HTX nông nghiệp CNC xã Trí Yên với quy mô 2.168 m2 là điển hình trong việc ứng dụng CNC với mô hình trồng dưa lưới, cà chua trong nhà màng công nghệ Isarel. Nhờ cách làm linh hoạt, sáng tạo và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình mà cây trồng trong nhà màng sinh trưởng và phát triển tốt. Trong đó, 5.000 cây dưa leo và dưa lưới đã cho thu hoạch, năng suất 25 tấn/vụ, trừ chi phí mỗi vụ HTX lãi hơn 100 triệu đồng.
Giám đốc HTX, ông Trần Xuân Đăng cho biết, trồng dưa trong nhà màng giúp kiểm soát được nhiều yếu tố tác động đến cây trồng nên có thể sản xuất được 3 vụ/năm, sản xuất trái vụ, giảm chi phí đầu tư, công lao động, tăng năng suất cây trồng gấp 3 - 4 lần so với phương pháp canh tác truyền thống.
Huyện Yên Dũng cũng là địa phương dẫn đầu tỉnh về dồn điền đổi thửa, vận động nông dân góp ruộng đất, liên kết với doanh nghiệp, HTX để mở rộng sản xuất. Đi vào hoạt động từ tháng 4.2016, HTX Rau sạch Yên Dũng (xã Tiến Dũng) hiện có khoảng 200 hộ góp ruộng, nhà nào góp ruộng cũng được nhận vào làm.
HTX còn đầu tư xây dựng nhà lưới diện tích 10.000 m2 để trồng dưa lê Hàn Quốc; nhà tiền sơ chế nằm ngay tại nơi sản xuất, hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất hàng hóa. Mỗi năm, HTX thu được hơn 100 tấn rau các loại, doanh thu năm 2017 ước đạt 16 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 3 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động, gồm: Mô hình tại xã Tiến Dũng với quy mô 30ha, trong đó diện tích nhà màng 10.000m2; mô hình ứng dụng công nghệ cao của HTX Nông nghiệp công nghệ cao xã Trí Yên quy mô nhà lưới 2.168m2; mô hình của HTX Đại Đồng (xã Cảnh Thụy) quy mô nhà lưới 2.880m2. Ngoài ra, tại các xã Đức Giang và Xuân Phú hiện có hai mô hình với diện tích nhà màng trên 5.000m2 đang triển khai thực hiện, dự kiến đi vào sản xuất vào cuối năm nay.
Năm 2017, huyện Yên Dũng đã dồn đổi được hơn 840ha đất, nâng tổng diện tích được dồn đổi lên 3.538ha. Qua đó, hình thành nhiều cánh đồng lớn, sản xuất tập trung như: Lúa thơm chất lượng cao (mỗi vụ khoảng 4.000ha); cánh đồng mẫu lớn sản xuất cây rau màu chế biến, rau an toàn ở xã Đức Giang, rau sạch ở xã Tiến Dũng, khoai tây chế biến ở xã Tư Mại... Sau dồn đổi, phương tiện cơ giới được sử dụng góp phần giảm chi phí sản xuất, năng suất cây trồng tăng khoảng 15 - 30%.
Việc hình thành những vùng sản xuất tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân ứng dụng kỹ thuật máy móc, công nghệ. Không chỉ tăng lợi nhuận cho người sản xuất, việc tích tụ còn tạo sự gắn bó giữa hộ góp đất với doanh nghiệp, HTX, làm thay đổi tư duy canh tác nhỏ lẻ, phân tán sang hướng sản xuất quy mô lớn, gắn kết với thị trường.
Ông Hoàng Hữu Lân, Phó Trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Yên Dũng cho biết: “Nhiều hộ sản xuất, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng một số công nghệ như: phun, tưới tự động trong trồng trọt; kết nối thông tin vào truy xuất nguồn gốc, quảng bá sản phẩm... Đó là những thành tựu rõ nét của cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0 trên đồng ruộng Yên Dũng, giúp nâng cao năng suất, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản”.
Theo Giang Phương/Báo TTV.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn