Phóng viên: Ngày 30-5, lô quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu qua thị trường Mỹ. Nhận định của ông về triển vọng của quả vải ở Mỹ và tới đây là Úc?
- Ông Hoàng Trung: Mỹ và Úc là 2 thị trường khó tính. Khi xuất sang được 2 thị trường này đã tạo động lực to lớn cho người trồng vải, để nông dân thấy rằng quả vải của họ cũng xuất được sang thị trường cao cấp như thế. Quan trọng hơn là tạo cho người trồng thay đổi quan điểm, tư duy sản xuất theo một quy trình kỹ thuật cao hơn, nghiêm ngặt hơn và tạo ra sản phẩm chất lượng hơn.
Tôi hy vọng vụ vải này là tiền đề rất tốt cho các vụ vải tiếp theo đối với cả nông dân và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu. Hai bên phải có sự hợp tác tốt hơn để làm sao trong thời gian tới, quả vải không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu mà chúng ta còn đa dạng hóa thị trường để không lệ thuộc vào bất kỳ thị trường nào.
Các kế hoạch tiếp theo của cục là gì thưa ông?
- Sau khi những lô vải đầu tiên được xuất đi, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cùng cơ quan kiểm dịch thực vật các nước và các DN xem xét, đánh giá lại xem sản phẩm như vậy đã đáp ứng được yêu cầu của phía Mỹ và Úc hay chưa; hoặc có vấn đề gì chưa được thì chúng ta tiếp tục khắc phục. Thứ hai, tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, nhân rộng các vùng trồng vải theo tiêu chuẩn, kỹ thuật cao. Hiện nay, ở Bắc Giang đã cấp được 8 mã số vùng đối với cây vải, được hiểu là hơn 80 ha và 2 mã số vùng đối với cây vải ở Hải Dương. Đó chưa phải là nhiều. Khi thị trường đã thông, có nhiều DN tham gia xuất khẩu, chúng tôi sẽ phối hợp các địa phương tập huấn cho nông dân, mở rộng thêm diện tích được cấp mã số. Bên cạnh đó, tiếp tục đàm phán để dỡ bỏ rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường, không những chỉ cho quả vải, nhãn mà nhiều loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu khác.
Việt Nam mới chỉ có trung tâm chiếu xạ tại miền Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tính đến khả năng thành lập trung tâm chiếu xạ tại Hà Nội để tạo thuận lợi cho DN?
- Hiện ở miền Nam có 2 đơn vị chiếu xạ là Son Son Corp. và Công ty CP Chiếu xạ An Phú đã đủ điều kiện và được cấp chứng chỉ hành nghề. Phía Mỹ, Úc cũng đã sang kiểm tra và chấp thuận cho 2 công ty này xử lý bằng biện pháp chiếu xạ trái cây trước khi xuất sang nước họ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội tại Cầu Diễn. Đại diện Bộ NN-PTNT đã đến kiểm tra cụ thể tình hình và về cơ bản chỉ cần nâng cấp kho bãi, mức chiếu xạ là trung tâm có thể đi vào hoạt động. Bộ Khoa học và Công nghệ đã quyết định đầu tư 20 tỉ đồng để nâng cấp trung tâm này. Sau khi kiểm tra, khảo sát lần cuối, Bộ NN-PTNT sẽ mời chuyên gia của Mỹ, Úc đến đánh giá cụ thể. Dự kiến cuối năm 2015, chương trình nâng cấp sẽ xong để đón vụ vải 2016.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn