Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Nông nghiệp 1 đã nghiên cứu ra nhiều giống lúa lai cho hiệu quả cao. Ảnh VGP/Đỗ Hương |
Tính đặc thù của ngành sản xuất lúa lai F1 đòi hỏi quy hoạch một số vùng sản xuất giống tập trung tại các khu vực có điều kiện sinh thái tự nhiên, có điều kiện cách ly phù hợp, cơ sở vật chất kỹ thuật (thủy lợi, giao thông nội đồng, cơ sở chế biến…) đáp ứng yêu cầu cầu sản xuất hạt giống.
Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, tuy yêu cầu vốn đầu tư khá lớn, sản xuất phải gắn chặt với khâu chế biến và tổ chức tiêu thụ nhưng hiện đã có khoảng 20 doanh nghiệp làm về công tác giống có tiềm lực và kinh nghiệm tham gia sản xuất.
Quy trình sản xuất hạt giống lúa lai F1 là công nghệ cao, phức tạp và có nhiều rủi ro về thời tiết bất thường. Bên cạnh đó, so với những thắng lợi lớn ở các tỉnh miền Nam thì việc phát triển giống lai thích ứng cho vụ mùa ở phía Bắc và miền Trung còn hạn chế.
Vì vậy, tại hội nghị sơ kết tình hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 năm 2014, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đã đề nghị UBND tỉnh, thành phố có cơ chế hỗ trợ khuyến khích nông dân sử dụng hạt giống lúa lai sản xuất trong nước.
Cùng với đó Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng yêu cầu các cơ quan Khí tượng Thủy văn có những dự báo ngắn, tập trung để nhân dân chủ động vụ mùa. Bộ NNPTNT sẵn sàng đầu tư kinh phí để chủ động sản xuất giống lúa lai, nhằm đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, tránh hoàn toàn sự lệ thuộc vào nước ngoài.
“Từ năm nay, Bộ NNPTNT sẽ rà soát lại các đề tài nghiên cứu, phối hợp với Đại học Nông nghiệp Hà Nội theo hướng đặt hàng đặc biệt cho các đơn vị có năng lực chọn tạo nguồn giống bố mẹ. Trước mắt, Sở NNPTNT các địa phương quan tâm phát triển lúa lai, dứt khoát không để người dân chịu rủi ro trừ khi bất khả kháng, bão lụt không thể lường trước được”- Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh khẳng định.
Đỗ Hương
Nguồn baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn