Nâng cao chất lượng mặt đường bê tông tại các công trình giao thông nông thôn xây dựng theo cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh

Nâng cao chất lượng mặt đường bê tông tại các công trình giao thông nông thôn xây dựng theo cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, những năm qua Hà Tĩnh đã xây dựng được hàng trăm kilômet đường GTNT từ công sức đóng góp của nhân dân và cơ chế hỗ trợ ximăng của tỉnh. Các tuyến đường GTNT đó không những tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân mà còn đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội từ cấp xã đến cấp tỉnh, được Chính phủ ghi nhận qua nhiều lần tặng cờ thi đua và biểu dương phong trào làm đường GTNT trên toàn quốc.

Bên cạnh những thành quả đạt được từ phong trào làm đường bê tông xi măng (BTXM) theo cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, ngành GTVT Hà Tĩnh vẫn còn những băn khoăn, trăn trở về chất lượng của các tuyến đường chưa thực sự đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững. Trong đó, chất lượng mặt đường BTXM luôn là mục tiêu được ngành GTVT quan tâm nhất, cũng là mối trăn trở lớn nhất. Từ những kết quả kiểm tra cường độ mặt đường BTXM trong các năm 2014, 2015 và 2016 có thể thấy rằng công tác quản lý chất lượng còn có nhiều vấn đề, bao gồm từ công tác lập hồ sơ đến thi công xây dựng; từ quản lý vật liệu đến lựa chọn tỷ phối vữa bê tông; cách thức trộn, đổ, đầm và bảo dưỡng bê tông… nhưng cốt lõi nhất vẫn là ý thức của cộng đồng. Xác định rõ công tác quản lý chất lượng mặt đường BTXM không là của riêng các cấp, các ngành mà còn là trách nhiệm và quyền lợi của toàn thể nhân dân. Vì vậy, trong chương trình tập huấn về quản lý, xây dựng, bảo trì đường GTNT phục vụ Chương trình MTQG về xây dựng NTM năm nay, Sở GTVT đã đưa vào nội dung tổ chức thi công và kiểm soát chất lượng mặt đường thí điểm cho từng huyện, thị xã, thành phố. Nội dung kiểm soát này được các phòng chuyên môn của Sở GTVT xây dựng trên cơ sở chia sẻ những khó khăn trong điều kiện thực tế thi công do phần kinh phí đóng góp của nhân dân đảm nhiệm.
 

Để nâng cao nhận thức của người dân trong việc kiểm soát chất lượng mặt đường BTXM thì trước hết là công tác tuyên truyền, phổ biến với trách nhiệm thuộc về các cán bộ chuyên môn cấp huyện, cấp xã, các bí thư chi bộ thôn, xóm; các thôn trưởng, xóm trưởng, ban giám sát cộng đồng. Phải đấu tranh để xóa bỏ tình trạng “cha chung không ai khóc”, mỗi người dân đều hiểu rằng chính họ là người bỏ tiền mua sản phẩm và không ai muốn mua sản phẩm kém chất lượng.
 
 
 
Mặt khác, tất cả các khâu tổ chức thi công mặt đường BTXM phải được kiểm soát, trong đó, cần chú trọng đến các bước trộn, đổ, đầm và bảo dưỡng bê tông. Nội dung tập huấn lần này đã hướng dẫn cách thức trộn bê tông với tỷ phối đã được quy đổi phù hợp với các dụng cụ để đo lường thông dụng (xe rùa); cách thức kiểm soát độ sụt của vữa bê tông với khuyến nghị từ 3-6cm; thời gian trộn khuyến cáo đến 90 giây kể từ khi cấp đủ vật liệu trong thùng trộn; chỉ sử dụng đầm dùi và hạn chế hoặc khôgng sử dụng đầm bàn; bảo dưỡng bê tông mặt đường bằng cách tưới nước tối thiểu 7 ngày đầu, giữ ẩm đến 14 ngày…
 
Kết quả bước đầu của nội dung đổi mới trong chương trình tập huấn là chất lượng mặt đường thi công (thí điểm) đã vượt quá mong đợi, như tại công trình đường ngõ phố ở thị trấn Cẩm Xuyên, cường độ của mẫu đúc hiện trường đạt 293Kg/cm2 so với yêu cầu thiết kế là 250Kg/cm2, tương đương 120%.
 
Theo gtvthatinh.gov.vn