12:17 EST Thứ bảy, 23/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhiều người quan tâm » Văn hóa NTM


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Làng quê đang méo mó: [Bài III] Làng phố và phố làng

Thứ năm - 14/11/2019 22:17
Phía sau những chiếc cổng chào vô hồn phấp phới cờ hoa và khẩu hiệu là một tấn bi hài kịch của làng phố và phố làng...

Phía sau những cái cổng chào

Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính người đã dành cả đời cho việc bảo tồn cảnh quan, không gian sống ở nông thôn từng nhận xét thế này: "Cổng làng mang đậm ý nghĩa văn hóa, còn cổng chào lại mang tính thực dụng bình dân. Nhiều nơi đã biến cổng làng thành cổng chào bằng cách xây hai cái cột xi măng rồi cho quét một lớp vôi vội vã lên, trên gắn một cái biển bằng thiếc. Lại có nơi, người ta thay cổng làng bằng cách dựng lên đó cổng chào được lát đá hoa mà nhìn từ xa trông sáng loáng. Đó là thứ đá lát nhà, lát khu bếp, khu vệ sinh… Vì thế mà cái cổng cũng trở nên vô hồn, vô duyên".

Tiếc rằng mốt cổng đó hiện diện mỗi lúc một nhiều ở những vùng nông thôn tôi vừa đi qua như xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh hay xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên này.

Một người nông dân đi làm qua cái cổng chào của làng mới dựng.

Phía sau những chiếc cổng chào vô hồn phấp phới cờ hoa và khẩu hiệu ấy là một tấn bi hài kịch của làng phố và phố làng. Trong bản quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn của xã Cửu Cao năm 2008 có thống kê bình quân đất ở 255m2/hộ, nhà một tầng, bán kiên cố với mái ngói xung quanh, có vườn chiếm 70%, nhà tạm chiếm 10%, công trình vệ sinh chủ yếu là loại hai ngăn. Nhưng chỉ hơn 10 năm sau cơn lốc đô thị hóa ào về như một cơn bão, mọi thứ đã khác hẳn.

Tỷ lệ nhà ở lộn ngược so với trước khi cỡ 70% là nhà tầng còn nhà cấp bốn, mái ngói, mái tôn chỉ chiếm 30%. Dân số tăng lên nhanh chóng khiến diện tích đất bình quân của mỗi gia đình ít hơn nhiều so con số 255m2 thủa trước khi mảnh đất của ông cha phải xẻ ba, xẻ bốn, phần chia cho con cháu, phần để bán lấy tiền tiêu.

Anh Nguyễn Văn Hòa - Phó thôn Hạ nhận định những người ở nhà ngói bây giờ có thể phân ra làm hai dạng, thứ nhất là nghèo không có tiền để xây mới, cải tạo, thứ nhì là đi vắng, chỉ chỉnh trang bên trong cho đẹp rồi để bố mẹ già ở lại trông nom. Trong 100% nhà tầng của thôn ước tính 60-70% là nhà dạng chữ L, 20% là nhà ống cao 2-3 tầng, còn lại là biệt thự dành cho những người lắm tiền, nhiều đất.

Một góc làng Hạ.

Nhà anh Hòa thuộc dạng chữ L đời đầu với cái L nhô ra ở tầng 1 là phòng khách, phần trong là cầu thang và 1 phòng ngủ còn tầng 2 bố trí tới 3 phòng ngủ. Kiểu nhà đó hiện đã lỗi thời, được đổi sang kiểu L cải tiến với sảnh phía trước kết nối giữa hai phần thân và cái L cũng ngắn hơn. Dân làng khi xây nhà thường bắt chước thành phố về hình dáng, cấu trúc, tiện nghi đã đành còn sắm những tấm trang trí thạch cao đúc sẵn về đắp vào cho đỡ trơ trọi, cho có vẻ giàu sang, lấp đi khoảng cách nông thôn - thành thị. Những ngôi nhà kiểu đó trông khá buồn cười và rối rắm nhưng lại là nguồn sinh lời béo bở cho mấy người sản xuất và buôn bán tấm thạch cao.

Làng cũng không thiếu những nhà ống mà cao nhất phải kể đến căn 8 tầng của ông Hợi, từ đầu thị trấn Văn Giang đã có thể nom thấy rõ. Đang xây dang dở chẳng hiểu vì sao mà nó phải sang tên, đổi chủ, giờ đã biến thành một cái nhà nghỉ với mấy chục phòng nhộn nhịp khách vào ra.

Nhà nghỉ 8 tầng đầu làng Hạ.

Về mặt chính quyền anh Bùi Văn Tiến là trưởng thôn nhưng về mặt nội tộc lại là trưởng họ. Bởi thế, năm 2004 anh xây cái nhà gác nhưng vẫn bố trí theo cách của nhà truyền thống với 3 gian 1 chái trong đó gian giữa ở tầng 1 là phòng thờ để cho các cụ trong họ không phải mỏi gối leo lên tầng trên thắp hương.  

Vết thương làng chưa lên da non

Các nhà làm từ năm 2000 trở lại đây của làng Hạ phần lớn là ngoảng hết mặt ra đường, ra ngõ chứ không còn theo hướng Nam, theo tuổi của gia chủ nữa. Thôn toàn đường cổ ngoằn nghèo như rắn bò bề rộng chỉ trên dưới 2m nên để cái ô tô của thằng con trai có thể vào sân mà không bị vướng gương anh Tiến đã phải đập bỏ bức tường bao đi, lùi sâu vào 20 cm.

Trên giấy tờ đường nông thôn mới được quy hoạch rộng rãi thênh thang nhưng vị trưởng thôn trầm ngâm bảo giờ đất ngõ ngách ở làng cũng phải cỡ 20 triệu/m2 nên chẳng có ai xung phong hiến tặng. Nhà văn hóa thôn xây dựng năm 1999 trong khuôn viên đất chùa, năm 2012 thì có chủ trương phải trả lại nên xã nhắm một lô đất 03 (đất nông nghiệp) vuông vắn rộng hơn 1.300m2 của 20 hộ dân đầu làng nhưng 2 năm dùng dằng mãi mà không giải phóng mặt bằng được.

Một cụ bà đang xúc cát để xây ngôi nhà cho con.

>>Làng quê đang méo mó: [Bài II] Những làng quê như bị… hun chuột

>>Làng quê đang méo mó: [Bài I] Những căn nhà kiểu container

Hôm tôi đến xã tổ chức một cuộc họp căng thẳng để thuyết phục 10 hộ còn lại nhường đất nhưng vẫn chưa xuôi vì giá đền bù chỉ 114 triệu/sào trong khi ngay bên kia rìa làng, đất của Gia Lâm, Hà Nội đắt gấp ba gấp bốn. 10 hộ đồng ý đợt đầu cũng vẫn chưa chịu ký giấy nhận tiền bởi tấm gương tày liếp hơn 10 năm trước khu đô thị Ecopark vào lấy đất hãy còn đó.

Hồi ấy, trong khi chưa đạt sự đồng thuận với người dân về giá cả đền bù, máy móc, nhân công đã tràn xuống đen các cánh đồng để cưỡng chế khiến cho một số người tức nước quá mà vỡ bờ.

Từ năm 2008 đến 2014 thôn chia thành hai phe, một của những người chấp nhận bán đất, một của những người nhất định lắc đầu.

Mâu thuẫn đến độ ngày giỗ ngồi ăn cỗ anh em cũng không còn muốn nhìn mặt nhau. 3 đám ma của làng bởi thế không có ai khiêng quan tài, chính quyền xã phải cử người xuống hỗ trợ.

Người thuộc phe bán đất, đã trót nhận tiền nhất là có tí chức sắc trong thôn ngoài xã còn bị ném phân, ném thuốc sâu, ném gạch đá vào nhà.

Đỉnh điểm nhất là sự kiện cả trăm người xông ra cản trở, xô xát với đội quân giải phóng mặt bằng khiến 8 nông dân trong thôn phải đi tù.

Nay dù họ đều đã trở về làng nhưng sự thù ghét thứ và kẻ đã khiến cho mình phải mất đất, phải rơi vào vòng lao lý khó có thể buông bỏ được trong lòng.

