Teo tóp dần
Làng gốm Nhạn Tháp nằm trên địa bàn xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn (Bình Định), cạnh ngôi chùa cổ Nhạn Sơn, vùng ngoại vi kinh đô Đồ Bàn của vương quốc Chămpa xưa, sau này là thành Hoàng Đế của triều Tây Sơn.
Tương truyền, làng gốm Nhạn Tháp có “dây mơ rễ má” với dòng gốm cổ Chămpa ra đời cách đây khoảng 400 – 500 năm.
Theo các bậc lão niên ở làng gốm, xa xưa, bởi vùng đất này là “vùng đệm” của kinh đô Đồ Bàn và sau đó là thành Hoàng Đế, nên ở đây hình thành nhiều làng nghề làm ra những sản phẩm phục vụ cho chiến tranh và đời sống của quan quân.
Ví như làng rèn được sinh ra là để sản xuất kiếm, khiên, giáo, mác… những loại binh khí trang bị cho binh lính; làng dệt làm ra vải vóc để may chiến y; làng gốm chuyên làm ra những vật gia dụng phục vụ cho sinh hoạt của gia đình quan quân; trong đó, những vật dụng tráng men, có gía trị cao là để phục vụ cho nhà quan, còn những vật dụng bằng đất nung là để phục vụ cho gia đình binh lính.
Vùng đất Nhạn Tháp xưa từng có lò gốm của người Chămpa, tồn tại từ thế kỷ thứ 13 - 15, phế tích của lò gốm được tìm thấy ở gần chùa Nhạn Sơn. Trong nhiều lần khai quật khảo cổ khu vực thành Hoàng Đế, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều hiện vật gốm tráng men xanh, nâu, đất nung, gần giống với sản phẩm gốm Nhạn Tháp bây giờ.
Do đó, từ thuở vương triều Chămpa còn ngự trị đến khi trở thành kinh thành của nhà Tây Sơn, nghề gốm ở làng Nhạn Tháp tồn tại xuyên suốt và những lò gốm vẫn đỏ lửa cho đến mãi đến tận bây giờ.
Theo những bậc lão niên, thời cực thịnh của làng gốm Nhạn Tháp là từ thập niên 70 kéo dài đến thập niên 90 của thế kỷ trước.
Khi ấy, cả làng có đến hàng trăm lò gốm hoạt động không ngừng nghỉ. Sản phẩm của làng gốm Nhạn Tháp khi ấy có mặt từ Nam ra Bắc lên đến Tây Nguyên.
Sự phát triển của làng gốm Nhạn Tháp tỷ lệ nghịch với sự phát triển của xã hội. Khi người dân làm ăn ngày càng khấm khá, thì những vật dụng được nung bằng đất dần được thay thế bằng đồ dùng làm bằng vật liệu tân tiến khác.
Ví như ngày xưa còn nấu ăn bằng lò than, lò củi thì bây giờ dùng bếp ga, bếp từ; hoặc như ngày xưa còn dùng vò đựng nước sinh hoạt thì giờ dùng nước máy hoặc bồn chứa bằng inox… Do đó, nghề gốm ngày càng mai một, làng gốm ngày càng “teo tóp”, từ hàng trăm lò gốm trước kia giờ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
Đặc biệt, những thợ gốm còn giữ nghề ở Nhạn Tháp hiện nay hầu hết đều cao niên, người trẻ nhất cũng đã 55.
Bởi 1 lẽ đơn giản: “Tui luôn tha thiết với con cháu là nên giữ cái nghề của ông bà tổ tiên và ra sức truyền dạy nghề cho chúng. Chúng làm được hết, nhưng chẳng đứa nào có ý nguyện theo nghề.
Chúng làm là chỉ để cho tui vui, chứ theo nghề tụi nó lo nghèo, lo khổ, bởi cái nghề này bây giờ là cái nghề đã lấm láp mà còn chỉ lấy tiền lẻ so với các nghề khác trong xã hội. Bởi đó chẳng đứa nào muốn theo, tui nghe tụi nó nói cũng có lý nên chỉ biết yên lặng, giấu nỗi buồn trong bụng”, cụ Võ Thị Lợi, 1 tay thợ chuốt gốm điệu nghệ bậc nhất làng gốm Nhạn Tháp hiện nay, tâm tư.
Sinh ra để làm gốm
Ở Nhạn Tháp, không ai là không biết gia cảnh của người có “đôi bàn tay vàng” trong nghề gốm, đó là bà Võ Thị Lợi (75 tuổi), người dành cả đời mình cho nghề gốm.
Vì gia cảnh gia đình, bà Lợi về sống với nhà nội ở thôn Bắc Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu (TX An Nhơn, Bình Định). Gia đình nhà nội của bà Lợi có nhiều đời làm nghề gốm truyền thống, do đó, từ thuở niên thiếu đôi tay bà Lợi đã nhuốm màu đất.
Ngày ấy, thấy bà nội làm nghề, cô bé Lợi mon men theo đứng cạnh, mắt đăm đăm nhìn chiếc bàn xoay và đôi tay khéo léo của bà nội khi bà chuốt tạo hình những món đồ gốm. Cả ngày như vậy. Hít thở hơi đất riết bà Lợi bỗng nghiện nghề từ khi nào không biết.
Bà Lợi đúng là “con nhà tông”, từ tấm bé bà đã có năng khiếu với nghề gốm. Bà có trí nhớ cực tốt và đôi tay khéo léo, bất cứ động tác nào bà chỉ nhìn qua là làm được ngay.
