Ngày 29.5, Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội thảo tổng kết mô hình liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc).
Hội thảo có sự tham gia của đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh khu vực phía Bắc. Mô hình liên kết này có sự tham gia của Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao và Công ty Giống cây trồng T.Ư trên diện tích 60ha. Các đại biểu thăm mô hình liên kết sản xuất lúa tại xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc.
Theo ông Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Phúc, mô hình liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại Hợp Thịnh đã đạt được những thành công nhất định, thể hiện nhu cầu bức thiết trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là tạo được liên kết chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp cung ứng phân bón, giống và được doanh nghiệp đảm bảo thu mua hết sản phẩm.
Việc liên kết chặt chẽ trên cánh đồng mẫu lớn giữa nhà nông, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đã tạo được động lực mới đối với sản xuất lúa. Khi triển khai mô hình, các hộ dân tham gia đều nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm, mạnh dạn đầu tư, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, cơ bản thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ chỉ đạo kỹ thuật.
Ông Đỗ Bá Vọng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, việc liên kết trong sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất của nông dân và như vậy công ty chịu trách nhiệm hoàn toàn với sản phẩm giống của mình. Công ty sẵn sàng bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa sau khi thu hoạch, với tỷ lệ 1kg thóc giống bằng 1,3kg thóc thịt. Với cách làm này, nông dân đã được lợi thêm từ 500.000 - 600.000 đồng/sào (tăng thêm khoảng 30%).
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia - ông Phan Huy Thông khẳng định, phát triển mô hình liên kết sản xuất lúa trên cánh đồng mẫu lớn là đòi hỏi bức thiết hiện nay. Mô hình giúp sản xuất theo hướng tập trung và mang lại kết quả lớn về mặt kinh tế cho nông dân. Việc xây dựng mô hình thành công góp phần chuyển đổi phương thức, tập quán canh tác và đầu tư trong sản xuất lúa, tạo vùng hàng hóa lớn tập trung và góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt của tỉnh. |
Ông Bùi Đức Quang - Chủ tịch UBND xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) chia sẻ, xã thành công hoàn toàn trong việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Hiện, toàn bộ hoạt động sản xuất lúa trong xã, từ gieo cấy, làm đất, thu hoạch và tiêu thụ đã có doanh nghiệp hỗ trợ nên mọi chi phí của nông dân giảm đáng kể, làm ruộng đã thực sự có lãi. Qua việc này, nhiều người dân từ bỏ ruộng đã trở lại với nghề trồng lúa.
Ông Trần Văn Khởi - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, mô hình liên kết trên cánh đồng mẫu lớn được trung tâm triển khai trên toàn quốc, đã xây dựng được 450ha mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn tại các vùng sản xuất lúa thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, 600ha mô hình tại 6 tỉnh vùng ĐBSCL với quy mô 100ha/mô hình.
Chương trình đã tạo ra được sự hợp tác chặt chẽ trên đồng ruộng giữa doanh nghiệp, nông dân và chính quyền địa phương, từ sản xuất, cung ứng đến tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu chi phí và thất thoát trong sản xuất lúa.
Ông Vũ Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao khẳng định, công ty luôn sẵn sàng hợp tác với người nông dân làm cánh đồng mẫu lớn. Việc này sẽ giúp công ty kiểm soát chất lượng phân bón trên đồng ruộng, đồng thời giúp nông dân giảm tối đa chi phí bón phân.
Tài Dũng
Nguồn: danviet.vn