đòi hỏi yêu cầu, kỹ thuật phức tạp, tuy nhiên yếu tố chính là thời điểm thụ phấn và thời tiết thuận lợi sẽ cho năng suất cao, chất lượng quả tốt. |
Tìm hiểu được biết, theo cách trồng truyền thống thì na chỉ cho thu hoạch một vụ/năm. Thế nhưng từ khi người trồng na biết đến việc đẩy mạnh thâm canh, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật như ngắt lá, tỉa cành, đặc biệt là phương pháp “thụ phấn chủ động” thì cây na có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm. Thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12. Trong đó, sự khác biệt lớn nhất giữa 2 vụ na, đó là những cây na gối vụ sẽ cho quả từ thân cây, khác hẳn với na vụ chính, quả được thu từ ngọn và cành. Vì vậy, việc thu hoạch na gối vụ cũng trở nên đơn giản và nhàn hơn rất nhiều. Đặc biệt, na vụ gối rất dễ tiêu thụ và được giá cao vì nhu cầu của người tiêu dùng lớn hơn nguồn cung hiện có.
Ngoài xã Cai Kinh, hiện nay rải rác ở các xã trồng na của huyện Hữu Lũng người dân cũng đã quan tâm và bước đầu phát triển sản xuất na trái vụ. Ông Lê Văn Hưng, thôn Bãi Danh, xã Yên Sơn cho biết: Gia đình tôi mới thực hành làm na gối vụ từ năm ngoái. Năm nay, vườn na gần 400 cây dự kiến vụ gối này cho thu khoảng 4 tấn quả. Làm na gối vụ chi phí ít, vì sau khi thu hoạch vụ chính tôi chỉ cần đầu tư thêm 20 triệu đồng là đã được thu vụ này. Nhưng đặc biệt, vì vụ này quả được nuôi trực tiếp từ thân cây, tiếp nhận được nhiều chất dinh dưỡng nhất nên rất nhiều quả to cỡ khoảng 0,5- 0,7 kg/quả, mang lại giá trị kinh tế rất cao.
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Từ năm 2008 đã có một vài hộ gia đình tại xã Cai Kinh bắt đầu làm na gối vụ. Tuy nhiên, phải đến năm 2014 thì người dân trong huyện mới thực nghiệm làm phổ biến na vụ gối. Năm 2017, toàn huyện có khoảng 60 đến 70 ha na gối vụ, tập trung chủ yếu ở các xã: Cai Kinh, Yên Sơn, Yên Vượng, Hòa Lạc…
"Phương pháp sản xuất này giúp bà con kéo dài và dãn cách được thời gian thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết thị trường, tìm đầu ra ổn định để bà con yên tâm mở rộng diện tích, đồng thời có nguồn thu nhập cao từ “vụ mùa” đặc biệt này...", ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nong thôn huyện Hữu Lũng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn