Chăn nuôi đang phục hồi, cần tái đàn hợp lý
- Thứ tư - 09/01/2013 21:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trao đổi với phóng viên về điều này, ông Nguyễn Xuân Dương(ảnh), Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Chưa bao giờ ngành chăn nuôi trải qua nhiều khó khăn, vất vả như năm 2012. Đó không chỉ là khó khăn về thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, dịch bệnh tràn lan, mà khó khăn lớn nhất là thị trường sụt giảm cả về giá cả lẫn mức tiêu thụ. Đặc biệt là giá sản phẩm chăn nuôi của chúng ta giảm sâu và kéo dài từ tháng 3 - 4 cho tới tháng 11, khiến những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể cầm cự, phải bán sản phẩm dưới giá thành nên không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng, phải bỏ trống chuồng. Mãi tới cuối tháng 11, giá sản phẩm chăn nuôi mới nhích lên, thịt lợn tăng từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, gà tăng từ 5.000 - 8.000 đồng/kg. Với giá này, người tiêu dùng vẫn chấp nhận được, trong khi người chăn nuôi bắt đầu có lãi. Đây là động lực để người chăn nuôi tái đàn nhằm đảm bảo nhu cầu thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán cũng như những tháng đầu năm mới. Theo chu kỳ, sau Tết có khả năng thiếu thực phẩm nhưng tôi cho rằng, vừa rồi giá thực phẩm tăng có ý nghĩa rất tích cực trong việc khôi phục ngành chăn nuôi, cộng với năng lực sản xuất và theo dõi tình hình cung cầu thì sẽ khó có đột biến. Theo ông, năm 2013, ngành chăn nuôi sẽ thực sự phục hồi? Thực ra là ngành chăn nuôi đã có dấu hiệu phục hồi từ cuối tháng 11/2012, tạo đà cho ngành phát triển trở lại trong năm nay. Sau những năm khó khăn, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dần bị đào thải, nhường chỗ cho chăn nuôi quy mô công nghiệp, chăn nuôi tập trung. Cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT trong việc tăng cường kiểm soát gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới và sản phẩm gia cầm nhập khẩu giá rẻ từ các nước thì rõ ràng, nguồn cung từ nguồn này sẽ giảm đi, tạo môi trường thuận lợi cho chăn nuôi trong nước tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm tăng lên. Do đó mà thị trường của ngành chăn nuôi trong năm 2013 sẽ khả quan hơn năm 2012. Thời điểm này, người chăn nuôi có thể đẩy mạnh việc tái đàn chưa, thưa ông? Theo thống kê, thời điểm tháng 4/2012, sản lượng thịt các loại tăng trên 5,7% so với cùng kỳ năm 2011, nhưng vào tháng 10/2012 thì chỉ tăng hơn cùng kỳ năm ngoái 2,45%. Như vậy, chăn nuôi các tháng của quý II đến đầu quý III/2012 đã tăng chậm lại. Nguyên nhân chính là do không có thị trường, giá thấp kéo dài đã làm người chăn nuôi hạn chế tăng quy mô đàn, thậm chí không sản xuất. Thời điểm này, giá đang tăng nhẹ, người chăn nuôi đã bắt đầu có lãi, việc đẩy mạnh tái đàn là điều đương nhiên. Tuy vậy, bà con cũng cần chủ động theo dõi thông tin thị trường, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng để có phương án sản xuất, tái đàn hợp lý. Nhiều người cho rằng, việc sản phẩm chăn nuôi không có thị trường, giá xuống thấp kéo dài trong thời gian qua một phần là do chúng ta chưa kiểm soát được gia súc, gia cầm nhập lậu. Ông nghĩ như thế nào về điều này? Đúng là có thời gian, gia súc, gia cầm nhập lậu đã tác động không nhỏ tới người chăn nuôi trong nước, nhưng thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã đồng loạt ra quân, kiên quyết dẹp bỏ tình trạng này. Đặc biệt là trong tháng 11/2012, lần đầu tiên sau nhiều năm chợ đầu mối Hà Vĩ (Thường Tín - Hà Nội) vắng bóng gà nhập lậu. Nhưng theo tôi, các ngành chức năng cần phải làm quyết liệt hơn, thường xuyên hơn, vì thực tế cho thấy, gia súc, gia cầm lậu chỉ “vắng bóng tạm thời”, ngành chức năng chỉ cần “lơi lỏng” một chút là các đối tượng nhập lậu lại hoành hành. Ngoài ra, đối với người tiêu dùng trong nước, cũng cần phải tẩy chay những sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu có giá rẻ, vì thực tế trong đó có không ít gia cầm thải loại, có giá trị dinh dưỡng thấp và không loại trừ khả năng chứa nhiều mầm bệnh, dư lượng kháng sinh.
Thiên Hương (thực hiện) Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | |