Trồng hoa công nghệ cao tại Lâm Đồng đã góp phần giải quyết việc làm 
cho nhiều người dân với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng (Ảnh: BT)

Cụ thể, thực hiện thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, hầu hết các xã đã rà soát và điều chỉnh đề án phát triển sản xuất theo định hướng tái cơ cấu ngành. Để triển khai đề án, các địa phương đã tập trung xây dựng mô hình và hỗ trợ nhân ra diện rộng; chỉ đạo kiện toàn tổ chức sản xuất, nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi đã được thiết lập và hoạt động có hiệu quả. Mô hình “cánh đồng lớn” được 43 tỉnh áp dụng, đã có 556.000ha với 2.500 mô hình hợp tác, liên kết.

 

Nông nghiệp đã được duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực. Giai đoạn 2013-2015, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường nhưng tốc độ tăng trưởng GDP ngành đạt 2,83%/năm, giá trị sản xuất tăng 3,41%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh, đạt 88,3 tỷ USD, có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 64,7% năm 2013 lên 68% năm 2015. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Bên cạnh đó, đã hoàn thành quy hoạch khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao trên cả nước. Nhiều địa phương đã chỉ đạo rà soát quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, làm rõ các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực là lợi thế để tập trung chỉ đạo hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Thêm vào đó, công tác đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ, tập trung sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, các nông, lâm, trường quốc doanh được quan tâm thực hiện. Đồng thời, đã có gần 600.000 ha lúa được sản xuất theo các hình thức hợp tác, liên kết; xây dựng được nhiều mô hình liên kết trong chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.

Mặt khác, công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến được chú trọng, chủ động nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chát lượng và giá trị thương mại cao để phục vụ cho sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm trở lên. Xuất hiện những gương điển hình doanh nghiệp, nông dân làm giỏi, ứng dụng công nghệ cao có doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Công nghiệp chế biến được đầu tư theo hướng phát triển chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông, lâm thủy sản. Cơ giới hóa các khâu sản xuất đạt khá và theo xu hướng hiện đại; cả nước có trên 6.000 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp.    

Triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần không nhỏ vào kết quả xây dựng NTM ở các địa phương. Trong đó, thực hiện chương trình, NTM đã trở thành hiện thực, đến tháng 3/2016 đã có 1.761 xã (19,7%) đạt chuẩn; 1.223 xã đạt từ 15-18 tiêu chí (13,7%); 3.155 xã đạt từ 10-14 tiêu chí (37,5%); 2.123 xã đạt từ 5-9 tiêu chí (25,4%), 326 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên, xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên là 182 xã. Bình quân cả nước đạt 12,9 tiêu chí/xã, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010; mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 24,4 triệu đồng/năm. Tính đến tháng 4/2016, cả nước đã có 23 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn NTM.

Xây dựng NTM, hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn, điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn.

Về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, 36,4% số xã đạt tiêu chí này, cả nước đã xây dựng mới được 47.436 km đường giao thông các loại đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải (tăng 10.251 km so với cả giai đoạn 2001-2010); cải tạo sửa chữa 103.394 km đường, xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 26.997 cầu,...Bên cạnh đó, 61,4% số xã đạt tiêu chí về thủy lợi, 50.246 km kênh mương do các xã quản lý đã được kiên cố hóa; 28.765 công trình thủy lợi đã được xây dựng, tu bổ, sửa chữa, nâng cấp. Về điện nông thôn, 82,4% số xã đã đạt tiêu chí này, nhiều thôn, bản vùng cao chưa có điện đã được hỗ trợ máy phát điện nhỏ; 34,6% số xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa; 58% số xã đạt tiêu chí về chợ nông thôn; 67,1% số xã đạt tiêu chí về y tế,...

Theo Bộ NN&PTNT, nhằm tiếp tục triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong giai đoạn 2016-2020, cần triển khai các giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thông qua các mô hình điển hình từ thực tiễn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua. Tập trung hỗ trợ các vùng khó khăn để giảm sự chênh lệch giữa các vùng, miền.

Bên cạnh đó, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; ưu tiên phát triển hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất ở thôn, xã. Tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả trên cơ sở phát huy lợi thế, áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Tập trung xử lý môi trường, xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ xử lý môi trường nông thôn, đưa chăn nuôi ra khu tập trung và áp dụng công nghệ đệm lót sinh học.

Song song với đó, cần huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình. Các tỉnh, thành phố cần chủ động bố trí hợp lý nguồn lực từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho chương trình. Có cơ chế phù hợp để huy động được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách, theo hình thức đối tác công tư (PPP), tín dụng, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ quốc tế, vận động đóng góp từ người dân. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách cho các xã khó khăn, nhất là các xã dưới 5 tiêu chí, đồng thời hỗ trợ các xã đạt trên 15 tiêu chí để hoàn thành mục tiêu của chương trình. Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; cải thiện, bảo vệ môi trường./.

Theo Bùi Thủy/dangcongsan.vn