Cuộc sống vẫn phải tiến lên phía trước, con người vẫn phải lo cơm, áo, gạo tiền. Trước cơn lốc đô thị hóa tràn về như thác lũ, anh Tiến khẽ thở dài khi nhận định dân quê mình đang bị tụt lại ở phía sau. Xưa nay dân làng chỉ quen mỗi nghề cấy lúa. Đồng Chiêm giờ đã mất, đồng Mùa còn chỉ vài ba mẫu loi thoi.

Hồi đô thị về thuyết phục thu hồi đất đã vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về lao động có công ăn việc làm nhưng giờ chỉ khoảng 10% là có việc lặt vặt như trồng cây, nhổ cỏ với ngày công 130-150 nghìn đồng.

Chùa cổ Thắng Quang của làng Hạ.

Bươn bả từ chạy chợ vặt đến phu hồ nhưng vẫn còn khoảng 70% người độ tuổi từ 50 của làng lâm vào cảnh thất nghiệp, phải đào bới trên mảnh ruộng ít ỏi còn lại hoặc đi thuê đất bên ngoài mở trại lợn, trại gà. Họ mơ về cánh đồng Chiêm thủa nào chuyên cấy nếp Quýt để bán, cánh đồng Mùa thủa nào chuyên cấy lúa tẻ để ăn. Thứ đặc sản trứ danh của làng mỗi kg gạo bán tới 50.000đ nên tuy năng suất chỉ 1,2-1,3 tạ/sào mà có thể đánh đổ 3 sào lúa tẻ…  

Lạ ngay trên đất quê

Chùa cổ Thắng Quang của làng Hạ dù tuổi đời trên 200 năm nhưng toàn người trong thôn trông coi, nhang khói mãi mấy năm trước mới có sư về. Ông dùng uy tín của mình để kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp tứ xứ, của toàn thể dân làng để tu bổ chùa, xây nhà tổ, xây giảng đường rất khang trang, nghe nói trị giá đến mấy chục tỉ. Bức tường sau nhà tổ sơn màu đỏ chót, hoa văn trên nóc nhà tổ lấp lánh ánh vàng. Một số người làng thấy lạ liền thắc mắc thì được trả lời đại ý màu đó mới bền vững với thời gian.

Nhà văn hóa thôn bị kẹt giữa đất chùa chưa di dời được
Người phu hồ đang làm việc dưới quần thể chùa của làng

Bốn cái giếng trong thôn giờ thanh lý để xây nhà nên chỉ còn lại một, lúc nào mặt nước cũng nổi đầy lá cây mục. Đám ao làng nay đã ở dưới móng các công trình dân dụng chỉ còn sót lại mỗi cái ao cá Bác Hồ là chưa ai dám phạm. Lợn vẫn còn nuôi trong khu dân cư, hệ thống cống rãnh phần lộ thiên, phần bị khu đô thị chia cắt nên chẳng thoát đi xa được, ném thẳng mùi xú uế vào mặt người. Môi trường ô nhiễm, không gian kiến trúc lộn xộn, các giá trị văn hóa truyền thống mai một dần là những gì có thể nói về làng trong phố và phố trong làng hiện nay...

Chị Vũ Thị Tư ở trong căn nhà 3 gian 2 chái xây từ năm 1975 giờ dột tứ tung, trời mưa nước tràn cả vào vì nền thấp mà cốt đường đã nới lên đến mấy lần. Nhà cửa tạm bợ, bản thân thường xuyên đau ốm, không nghề nghiệp ổn định nhưng ngay cả cận nghèo chị cũng không được xếp hạng chứ chưa nói đến hộ nghèo.

Năm 2018 thôn có 7 hộ nghèo năm nay chỉ còn có 5 hộ. Mỗi lần bình xét nghèo là thôn xóm căng thẳng chẳng kém gì một cuộc đấu trí bởi có quá nhiều hộ gia cảnh sàn sàn nhau không biết loại hộ nào, giữ hộ nào trong khi chỉ tiêu phấn đấu là phải giảm.

Một căn nhà ở làng.
Chị Tư trước căn nhà dột nát của mình.

Mời đọc bài IV: 355 ngày ở phố và 10 ngày ở quê

Theo DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG/nongnghiep.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 358


Hôm nayHôm nay : 86133

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1059471

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71286786