Với sự tham gia của 10 đội, là các cán bộ khuyến nông từ cấp tỉnh đến cơ sở của 10 tỉnh, thành phố phía Bắc gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thanh Hóa và Yên Bái, trải qua 3 phần thi: Sân khấu hóa khuyến nông chung tay xây dựng nông thôn mới, kiến thức tự luận và trắc nghiệm kiến thức, các đội đã mang đến cho hội thi những thành quả rất ấn tượng của các địa phương trong xây dựng nông thôn mới cũng như đóng góp của lực lượng khuyến nông cho chương trình.
Tiết mục sân khấu hóa khuyến nông chung tay xây dựng nông thôn mới của đội Yên Bái.
Được giao nhiệm vụ tham gia thực hiện một số tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới như thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, quy hoạch và thực hiện quy hoạch, các hình thức tổ chức sản xuất,… những năm qua lực lượng khuyến nông đã có những đóng góp thiết thực cho chương trình, cùng với các địa phương vượt qua nhiều trở ngại để về đích ở các tiêu chí khó.
Tiểu phẩm của đội Vĩnh Phúc.
Thông qua những tiểu phẩm vui nhộn, vai trò của lực lượng khuyến nông đã được thể hiện rõ nét thông qua những mô hình trình diễn, những cuộc tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để giúp bà con áp dụng vào sản xuất, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu. Ví như, cán bộ khuyến nông Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hòa Bình giúp đồng bào các dân tộc hiểu muốn đạt được tiêu chí môi trường phải xây dựng chuồng trại, nhà tiêu hợp vệ sinh, xa nhà ở, chuồng trại được tiêu độc khử trùng và xây dựng nông thôn mới không phải là việc của riêng nhà nước. Khuyến nông Hà Nam khéo léo gài câu chuyện của lý trưởng – mẹ Đốp với các vấn đề có tính thời sự của nông nghiệp, nông thôn địa phương như đào tạo nghề cho lao động nông thôn hay mô hình trồng rau hữu cơ.
Phần thi trắc nghiệm kiến thức của các thí sinh.
Khuyến nông Thanh Hóa lại nói về quá trình chuyển biến trong tư duy sản xuất của nông dân, từ chỗ làm theo kinh nghiệm, không quan tâm đến môi trường, phá rừng bừa bãi khiến lũ lụt, dịch bệnh đe dọa sản xuất, bà con phải tha hương đi nơi khác làm ăn đến việc mạnh dạn đưa những mô hình mới vào sản xuất như phục tráng rừng luồng, chăn nuôi gà an toàn sinh học, sử dụng máy dò ngang trong đánh bắt xa bờ, sử dụng máy cấy mạ khay,… Đến nay, Thanh Hóa đã đạt bình quân 11,8 tiêu chí/xã, có 45 xã, 6 thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều huyện, thị xã đã lấy tiêu chí thu nhập cho người dân làm mục tiêu phấn đấu. Ở nhiều địa phương đã hình thành được các mô hình phát triển sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình cơ giới hóa đồng bộ (chiếm gần 25%), mô hình phát triển thủy sản (hơn 9%), mô hình chăn nuôi (hơn 32%), mô hình trồng trọt (hơn 30%)…
Đại diện ban tổ chức trao giải Nhì cho hai đội Hà Nam, Hà Nội.
Khuyến nông Vĩnh Phúc với câu chuyện tình yêu của chàng khuyến nông viên và cô thôn nữ những cũng khéo léo lồng vào chuyện dồn điền đổi thửa, những đổi mới của quê hương nhờ bàn tay góp sức của khuyến nông,… Sau 4 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay Vĩnh Phúc có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới (35,7%); thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 17,28 triệu đồng/người (năm 2011) lên 27,5 triệu đồng/người năm 2014. Đội Hà Nội là mô hình ngôi nhà hoa ly với những nông dân trở thành tỷ phú nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi… “Rõ ràng, những đóng góp của khuyến nông là không hề nhỏ, không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập, có việc làm ổn định mà còn đánh thức nhiều tiềm năng của các địa phương”, TS.Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định.
Giải Nhất thuộc về đội Vĩnh Phúc.
Hội thi kết thúc tốt đẹp với giải Nhất thuộc về đội Vĩnh Phúc. Ngoài ra, Ban tổ chức trao 2 giải Nhì cho đội Hà Nam và Hà Nội; 3 giải Ba cho đội Yên Bái, Lạng Sơn, Thanh Hóa; 4 giải khuyến khích cho các đội Bắc Giang, Hải Phòng, Bắc Kạn và Hòa Bình. Đội Yên Bái giành giải phụ đội có phần thi khuyến nông chung tay xây dựng nông thôn mới hay hất và đội có điểm thi kiến thức khuyến nông cao nhất thuộc về Thanh Hóa.
Theo: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn