Ngày 13/2, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh vùng ĐBSCL mùa khô năm 2019-2020.
Báo cáo cho biết, xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Cụ thể, trên lưu vực sông Mê Công, năm 2019-2020 thuộc năm ít nước, lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm (TBNN), thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục).
Điển hình, mực nước bình quân từ đầu mùa khô đến nay tại trạm Kratie (thuộc Campuchia) đạt 6,67m, thấp hơn 1,43m so với TBNN, thấp hơn 0,5m so với cùng kỳ năm 2016; dung tích trữ Biển Hồ (Campuchia) đến ngày 10/2/2020 ước khoảng 1,9 tỷ m3, giảm khoảng 35,7 tỷ m3 so với thời điểm cao nhất (ngày 1/10/2019), thấp hơn TBNN khoảng 3,6 tỷ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 gần 30 triệu m3.
Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020. Thực tế, xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức cao đột biến từ tháng 12/2020 (ngày 12-15/12/2019), ranh mặn 4 g/lít ở các cửa sông Cửu Long sâu nhất đến 57km (Sông Hàm Luông), sâu hơn trung bình nhiều năm (TBNN) là 24km, sâu hơn năm 2015 là 17km.
Trong tháng 1/2020, xâm nhập mặn đã tăng cao trong thời gian từ ngày 6-13/1/2020 với ranh mặn 4g/lít ở vùng 2 sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) từ 82-85km, sâu hơn năm 2016 từ 18-20km; vùng cửa sông Cửu Long từ 45-66km, sâu hơn năm 2016 từ 6-17km; vùng ven Biển Tây lớn nhất 48km, sâu hơn năm 2016 là 6km.
Hiện tại, xâm nhập mặn đang trong thời gian lên cao (từ ngày 8/2 đến ngày 16/2/2020) theo kỳ triều cường giữa tháng 1 Âm lịch, đây là đợt xâm nhập mặn cao nhất từ đầu mùa khô đến nay với ranh mặn 4 g/l tại các cửa sông đạt cao nhất như sau:
- Vùng 2 sông Vàm Cỏ: Phạm vi từ 100-110km, sâu hơn TBNN từ 20-22km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4-6km, thấp hơn 15-17 km so với mức sâu nhất năm 2016.
- Vùng cửa sông Cửu Long: Sông Cổ Chiên 68km, Hàm Luông 75km và sông Hậu 66km, sâu hơn TBNN từ 20-30km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 3-10km, sâu hơn khoảng 4km so với mức sâu nhất năm 2016.
- Vùng ven biển Tây trên sông Cái Lớn: 61km, sâu hơn TBNN khoảng 12km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 5km, thấp hơn khoảng 7km so với mức sâu nhất năm 2016.
Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường, cụ thể: Từ ngày 21-27/2, ranh mặn vào sâu cao nhất khoảng 55km, giảm khoảng 20km so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng 2/2020; từ ngày 7-15/3 xâm nhập mặn ở mức rất cao, ranh mặn 4g/lít ở mức 80km, sâu hơn 5km so với đợt xâm nhập mặn giữa tháng 2/2020; từ cuối tháng 3 xâm nhập mặn sẽ giảm dần do các hồ chứa thượng nguồn tăng lưu lượng xả nước như tương tự một số năm gần đây.
Ở vùng các sông Vàm Cỏ và sông Cái Lớn, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến hết tháng 4/2020.
Về giải pháp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi, kịp tham gia kiểm soát mặn, ngọt ngay trong mùa khô 2019-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư xây dựng do Bộ quản lý vượt kế hoạch từ 6-13 tháng, đã đưa 5 dự án vào tạm thời vận hành phòng, chống xâm nhập mặn từ tháng 12/2019, tháng 1/2020, như: Cống Âu Ninh Quới (HTTL Quản Lộ - Phụng Hiệp); Trạm bơm Xuân Hòa (tỉnh Tiền Giang); các cống Tân Dinh, Bông Bót, Vũng Liêm (Hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít), 18 cống kiểm soát mặn thuộc Dự án Bắc Bến Tre giai đoạn 1; Nạo vét kênh Mây Phốp – Ngã Hậu...
Các công trình này đã chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng xâm nhập mặn đến 300.000ha.
Trong thời gian tới, một số dự án đang được thực hiện sẽ tiếp tục bảo đảm chủ động kiểm soát xâm nhập mặn tốt hơn, như: Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, Cái Lớn - Cái Bé, Tứ giác Long Xuyên...Về sản xuất lúa, tổ chức xuống giống vụ đông – xuân 2019-2020 sớm hơn so với thời vụ các năm trước từ 10 đến 20 ngày; thời gian xuống giống từ đầu tháng 10 và cơ bản kết thúc xuống giống trong tháng 12/2019 để bảo đảm né thời điểm xâm nhập mặn lên cao;
Đến nay, đã xuống giống lúa đông xuân đạt 1.510.000 ha. Đến nay, tổng cộng thiệt hại lúa vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 khoảng gần 29.700ha (mùa 16.000ha, đông xuân 13.700ha), chỉ bằng 7,3% so tổng cộng thiệt hại năm 2015-2016 (tổng diện tích lúa thiệt hại năm 2015-2016 là 405.000ha).
Thời gian tới, các diện tích đã thu hoạch lúa đông xuân chưa được xuống giống vụ hè thu ngay, chỉ xuống giống khi xâm nhập mặn giảm, nguồn nước bảo đảm cung cấp.Báo cáo của Bộ NN-PTNT còn đề cập nhiều giải pháp cụ thể trước mắt và lâu dài trong phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn cho vùng ĐBSCL.
Bảo vệ các diện tích cây ăn quả
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long”; các địa phương tổ chức củng cố hệ thống đê bao và đê quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập; không tiến hành rải vụ, trồng mới trong thời gian hạn hán, xâm nhập mặn nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây.
Đến nay, cây ăn quả chưa bị thiệt hại do ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Bảo đảm nước sinh hoạtHiện nay, có tổng cộng khoảng 79.700 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt (Bến Tre 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 11.300 hộ, Cà Mau 20.100 hộ, Bạc Liêu 3.300 hộ, Long An 7.900 hộ), cần có các giải pháp để khắc phục kịp thời, cụ thể các giải pháp đang thực hiện tại các địa phương như sau: - Tỉnh Bến Tre: Đã trang bị thiết bị lọc nước nhiễm mặn RO cho 12/35 trạm cấp nước tại tỉnh Bến Tre để tạo đủ nguồn nước ngọt cung cấp cho người dân (người dân tự vận chuyển từ nhà máy nước về nơi ở); Hải đội Bộ Tư lệnh 2 đã dùng tàu hải quân chở được 250 m3 nước ngọt dự trữ cho người dân 3 xã Tân Thủy, An Thủy, An Hòa Tây (huyện Ba Tri) để cung cấp cho các thời gian bị thiếu nước. - Tỉnh Sóc Trăng: Đã mở rộng được 115km mạng lưới đường ống cấp nước cho khoảng 4.000 hộ dân và sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm 604km đường ống, hoàn thành sớm trong năm 2020 để bảo đảm cấp nước cho 22.400 hộ dân bị thiếu. Số hộ còn lại (2.000 hộ) sẽ tiếp tục tìm nguồn vốn khác để nâng cấp công trình cấp nước. - Tỉnh Kiên Giang: Tỉnh bố trí kinh phí đầu tư mở rộng mạng lưới đường ống, nâng công suất nhà máy cấp nước để bảo đảm cung cấp cho 9.000 hộ. Số hộ thiếu nước còn lại sẽ sử dụng cấp nước di động (xe bồn, téc...) trong thời gian xâm nhập mặn lên cao và sẽ khẩn trương huy động các nguồn vốn khác để sớm giải quyết. - Tỉnh Cà Mau: Các hộ dân đang bị thiếu nước thuộc các khu vực thường xuyên bị thiếu nước hằng năm, hiện người dân đang phải chủ động sử dụng các giải pháp cấp nước hộ gia đình.- Tỉnh Bạc Liêu: Tỉnh chuẩn bị ứng vốn trước đầu tư mở rộng 36km mạng lưới đường ống và khoan bổ sung 4 giếng nước ngầm để cấp nước cho các hộ dân bị ảnh hưởng. - Tỉnh Long An: Tỉnh đã hỗ trợ kinh phí mua 160 bồn trữ nước (dung tích 1m3) cấp cho các hộ nghèo, cận nghèo thuộc huyện Cần Giuộc đang bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, tỉnh Tiền Giang đã lắp đặt 50 vòi nước công cộng đảm bảo khắc phục hoàn toàn tình trạng thiếu nước của 2.200 hộ dân trong các ngày xâm nhập mặn lên cao. |