Hợp tác xã kiểu mới - Lựa chọn cho thanh niên khởi nghiệp

Hợp tác xã kiểu mới - Lựa chọn cho thanh niên khởi nghiệp
Luật HTX 2012 ra đời với tính ưu việt cao đã khiến nhiều bạn trẻ thay đổi cách nhìn nhận, lựa chọn cho mình con đường khởi nghiệp thông qua mô hình HTX kiểu mới.

Với chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã năm 2012 ra đời, hình thành nên loại mô hình Hợp tác xã kiểu mới. Trong đó, phát huy sức mạnh của cá nhân, kinh tế hộ với tư cách là thành viên gắn kết với nhau cùng hợp tác phát triển. So với hợp tác xã kiểu cũ chỉ có quan hệ hợp tác xã và xã viên, phủ định kinh tế hộ gia đình thì hợp tác xã kiểu mới là tổ chức dựa trên cơ sở liên kết của cá nhân, hộ gia đình cung cấp các dịch vụ đầu vào và dịch vụ đầu ra, thực hiện các khâu của quá trình sản xuất. Mặt khác, hợp tác xã kiểu mới còn có vai trò quan trọng trong việc kết nối nông dân với nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp trong “liên kết 4 nhà”. Nhận thức đúng đắn về cách thức tổ chức, vận hành và vai trò của hợp tác xã kiểu mới là yêu cầu thiết yếu để phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên nhằm nâng cao thu nhập cho các thành viên, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, đồng thời đa dạng hóa phương thức đoàn kết, tập hợp thanh niên trên địa bàn tỉnh.  

Nắm bắt những nhu cầu của thanh niên cũng như tính ưu việt của mô hình hợp tác xã kiểu mới, thời gian qua Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 600 mô hình kinh tế thanh niên có quy mô đầu tư trên 100 triệu đồng, đa dạng trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ. Trong đó, có 52 Hợp tác xã do các đoàn viên, thanh niên làm chủ với 492 thành viên tham gia, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động.

Một trong những minh chứng sinh động trong thực tiễn cho loại mô hình ưu việt này, đó là Hợp tác xã trồng nấm và dịch vụ tuổi trẻ xã Thạch Hạ ở thành phố Hà Tĩnh. Được thành lập từ năm 2012, bắt đầu từ mô hình trồng nấm do đoàn viên Nguyễn Văn Duẫn, sinh năm 1982 làm chủ, sau khi chuyển đổi sang mô hình Hợp tác xã kiểu mới, đăng ký vốn điều lệ 1 tỷ đồng đã phát triển thêm đa dạng các lĩnh vực như: Cung ứng nấm thành phẩm, bịch nấm giống, nguyên liệu, vật tư ngành nấm, hỗ trợ kỹ thuật cho các mô hình trồng nấm vệ tinh,... Đến nay, Hợp tác xã này đã liên kết 10 hộ gia đình tham gia trồng nấm vệ tinh, công suất 10.000 bịch/năm, tổng thu nhập ước đạt 500 triệu đồng/năm. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thạch Hạ Nguyễn Văn Duẫn cho biết “Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế thông thường sang hợp tác kiểu mới góp phần liên kết chặt chẽ các tổ sản xuất, các thành viên trong việc tập trung vốn, phương tiện sản xuất; tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho các hộ thành viên và người lao động; giải quyết vấn đề thị trường đầu ra với khối lượng lớn sản phẩm của Hợp tác xã, từ đó tạo ra sự phát triển bền vững hơn, an tâm hơn đối với những người làm kinh tế trong lĩnh vực này”.



Giáo sư Lân Hùng thăm trại nấm của HTX trồng nấm và dịch vụ tuổi trẻ xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh
 

Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Hòa Phát ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh là một điển hình cho thấy lợi ích rõ rệt của loại mô hình phát triển kinh tế hợp tác xã. Được xây dựng từ mô hình trang trại tổng hợp do đoàn viên Đậu Văn Hòa làm chủ, năm 2014 thành lập và hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới gồm 07 thành viên tham gia. Hiện nay Hợp tác xã đã mở rộng quy mô chăn nuôi 20 con bò thịt, 2.500 gia cầm các loại, trồng cây, nuôi cá trên diện tích 03 ha, đăng ký thêm ngành nghề vận tải hành khách trên địa bàn huyện. Hợp tác xã hoạt động hiệu quả, cho tổng thu nhập trên 400 triệu đồng/năm; giải quyết việc hơn 8 - 12 lao động thường xuyên, với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng; đảm bảo nguồn giống, phân bón, kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ.

Ở lĩnh vực khai thác thủy hải sản xa bờ phải kể đến các mô hình Hợp tác xã thanh niên tiêu biểu tại huyện Nghi Xuân đó là Hợp tác xã khai thác, đánh bắt, thu mua và chế biến thủy hải sản Tuấn Nga, xã Xuân Hội và Hợp tác xã khai thác thủy sản Xuân Yên. Sinh ra, lớn lên ở những làng chài ven biển, nơi ngư dân chủ yếu đánh bắt ở vùng ven, vùng lộng, phương tiện chủ yếu là tàu thuyền công suất nhỏ. Không đành lòng chấp nhận với phương thức đánh bắt truyền thống, quy mô nhỏ Trần Văn Tuấn (Giám đốc HTX Tuấn Nga) và Phạm Văn Chính (Giám đốc HTX Xuân Yên) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư tàu công suất lớn ra khơi đánh bắt đồng thời vận động các tàu thuyền có cùng công suất tham gia hợp tác, hiện 02 Hợp tác xã đã có 6 tàu công suất 300 CV, 24 thuyền viên hoạt động ổn định. Được biết sau khi thành lập các Hợp tác xã đã đảm bảo việc cung cấp nhiên liệu cho các tàu thành viên với mức giá rẻ; liên kết sản xuất giữa các tàu thuyền trên biển và dịch vụ hậu cần trên bờ, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và lao động nghề cá. Bên cạnh đó mô hình hợp tác xã đánh bắt xa bờ cũng phát huy vai trò tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc gặp thiên tai, sự cố trên biển; tham gia tốt hơn vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
 

Lãnh đạo Ban TNNT,CN&ĐT Tỉnh đoàn thăm và làm việc với HTX Tuấn Nga, huyện Nghi Xuân
 

Từ phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế thanh niên khởi nghiệp lựa chọn loại hình hợp tác xã kiểu mới để hoạt động với nhiều cách làm đa dạng, hiệu quả trên các lĩnh vực, vùng miền trong toàn tỉnh. Bên cạnh sự đồng hành của tổ chức Đoàn thì các mô hình cũng đã vận dụng hiệu quả các cơ chế chính sách của tỉnh về nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn vừa qua để góp phần mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập cho xã viên và người lao động. Các Hợp tác xã thanh niên đang từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động đồng thời đã có những đóng góp nhất định cho phong trào Đoàn, Hội địa phương, điều này khẳng định, đây là lựa chọn đúng cho phong trào thanh niên khởi nghiệp.

Để nhân rộng hơn nữa các mô hình HTX kiểu mới, đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị Tỉnh đoàn cho rằng các cấp bộ Đoàn trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, tập huấn pháp luật về hợp tác xã; tăng cường phổ biến chủ trương, chính sách phát triển hợp tác xã, mô hình hợp tác xã kiểu mới nhằm khơi dậy tinh thần, ý chí khởi nghiệp và nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên. Tổ chức rà soát, hướng dẫn các chủ mô hình, hợp tác xã thanh niên chưa chuyển đổi, đăng ký lại theo luật mới; tăng cường củng cố hoạt động; nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ lãnh đạo các hợp tác xã có trình độ tương thích với đòi hỏi phát triển kinh tế hợp tác trong điều kiện hiện nay. Hỗ trợ vốn vay lãi suất ưu đãi, nâng định mức vay, đơn giản hóa thủ tục cho vay thông qua việc phát triển Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Ưu tiên cho các mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh nhà, có giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương. Khuyến khích thành viên liên kết, hợp tác, lựa chọn ngành nghề sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng địa phương, vùng, miền. Hỗ trợ mở rộng thị trường đầu vào, đầu ra cho sản phẩm, dịch vụ của các hợp tác xã thông qua hoạt động phối hợp, truyền thông, quáng bá, xúc tiến thương mại. Đồng thời sẽ tham mưu, thường xuyên tổ chức đối thoại với cấp ủy, chính quyền để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đối với hệ thống chính sách về đất đai, mặt bằng sản xuất, các chính sách hỗ trợ thuế cho các mô hình. Kịp thời phát hiện, tuyên dương, biểu dương những điển hình thanh niên tiên tiến trong xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác để tạo sự lan tỏa trên diện rộng.    



ĐVTN ra quân làm đường giao thông nông thôn vào HTX trồng nấm Thạch Hạ
 
Với những ưu điểm của mô hình hợp tác xã kiểu mới, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành, đơn vị và vai trò xung kích đi đầu, tích cực đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, tin rằng trong thời gian tới loại mô hình này sẽ được nhân rộng, tạo thành phong trào phát triển kinh tế rộng khắp trong các tầng lớp thanh niên và người dân trong xã hội; đóng góp ngày càng nhiều cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước; đưa kinh tế tập thể phát triển nhanh, bền vững như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đã đề ra; hướng đến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.  
 
Hoàng Thạch/tinhdoanhatinh