Dự án phát triển Nông nghiệp Hà Tĩnh có tổng vốn đầu tư 11,4 triệu đô la Canada do Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada tài trợ. Dự án được triển khai thực hiện trong thời gian 6 năm từ 2011 - 2016 trên địa bàn 13 xã thuộc 3 huyện: Kỳ Anh, Thạch Hà, Đức Thọ. Với 3 mục tiêu cốt lõi, xuyên suốt đó là: Tăng cường khả năng cạnh tranh của một số lĩnh vực chủ chốt được nâng cao; cải thiện hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng, góp phần hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho 13 xã trong vùng dự án của Hà Tĩnh; nâng cao năng lực cho Sở NN&PTNT và các ban, ngành có liên quan trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, triển khai và giám sát các chương trình của nhà nước hỗ trợ phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn.
Riêng năm 2015, Dự án triển khai xây dựng 5 chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực: Lúa; chè; rau, củ, quả; lợn và bò, góp phần quan trọng vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa người nông dân trong vùng hưởng lợi tiếp cận với sản xuất liên kết hàng hóa. Ngoài ra hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng quy mô nhỏ hỗ trợ phát triển nông nghiệp và tiến hành tập huấn nâng cao năng lực, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm, hội thảo, đối thoại….
Trong năm 2016, Dự án phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh sẽ được Canada bố trí trên 42,2 tỷ đồng để thực hiện các nội dung hai bên thống nhất. Trong đó, có trên 20 tỷ đồng được chuyển tiếp từ năm 2015 do chưa thể giải ngân.
Bà Kate Reeki - Phó Giám đốc cơ quan Hợp tác phát triển Canada |
Đánh giá cao những thành tựu Hà Tĩnh đạt được trong thời gian qua, bà Kate Reeki - Phó Giám đốc cơ quan Hợp tác phát triển Canada cho rằng: Kết quả Dự án Phát triển Nông nghiệp Hà Tĩnh mang lại đã giúp người dân tiếp cận với sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất quy mô lớn, theo hướng bền vững. Nhất là việc lồng ghép với các dự án đã mang lại hiệu quả cao hơn.
Bà Kate Reeki cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế, như: Hạ tầng sản xuất chuỗi lúa triển khai còn chậm; mô hình chăn nuôi lợn chưa được liên kết chặt chẽ … chuỗi rau, củ, quả chưa có đầu ra rõ ràng; nhất là tiến độ giải ngân đạt quá thấp.
Đồng tình cao với định hướng nội dung hoạt động của dự án trong năm 2016, bà Kate Reeki cho rằng Ban quản lý dự án cần nghiên cứu bổ sung thêm nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường và thành lập hội đồng tư vấn gồm các nhà chuyên môn, nhà khoa học hoạt động mang tính độc lập.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Kết quả của Dự án Phát triển Nông nghiệp Hà Tĩnh là một trong những nhân tố tạo nên sự phát triển chung của nền nông nghiệp. Theo đó, năm 2016 tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả, tính bền vững của 5 chuỗi sản phẩm trở thành mô hình mẫu để thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Kết hợp với các ngành, địa phương, kết nối, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các Dự án khác để phát triển toàn diện hơn.
Xung quanh chuỗi giá trị sản phẩm, cần tập trung vào từng chuỗi để đảm bảo tính hiệu quả và phải gắn kết với thị trường. Nhất là với các sản phẩm rau, củ, quả phải có thị trường đầu ra ổn định; truy xuất nguồn gốc nhằm hướng tới mở rộng sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời với đó, cần xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng các công trình đã làm theo đúng kế hoạch.
Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh được Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn và Bà Kate Reeki - Phó Giám đốc cơ quan Hợp tác phát triển Canada thỏa thuận gia hạn thêm 1 năm |
Về nâng cao năng lực quản lý cần tháo gỡ ngay các thủ tục hành chính không cần thiết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, sử dụng kinh phí theo đúng lộ trình. Xung quanh nhà máy sản xuất giống, Dự án phải hướng tới sản xuất kinh doanh, đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Quá trình thực hiện phải có cơ chế giám sát, đánh giá, đảm bảo lộ trình tư nhân hóa nhà máy đến năm 2020 đạt từ 17 - 25%.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn và Bà Kate Reeki - Phó Giám đốc cơ quan Hợp tác phát triển Canada đã ký kết thỏa thuận gia hạn dự án thêm 1 năm, giai đoạn từ 2011 - 2018.
Theo Văn Sơn/hatinhtv.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn