Công cuộc đổi mới của Việt Nam: Lấy nông nghiệp là nền tảng
- Thứ tư - 28/11/2012 21:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
GS. Cốc Nguyên Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã khái quát những đặc điểm của công cuộc đổi mới của Việt Nam kể từ Đại hội Đảng lần thứ VI như sau: Đổi mới của Việt Nam đã trải qua quá trình thúc đẩy toàn diện từ dưới lên trên, rồi lại từ trên xuống dưới. Đổi mới của Việt Nam trước tiên “lập lại trật tự” trên lĩnh vực lý luận và tư tưởng, tiến hành đổi mới tư duy quan niệm, loại bỏ những trở ngại về lý luận sai lầm và tư tưởng sai lầm cho đổi mới. Đổi mới của Việt Nam là đổi mới toàn diện, lấy từ đổi mới kinh tế là chính chuyển sang đổi mới về chính trị, văn hóa - xã hội; từ đổi mới về tư duy, nhận thức và tư tưởng sang đổi mới hoạt động thực tiễn của Đảng, Nhà nước và các giai tầng nhân dân. Đổi mới kinh tế của Việt Nam luôn luôn lấy nông nghiệp làm lĩnh vực sản xuất số 1, điều động đầy đủ tính tích cực và năng động của nhiều thành phần kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng. Đổi mới nông nghiệp đã giải quyết vấn đề lương thực, tạo sự bảo đảm vật chất cơ bản cho đổi mới các lĩnh vực khác. Đổi mới của Việt Nam đã thể hiện đầy đủ tư tưởng và tinh thần “lấy dân làm gốc”, “để dân biết, dân bàn, dân làm chủ, dân kiểm tra”, xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu của nhân dân, thông qua đổi mới để tối ưu hóa bố trí nguồn lực, tạo điều kiện sinh sống và phát triển tương đối tốt cho nhân dân. GS. Cốc Nguyên Dương cho rằng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã thể hiện sự thay đổi cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam về tư duy lý luận kinh tế xã hội chủ nghĩa, liên quan đến một loạt đổi mới về các quan niệm về chủ nghĩa xã hội có liên quan. Trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, một nước sử dụng kinh tế thị trường, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội kỳ thực ít có tiền lệ. Việt Nam dùng lý luận và thực tiễn của riêng mình đã chứng minh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không hề hoang tưởng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam thực hiện được cộng đồng quốc tế công nhận, Việt Nam hiện đã trở thành một quốc gia thị trường mới nổi của thế giới. “Chính nhờ không ngừng thay đổi tư duy và đổi mới sáng tạo lý luận, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển. Tôi tin chắc rằng nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục vững bước tiến lên phía trước trên con đường hòa nhập với thế giới và phát triển bền vững”, ông Dương nói. Đồng quan điểm với GS. Dương về quá trình đổi mới của Việt Nam tạo “đột phá từ bên dưới” (biện pháp khoán chui Hải Phòng, cơ chế mua cao bán cao ở An Giang, xóa tem phiếu ở Long An…), GS.TS Furuta Motoo, Đại học Tokyo (Nhật Bản) cho rằng, chính điều này đã đóng vai trò lớn, tạo cơ sở cho đổi mới tư duy, chuyển đổi đường lối cơ bản của Đảng từ Đại hội VI năm 1986. Và kết quả của đường lối đổi mới ấy là: từ năm 1986 đến năm 2011, kim ngạch xuất – nhập khẩu tăng từ 3 tỷ USD lên trên 203 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu tăng từ 800 triệu USD lên gần 97 tỷ USD; tổng vốn đầu tư nước ngoài từ con số không đã đạt gần 89 tỷ USD vốn thực hiện; nếu như viện trợ nước ngoài không còn sau khi Liên Xô (cũ) giải thể thì từ năm 1991 tới năm 2012 viện trợ phát triển chính thức đã đạt con số trên 30 tỷ USD. Những thành tựu đầy ấn tượng đó đã góp phần quan trọng vào việc gia tăng tổng lực của đất nước, đưa Việt Nam từ nước có thu nhập tính theo đầu người vẻn vẹn có 86 USD năm 1988 đã bước vào hàng các nước có thu nhập trung bình với 1.168 USD/người (năm 2010). Những nhận định của các học giả trong và ngoài nước về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sẽ là những gợi mở để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nghiên cứu đưa ra giải pháp phát triển bền vững, ổn định cho đất nước.
|