Giữa tháng 11-2017 là thời điểm nước lũ rút, nông dân ĐBSCL đang khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng để bắt tay vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2017-2018.
Kinh nghiệm sản xuất nhiều năm cho thấy, sau lũ lớn thường trúng mùa lúa do phù sa dồi dào. Ngành nông nghiệp ĐBSCL đang tận dụng tối đa “địa lợi”, chọn lựa giống tốt và phương cách sản xuất theo hướng an toàn để nâng cao giá trị hạt gạo.
Sản xuất cánh đồng lớn, bao tiêu đầu ra
Những ngày qua, tranh thủ nước lũ rút dần, nông dân vùng Bắc Xà No (xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) khẩn trương trục đồng, bơm rút nước để xuống giống sớm vụ đông xuân. “Vụ đông xuân này, nông dân ở đây rất vui. Chưa xuống giống nhưng doanh nghiệp đến đặt cọc mua lúa Tài Thơm 8 với giá 5.400 đồng/kg trên diện tích 300ha”, ông Nguyễn Văn Tốt, xã viên hợp tác xã (HTX) Bắc Xà No, cho biết. HTX Bắc Xà No là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh Hậu Giang sản xuất lúa theo mô hình hữu cơ. Ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhấn mạnh: “Sản xuất hữu cơ là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, nhất là đối với sản xuất lúa gạo. Các HTX cần đặt tiêu chí “cùng mua, cùng làm, cùng bán” trong suốt quá trình liên kết sản xuất với doanh nghiêp. Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết hợp đồng bao tiêu”. Hiện có 16 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hậu Giang như Tập đoàn Lộc Trời, Gentraco, Lương thực Sông Hậu… đang bàn phương án bao tiêu lúa đông xuân cho gần 20 HTX sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh. Năm nay, toàn tỉnh Hậu Giang dự kiến xuống giống khoảng 78.000ha lúa đông xuân. Trong đó, sẽ mở rộng diện tích trồng lúa cánh đồng lớn lên 11.000ha (tăng 5.000 ha).
Theo Bộ NN-PTNT, vụ đông xuân 2017-2018, ĐBSCL dự kiến xuống giống hơn 1,53 triệu ha lúa. Các tỉnh trong vùng lên phương án củng cố, thực hiện các hợp đồng bao tiêu lúa đông xuân trên diện tích khoảng 200.000ha theo tinh thần Quyết định số 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Trong phát biểu gần đây về phương án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, cơ cấu giống chất lượng cao hơn, khoanh vùng sản xuất ổn định gắn với chuỗi sản xuất. Đăc biệt là quan tâm tạo giá trị gia tăng trong sản xuất lúa. Cần nhấn mạnh là chúng ta chấp nhận giảm diện tích nhưng giá trị phải tăng. Đây là yêu cầu cấp bách để cải thiện đời sống, sinh kế cho nông dân trồng lúa”.
Điểm sáng thương hiệu gạo Việt
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu năm 2017 đến nay đã xuất khẩu khoảng 4,9 triệu tấn gạo; dự báo xuất khẩu gạo cả năm vượt ngưỡng 5 triệu tấn, tăng so với năm 2016. Hiện giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL dao động từ 5.900 - 6.000 đ/kg đối với loại thường, khoảng 6.300 - 6.400 đ/kg đối với lúa dài, tăng khoảng 700đ/kg so với thời điểm đầu tháng 10-2017. Theo nhận định, giá lúa tăng là do thay đổi cấu trúc xuất khẩu theo hướng tăng ở thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 38%), qua đó doanh nghiệp xuất khẩu gặp thuận lợi hơn trong khâu vận chuyển. Tuy nhiên, các chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng, Việt Nam cần duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và tập trung cho phân khúc gạo thơm, đặc sản, chất lượng cao để cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan.
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ báo tin vui: Vừa qua, loại gạo ST24 do các kỹ sư của Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu đã được vinh danh với gạo Thái Lan và gạo Campuchia trong tốp 3 “Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị quốc tế lần 9 về Thương mại Gạo, được tổ chức tại Ma Cao (Trung Quốc). Đặc điểm nổi bật của gạo thơm ST24 là có thời gian sinh trưởng ngắn (100-105 ngày) so gạo Thái rất dài ngày (khoảng 150 ngày). Đặc biệt, ST24 cho gạo đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, cơm dẻo vừa và có hương thơm mùi lá dứa, được hội đồng giám khảo quốc tế gồm những đầu bếp nổi tiếng đánh giá cao. Đây là dấu son đánh dấu bước tiến của các loại gạo thơm thương mại của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cũng theo GS-TS Võ Tòng Xuân, xuất khẩu gạo Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, ngay Campuchia cũng đang chen chân vào các thị trường xuất khẩu gạo truyền thông Việt Nam. Từ đây, việc tăng giá trị hạt gạo xuất khẩu thông qua các thương hiệu nhưng gạo ST24 là một nhu cầu cấp bách. Ngành nông nghiệp ĐBSCL cần tạo ra “cú hích” về các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao ngay trong vụ đông xuân này. Nhất là khi, thị trường Trung Quốc - thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam, cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn phân khúc gạo thơm, đặc sản.
CAO PHONG/sggp.org.vn