Năm lên 8, bà Lợi đã biết giúp nội đạp bàn xoay và dọn dẹp những rẻo đất khi bà chuốt tạo hình những món đồ gốm. Một hôm, không cầm được háo hức, cô bé Lợi xin bà nội cho thử “tay nghề”.
Nội phì cười ra vẻ không tin, nhưng vẫn cho cô bé Lợi thỏa nguyện. Nào ngờ đôi bàn tay nhỏ xinh, non nớt của cô bé Lợi thoăn thoắt chuốt, vuốt như 1 thợ gốm lành nghề, chỉ loáng chốc cục đất sét đã ra hình hài. Nhận ra cháu có năng khiếu, từ đó cô bé Lợi được bà nội chính thức truyền nghề.
Đồ gốm ở Nhạn Tháp bây giờ khá đa dạng, từ chum, vò, ang, chậu, thạp, bộng giếng, ống cống, ấm, nồi đủ kích cỡ. Có cả đồ chơi trẻ em như heo đất, bếp lò, nồi, ấm để các bé gái chơi đồ hàng. Bà Lợi đi đứng đã chậm chạp, nhưng khi ngồi vào bàn xoay, đôi mắt bà bỗng tinh anh, đôi tay già nua của bà bỗng thoăn thoắt lạ thường. “Tui làm nghề cả đời mà như chưa biết ngán chú à, đến giờ này mà có đêm tui nằm mơi thấy mình đang chuốt đất. Giấc mơ này xảy ra thường xuyên lúc tui còn nhỏ, do mê nghề quá mà sợ bà nội không cho làm nên đêm nào tui cũng mơ thấy mình là thợ làm gốm”, bà Lợi móm mém cười bộc bạch.
“Tháng đầu tiên, tui học chuốt khuôn bánh xèo. Tháng thứ 2 học chuốt cái vung đậy nồi.
Tháng thứ 3 tui chuốt được gụ nấu nước rồi tới cái ôm, cái nồi nấu cơm, ấm, hũ, bình. Chưa đến 2 năm tui học hết các ngón trong nghề gốm của làng”, bà Lợi nhớ lại.
Theo những thợ gốm, muốn làm gốm lành nghề người sáng dạ nhất cũng phải mất đến 6 năm, bình thường là phải 10 năm, thế nhưng chỉ 2 năm mà bà Lợi đã làm được những công đoạn khó nhất trong nghề là rất “phi thường”.
Năm 16 tuổi bà Lợi lập gia đình và được mẹ chồng xây dựng cho 1 lò gốm tại thôn Bắc Nhạn Tháp để bà thỏa sức vùng vẫy với nghề. Đó là bước ngoặt trong nghề làm gốm của bà Lợi. Được điều hành 1 lò gốm, bà Lợi không còn “quanh quẩn” với những món hàng truyền thống, đơn giản như trước giờ, mà bà Lợi sáng tạo thêm nhiều mẫu đồ gốm mới, làm dày thêm bộ sưu tập sản phẩm của nghề gốm Nhạn Tháp. Khách muốn đặt loại hàng gì, kiểu dáng ra sao, mẫu mã, hoa văn phức tạp kiểu nào bà Lợi cũng làm được tất.
Đến bây giờ, người dân Nhạn Tháp vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện bà Lợi làm “bát đen ông sư”.
Chuyện rằng: Khoảng ba mươi năm về trước, có 1 ông sư nghe danh bà lợi có đôi bàn tay “phù thủy” trong nghề gốm, ông đã cất công từ miền Bắc tìm đến Nhạn Tháp để đặt hàng bà Lợi làm 10 chiếc “bát đen ông sư”.
“Bát đen ông sư” tuy đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ thuật rất cao, phải tinh xảo từng đường nét. Bát phải trơn láng, mịn như mỡ, không 1 tí gợn.
Chuyện còn kể rằng ông sư kia đã rong ruổi đến nhiều làng gốm trên cả nước, nhưng chưa tìm được người làm được chiếc bát như ý.
Bây giờ, dù đã hàng chục trôi qua, nhưng bà Nguyễn Thị Lượng (57 tuổi), con gái bà Lợi, vẫn nhớ rõ gương mặt mãn nguyện xen lẫn thán phục của vị sư năm xưa khi đến nhận món hàng “bát đen ông sư” từ tay mẹ mình.
“Bát ông sư rất khó làm, có thể khẳng định cả làng gốm Nhạn Tháp chỉ mình mẹ tôi làm được. Đến hẹn, vị sư kia quay lại nhận hàng. Khi nhận 10 chiếc bát chín đỏ, ông cầm lên từng chiếc mân mê, vuốt kiểm tra rất kỹ, đầu ông cứ gật gù ra vẻ rất hài lòng. Lúc đó tôi thấy ông vui lắm.
Thế rồi đều đặn mỗi năm, cứ đến kỳ hóa độ, vị sư lại tìm về làng gốm Nhạn Tháp để đặt mẹ tôi làm “bát đen ông sư”. Bát này sau đó được gửi đi khắp cả nước”, bà Lượng không khỏi tự hào nhớ lại.
Bây giờ, dẫu đã quá tuổi thất thập, đôi tay bà Lợi ngày ngày vẫn còn lấm lem đất sét để làm ra những sản phẩm đồ gốm.