Tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đóng mới từ nguồn vốn vay theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Được vay vốn lưu động đến 300 triệu đồng
Theo ông Trung, Nghị định sửa đổi sẽ mở rộng cho vay cả nâng cấp tàu cũ (sử dụng máy cũ). Đây là vấn đề bức xúc lớn nhất của nhiều ngư dân được giải quyết ngay lập tức.
Ông Trung cho rằng, để đảm bảo cho ngư dân bám biển, máy mới tàu mới an toàn hơn máy cũ tàu mới. Bản thân ngư dân muốn vay để mua loại máy cũ cho rẻ. Tuy nhiên, máy cũ có nhiều tình trạng như: Sử dụng máy cũ nhưng cũ quá; máy trên đường bộ đem cải tiến thành máy thủy. Những vấn đề đó tiềm ẩn gây mất an toàn.
“Một con tàu hoạt động 1 tháng ngoài khơi xa với 10 - 15 người trên tàu. Nếu chết máy, không những tài sản mà tính mạng con người cũng không an toàn khi gặp sự cố. Nhà nước phải định hướng để đảm bảo an toàn cho ngư dân. Khi sử dụng máy cũ chi phí sửa chữa cao hơn máy mới và hiệu quả sản xuất thấp hơn. Sử dụng máy cũ tưởng rẻ nhưng hóa đắt khi phải thường xuyên sửa chữa”, ông Trung nói.
Ông Trung cho biết thêm, khi Nghị định 67 sửa đổi được ban hành, việc quản lý máy cũ sẽ giao cho 2 đơn vị: Bộ Khoa học Công nghệ kiểm soát máy cũ nhập vào Việt Nam để tránh tình trạng nhập rác thải công nghiệp; Bộ NN&PTNT kiểm soát khi lắp đặt máy cũ phải đảm bảo chất lượng sử dụng.
Theo ông Trung, Bộ KHCN quy định máy cũ nhưng sử dụng không quá 10 năm và theo tiêu chuẩn Việt Nam mới được nhập. Phía Bộ NN&PTNT có trách nhiệm kiểm soát khi lắp xuống tàu.
Theo Nghị định sửa đổi, người dân sẽ được cung cấp miễn phí những mẫu thiết kế tàu mới. Trước đây, người dân phải mất lệ phí thiết kế (100 - 200 triệu đồng). Bây giờ nhà nước bỏ tiền ra thuê đơn vị thiết kế rồi chuyển lên mạng cho người dân tải về. Nhiều người được dùng chung một mẫu. Hiện có 21 mẫu tàu vỏ thép. Sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ thiết kế tiếp các mẫu tàu vỏ vật liệu mới, vỏ gỗ. Mẫu vỏ vật liệu mới do Bộ NN&PTNT thẩm định, vỏ gỗ do UBND tỉnh thẩm định phù hợp với địa phương.
Theo Nghị định 67 sửa đổi, ngư dân sẽ được vay vốn lưu động lên đến 200- 300 triệu đồng để mua nhu yếu phẩm, vật dụng cho một chuyến ra khơi.
Ngoài ra, ngư dân sẽ được miễn hoàn toàn thuế giá trị gia tăng khi đóng mới, nâng cấp tàu.
Vay vốn không làm kiểu phong trào
Liên quan đến câu chuyện ngư dân xin rút hồ sơ vay vốn, Vụ trưởng Các ngành kinh tế tín dụng Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Tiến Đông cho biết, thời gian qua đã cử cán bộ xuống cơ sở làm việc với ngư dân, chính quyền địa phương, cán bộ ngân hàng xem kỹ các vướng mắc.
Trước phản ánh của ngư dân rằng các thủ tục vay vốn ngân hàng nhiêu khê, còn phải đi vay ngoài lãi cao, ông Đông cho biết: Chương trình đóng tàu theo NĐ 67 do Chính phủ phê duyệt nhằm hỗ trợ ngư dân ra khơi bám biển tốt hơn. Gói tín dụng dành cho chương trình khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng, đến nay đã cho vay được 390 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngư dân và địa phương cần lưu ý đây là chương trình cho vay thương mại mà ngành ngân hàng sẽ hỗ trợ về lãi suất. Vốn thương mại tức là có vay có trả và ngân hàng không thể quá dễ dãi được. Có gia đình có 3 anh em thì cả 3 đòi vay để đóng mỗi người một cái tàu, mỗi tàu trị giá mười mấy tỷ đồng thì rất khó.“Nói chung, đây là một chủ trương đúng đắn nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển nhưng không thể làm theo kiểu phong trào được. Bây giờ ngân hàng cứ cho vay ồ ạt, rồi bỏ qua các quy trình thì sau này các khoản vay lại trở thành nợ xấu, lúc đó vừa khổ ngư dân, vừa khổ cả ngân hàng”.
Vụ trưởng Các ngành kinh tế tín dụng NHNN
“Một số ngư dân Quảng Ngãi cho hay đã xin rút hồ sơ vay do không muốn đáp ứng điều kiện về máy móc phải thay mới hoàn toàn vì lãng phí; lại không đủ vốn đối ứng ngân hàng đòi hỏi. Có phải những điều kiện này đang gây khó cho ngư dân?”.
Trả lời câu hỏi này, ông Đông khẳng định: Hiện đóng tàu theo NĐ 67 có mấy trăm hồ sơ do các địa phương phê duyệt gửi lên. Tuy nhiên có địa phương làm tốt, nhưng cũng có địa phương nghĩ chương trình này của Chính phủ là “bao cấp, hỗ trợ nhiều” nên đã chọn có phần dễ dãi như: Ngư dân không đủ điều kiện hoặc kinh nghiệm quản lý tàu lớn. Về quy định vốn đối ứng ngư dân đóng tàu gỗ phải có 30%; tàu sắt là 5-10%, nhưng trên thực tế cũng nhiều ngư dân chưa đáp ứng được đầy đủ. Cũng cần phải nói thêm là, người ta không khuyến khích ngư dân đóng tàu gỗ vì khi sử dụng nhiều tàu này, sẽ không đủ sức ra khơi xa và chống được những va đập như những trường hợp va với tàu Trung Quốc thời gian qua.
Cũng phải thừa nhận trên thực tế có cán bộ ngân hàng đã từng đi làm thủ tục cho ngư dân vay và người ta đã gặp rủi ro nên khi xét duyệt hồ sơ cho vay cán bộ ngân hàng cũng cứng nhắc hơn. Về điều này, tới đây khi làm việc với các ngân hàng thương mại, chúng tôi sẽ chấn chỉnh cả cán bộ và lãnh đạo ngân hàng.
Cũng ông Đông cho biết, chương trình dự kiến sẽ đóng khoảng 2.300 con tàu ra khơi bám biển, nhưng một năm các cơ sở đóng tàu của ta chỉ đóng được tối đa 2-3 tàu. Nếu cộng tất cả các cơ sở đóng tàu của Việt Nam cũng phải mất 5-7 năm. Tới đây, ngành ngân hàng sẽ tổ chức một hội nghị sơ kết mời các ngân hàng, chính quyền địa phương để tiếp tục tháo gỡ và làm rõ một số vướng mắc cũng như ghi nhận kết quả đạt được.
theo tienphong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn