Thêm việc làm, tăng thu nhập

Thêm việc làm, tăng thu nhập
Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, thời gian qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm (GQVL) trên địa bàn Hà Tĩnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, giúp người lao động nâng cao thu nhập.

them viec lam tang thu nhap

Giờ thực hành nghề hàn tại Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng.

Anh Nguyễn Duy Hữu (thị trấn Nghèn, Can Lộc) chia sẻ: “Sau khi được học lớp Kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng, tôi được giới thiệu vào làm việc tại một nhà hàng ở TP Vinh. Trước đây, ở địa phương tôi chỉ làm nông nghiệp, công việc thời vụ, thu nhập không ổn định. Sau khi học nghề, tôi đã có thể đáp ứng được các yêu cầu công việc. Có thu nhập ổn định, tôi rất yên tâm”.

Cùng niềm vui giống như anh Hữu, năm qua, đã có hàng nghìn lao động trên địa bàn được tạo điều kiện học nghề và tìm kiếm việc làm. Ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp (DN), thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh và các cơ sở dạy nghề đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, liên kết, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của DN; đồng thời, tăng cường năng lực hoạt động của Sàn giao dịch việc làm, triển khai hiệu quả công tác tư vấn tuyển sinh tạo nguồn lao động xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, trung tâm tổ chức 26 phiên giao dịch việc làm, thu hút 599 lượt DN đăng ký tuyển dụng, 21.519 lượt lao động, trong đó: 2.560 lao động được các DN tuyển dụng. Chương trình vay vốn Quỹ Quốc gia GQVL đạt tổng dư nợ 93,350 tỷ đồng, đã hỗ trợ và tạo việc làm cho 1.200 người. Năm 2016, công tác GQVL gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên đã có 21.860 người có việc làm mới, trong đó, xuất khẩu lao động 6.200 người...

Công tác đào tạo nghề, GQVL đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy KT-XH của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Lạc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, công tác này còn gặp khó khăn, nguyên nhân một phần do nhu cầu sử dụng lao động của các DN trong tỉnh không tăng và ảnh hưởng của sự cố môi trường biển. Cùng đó, lao động cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài khá nhiều, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc, gây khó khăn cho công tác quản lý và xuất khẩu lao động; nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nghề còn hạn chế, đặc biệt là thiết bị đào tạo cho các trung tâm cấp huyện, các trung tâm thuộc các sở, ngành và tổ chức hội, đoàn thể.

Để công tác đào tạo nghề và GQVL triển khai có hiệu quả hơn nữa, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền tỉnh đến tận cơ sở và người dân, nhất là các chính sách về hỗ trợ tạo việc làm, xuất khẩu lao động, dạy nghề; tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; các chế độ, chính sách mới về người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội. Xây dựng các cơ chế, chính sách, các chương trình, đề án phát triển ngành LĐ-TB&XH.

Tiếp tục tập trung xây dựng, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm, ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Đôn đốc thực hiện chương trình việc làm - dạy nghề; tăng cường kết nối thông tin giữa người lao động và DN trong công tác tư vấn, giới thiệu, GQVL cho người lao động; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức tuyển dụng lao động tại 2 sàn giao dịch việc làm tại Khu kinh tế Vũng Áng và TP Hà Tĩnh.

Theo Nam Giang/baohatinh.vn