Sản xuất nông nghiệp vẫn là “lực hút” đối với các ngân hàng
- Thứ hai - 25/06/2018 04:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Agribank Hà Tĩnh vẫn là ngân hàng giữ thế chủ lực trên mặt trận nông nghiệp. Đến hết tháng 5, dư nợ cho vay của chi nhánh đạt gần 11.600 tỷ đồng, trong đó 93% dư nợ tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn. So với cùng thời điểm của năm 2017, dư nợ ở lĩnh vực này đã tăng 9,46%, đạt gần 9.900 tỷ đồng.
Con số này phần nào chứng minh được phần nào sự quay trở lại với sản xuất của nông dân, doanh nghiệp, cũng như dấu hiệu phục hồi của kinh tế nông nghiệp. Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Trưởng phòng Maketing (Agribank Hà Tĩnh) cho biết: “Bằng nhiều dịch vụ tiện ích, chính sách linh hoạt, ưu tiên nguồn vốn phục vụ, hoạt động tín dụng ở lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tăng trưởng tốt hơn. Khách hàng đã bắt đầu quay trở lại vay vốn để đầu tư sản xuất, tuy nhiên tốc độ vẫn chậm và khó tạo đột phá như những năm trước ”.
Chi nhánh Agribank Kỳ Anh hiện có số dư nợ 1.078 tỷ đồng, chiếm hơn 9,3% tổng dư nợ toàn chi nhánh. Thế nhưng, sự hấp thụ từ sản xuất nông nghiệp vẫn không chiếm được ưu thế trong tổng dư nợ chung.
Ông Trần Văn Tài - Giám đốc Chi nhánh cho biết: “Tăng cao nhất vẫn là thương mại, dịch vụ và khách hàng cá nhân. Các hoạt động về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi đang giữ ở mức ổn định là chính, phát sinh dư nợ thường ở những món vay nhỏ. Huyện Kỳ Anh đang thực hiện khôi phục lại các tổ hợp tác chăn nuôi lợn, hi vọng sẽ có cơ hội tăng trưởng khá từ nay đến cuối năm”.
Phải nói rằng, đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, lãi suất ưu đãi trở thành “lực hút” hấp dẫn cho các ngân hàng. Cùng với Agribank, những năm gần đây HD Bank, Seabank, LienViet… cũng đầu tư mạnh cho nông nghiệp. Thử thách lớn ở thị trường tín dụng nông nghiệp Hà Tĩnh chính là sản xuất manh mún, gây khó khăn cho việc áp dụng cho vay theo các chính sách đang được ưu đãi. Nhất là “kích thích” cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gần như thị trường Hà Tĩnh “bỏ trống” “mảnh đất” màu mỡ này. Thêm vào đó, nhu cầu đầu tư của nông dân gần như bão hòa thì việc thúc đẩy tăng trưởng của các ngân hàng vì thế cũng khó khăn hơn.
Anh Nguyễn Huy Duẫn (thôn Trung Trạm, Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) từng làm chủ trong tay một trang trại lợn trên 30 con thương phẩm, hồ cá, chăn nuôi gà vịt… Sau thua lỗ nặng nề từ đợt giá lợn rớt thảm, anh tạm dừng chăn nuôi và chọn cho mình ngã rẽ khác. Anh cho biết: “Dù giá lợn đang ở mức cao nhưng với thị trường phập phù thì chẳng có gì chắc chắn cả. Nếu thêm một lần nữa gặp khó khăn như vừa rồi, chắc nông dân không trả được hết nợ. Đầu năm nay, tôi quyết định vay vốn đi xuất khẩu lao động. Có thể vất vả hơn, phải ly hương nhưng thu nhập sẽ ổn định hơn”.
Khi ngân sách không còn dư giả dành cho đầu tư, các chính sách hỗ trợ lãi suất của ngân hàng cũng dần hết hiệu lực, việc tạo ra đột phá cho thị trường tín dụng trở thành thách lớn cho tất cả các ngân hàng thương mại. Tăng trưởng kinh tế phải quay về bản chất thực thì tăng trưởng tín dụng mới bền vững và thực chất.