Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh thành công với nhiều mô hình Cộng đồng - VietGAP - Chuỗi giá trị

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh thành công với nhiều mô hình Cộng đồng - VietGAP - Chuỗi giá trị
Phát triển các mô hình theo hướng cộng đồng – GAP – chuỗi giá trị góp phần giải quyết thực trạng phát triển tự phát, manh mún, thiếu bền vững, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng thúc đẩy nhanh quá tình thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tỉnh nhà.

Thực trạng sản xuất nông nghiệp tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết, sản phẩm không có chứng nhận về chất lượng kéo dài. Với những yếu điểm đó sản phẩm tạo ra chưa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm của các nước. Đặc biệt là lượng sản phẩm nhỏ, lại không ổn định nên việc tạo thị trường khó, thứ hai sản phẩm không có chứng nhận về chất lượng nên việc xây dựng và quảng bá thương hiệu là hết sức khó khăn. Sản xuất thiếu liên kết ngang nên dịch bệnh dễ phát triển, thiếu liên kết dọc nên giá thành cao, được mùa mất giá được giá mất mùa…
Trước thực tế đó, từ năm 2011 lại nay, Trung tâm Khuyến nông đã xây dựng và triển khai thành công trên dưới 50 mô hình sản xuất có tính cộng đồng bằng cách hình thành các THT, HTX; liên kết sản xuất theo phân khúc của chuỗi giá trị; tạo sản phẩm theo hướng hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP trên các cây con chủ lực như lúa,chè, tôm, bò, lợn…

Nhằm xây dựng ý thức cộng đồng, chung sức phát triển, Trung tâm đã xây dựng các mô hình liên kết ngang như các mô hình cộng đồng về nuôi tôm tại xã Kỳ Ninh (năm 2012), tại xã Thạch Long (năm 2016); nuôi cá trong lồng bè tại xã Thạch Bàn (2014), nuôi cá trong ao đất tại xã Thạch Sơn (năm 2014)…đã thành lập trên 10 THT nuôi tôm, cá. Năm 2017, Trung tâm đang tiến hành triển khai mô hình cộng đồng nuôi tôm tại huyện Nghi Xuân. Đồng thời với việc sản xuất theo cộng đồng thì Trung tâm còn chú trọng xây dựng uy tín, thương hiệu cho các sản phẩm bằng việc xây dựng mô hình sản xuất theo quy trình đạt tiêu chuẩn VietGAP trên các đối tượng như tôm thẻ chân trắng tại xã Xuân Phổ (2013), cá rô phi tại xã Cẩm Hưng (2017), bưởi Phúc Trạch (2012,2016) tại huyện Hương Khê, cam chanh, cam bù (2016) tại các huyện Hương Sơn, Thạch Hà, Can Lộc … nhờ áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt năng suất cây trồng, vật nuôi tăng, chất lượng sản phẩm được nâng cao, dịch bệnh được giảm thiểu, chi phí sản xuất giảm.

Mô hình Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh đạt VietGAP tại Hà Tĩnh
 
Không chỉ dừng lại ở việc tạo sản phẩm chất lượng và nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi, Trung tâm cũng đã thực hiện nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị trên các đối tượng cây con chủ lực như lúa, chè, cam bưởi, bò, gà, lợn… để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cho các hộ dân. Các mô hình phải kể đến đó là: mô hình Sản xuất vùng lúa tập trung theo chuỗi giá trị sản phẩm (2014 - 2016) tại các xã Đức Long, Đức Thủy, Bùi Xá, Đức Tùng và Đức An huyện Đức Thọ đã giúp củng cố các HTX sản xuất hiện có tại 4 xã, hỗ trợ thành lập mới 3 THT/HTX để thu mua, chế biến và tiêu thụ thóc; Sản xuất bưởi Phúc Trạch theoVietGAP liên kết với doanh nghiệp Tân Thanh Phong (2014) tại xã Hương Thủy huyện Hương Khê , bước đầu làm thay đổi nhận thức của bà con nông dân trong sản xuất hàng hóa theo định hướng thị trường, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, tạo công ăn việc làm cho khoảng 7.500 lao động nhàn rỗi, tăng thu nhập, nâng cao đời sống và tạo cảnh quan, môi trường trong lành, bền vững; Mô hình chuỗi sản phẩm bò (2014) tại 3 xã (Thạch Thanh, Thạch Sơn, Thạch Việt huyện Thạch Hà). Mô hình đã lập được 3 THT cho 30 hộ dân tham gia hưởng lợi; Chuỗi sản phẩm bò lai Zêbu (2015-2016)  tại các xã (Kỳ Tây, Kỳ Lâm-Kỳ Anh) với quy mô 120 con, có 60 hộ tham gia. Mô hình đã giúp người dân ký hợp đồng tiêu thụ bê cho các hộ dân, nâng cao năng lực cho nông dân trong sản xuất theo định hướng thị trường. Mô hình Chuỗi sản phẩm chè 3 năm 2014 -2016 tại xã Kỳ Thượng huyện Kỳ, thành lập được 1 THT trồng chè Công nghiệp Kỳ Thượng. Mô hình đã giúp nâng cao năng suất, sản lượng, sản phẩm đạt chất lượng an toàn theo VietGAP được công ty chè Hà Tĩnh  bao tiêu sản phẩm... Nhận thức sản xuất theo định hướng thị trường cho bà con nông dân đã hoàn toàn được thay đổi.

Trong thời gian tới các mô hình xây dựng thương hiệu và quảng bá các sản phẩm chủ lực tỉnh nhà sẽ còn là điều trăn trở cho Trung tâm nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Từ những thành công của các mô hình trình diễn, sẽ là nền tảng để người dân học hỏi và nhân rộng để thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới./.
Theo Kim Thịnh/sonongnghiep.hatinh.gov.vn