Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù trồng trọt là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất của ngành nhưng lại có mức tăng trưởng thấp nhất với mức 1,08% (so với 2,8% cùng kỳ năm ngoái).
Nguyên nhân chính là do lĩnh vực trồng trọt bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình thời tiết cực đoan, bất thường như mùa đông ấm ở miền Bắc, hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khả năng còn lan rộng ra nhiều khu vực khác.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, năm nay hạn hán khốc liệt, riêng Ninh Thuận và Khánh Hòa là nghiêm trọng nhất trong vòng 40 năm. Hiện tại, các hồ chứa ở Ninh Thuận cơ bản hết nước, chỉ còn dưới 10% so với dung tích thiết kế; ở Khánh Hòa dung tích các hồ chứa còn khoảng 17%. Vụ hè thu, dự kiến Ninh Thuận dừng sản xuất khoảng 10.229ha, chiếm 34% đất nông nghiệp, còn Khánh Hòa dự kiến dừng sản xuất 10.400ha, chiếm 24%.
Vải thiều đã bắt đầu thâm nhập các thị trường khó tính trên thế giới. |
Ông Tỉnh cho biết thêm, trong thời điểm hạn hán cao nhất thì có khoảng 122.000ha bị ảnh hưởng ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, trong đó nhiều nhất là Đắk Lắk 61.000ha, Đắk Nông 17.000ha… Theo ước tính, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước đạt 3,112 triệu ha, giảm 4,3 nghìn ha so với năm 2014, sản lượng ước đạt 20,7 triệu tấn, giảm 153.000 tấn (tương đương giảm 0,7%). Tình hình hạn hán “căng thẳng” đã dẫn tới việc các tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Trị sẽ có khoảng 50.000ha không thể trồng được bất kỳ loại cây nào.
Bên cạnh trồng trọt, xuất khẩu nông sản tiếp tục “ảm đạm” với những con số sụt giảm nghiêm trọng như kim ngạch xuất khẩu chè giảm 4,1%, cao su giảm 5,1%, gạo giảm 10,5% và đặc biệt cà phê giảm tới 35,1%... Thủy sản cũng chung tình trạng khó khăn với hàng loạt mặt hàng xuất khẩu giảm đáng kể về số lượng.
Trước vấn đề nông sản của Việt Nam dễ bị “ép” giá và rủi ro cao khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, đây vẫn là thị trường xuất khẩu chính và quan trọng của nước ta trong thời gian tới vì Trung Quốc là thị trường lớn, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới đều cố gắng thâm nhập. “Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành khác sẽ có các biện pháp như liên tục giao thiệp với các cơ quan chức năng của Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu bằng cả đường chính ngạch và đường tiểu ngạch”, ông Phát khẳng định.
Mặc dù vậy, để giảm phụ thuộc, tránh bớt rủi ro cho người nông dân và doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT cũng đang cố gắng đa dạng hóa các thị trường, để nông sản có thể “vào” được các thị trường khó tính khác. Quả vải đã bắt đầu tiếp cận được các thị trường yêu cầu cao như Mỹ, Australia, Nhật Bản... là một ví dụ. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay ở các thị trường là các rào cản kỹ thuật và thủ tục hành chính. Tại buổi họp báo về kết quả 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015, đại diện Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, lúa gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nên vụ lúa thu đông tới đây, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất lúa gạo với quy mô lớn hơn tùy theo điều kiện diễn biến thị trường thế giới.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, lúa thu đông thường cho năng suất cao, chất lượng tốt hơn và được giá hơn so với các vụ khác nên cần đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là trong điều kiện các quốc gia vốn là đối thủ cạnh tranh trong ngành lúa gạo của Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn về hạn hán.
Bên cạnh tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, một trong những biện pháp để “hút” doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp được Bộ NN&PTNT đề ra trong 6 tháng cuối năm là ràâ soát, đơn giản hóa và cắt bỏ các thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin... cố gắng cao nhất để giảm lãng phí thời gian và tiền bạc của người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu dẫn chứng, trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, thay vì kiểm dịch thực vật trên cửa biển, cửa khẩu trong vòng 24 giờ thì sẽ giảm xuống còn 10 giờ...
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cho biết, Bộ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để tổng rà soát chi phí và các loại phí. Theo ông Phát, trước đó, Bộ NN&PTNT đã ký văn bản gửi Bộ Tài chính bỏ 31 loại phí, và lệ phí trong lĩnh vực thú y trong Thông tư 04 của Bộ Tài chính. Mặc dù phía Bộ Tài chính ủng hộ phương án này và đề xuất bỏ luôn cả Thông tư 04 nhưng một số Chi cục Thú y phía Nam phản ánh, nếu bỏ hết việc thu phí, lệ phí thú y sẽ hết nguồn thu.
Trước “tâm tư” trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: “Việc này ảnh hưởng đến nguồn thu của hệ thống thú y, đặc biệt là những địa phương “sống” nhờ nguồn thu đó, đó là điều rõ ràng. Tuy nhiên, nếu chúng ta đã thấy không hợp lý thì phải bỏ. Hệ thống thú y đã được Nhà nước giao nhiệm vụ, và phải thực hiện. Nếu chỉ vì việc này mà các địa phương lơ là, để xảy ra dịch bệnh, thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm”.
Theo cand.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn