Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Chưa sát với thực tiễn

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Chưa sát với thực tiễn
Sau hai năm triển khai Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), toàn thành phố Hà Nội đã có hàng chục ngàn lao động được đào tạo, có việc làm, nâng cao thu nhập. Mặc dù vậy, công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn nhiều khó khăn.
Lúng túng trong triển khai
Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, toàn thành phố đã dạy nghề cho 11.849 LĐNT. Sau khóa học, 67% lao động được làm đúng với nghề được đào tạo, 1.056 hộ gia đình có người tham gia học nghề thoát nghèo và 211 hộ gia đình vươn lên trở thành hộ khá. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Ở một số nghề, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt gần 100% như may công nghiệp, điêu khắc, mây tre giang đan.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 1956 Hà Nội, công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn không ít hạn chế. Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội nhận định, một số huyện chưa quan tâm đến chương trình nên chưa bố trí cán bộ chuyên trách về quản lý đào tạo nghề tại Phòng LĐTB&XH huyện. Hiện nay, có tới 14/18 huyện chưa bố trí cán bộ chuyên trách lĩnh vực này, chiếm 77,8%. Các huyện Quốc Oai, Mỹ Đức, Phúc Thọ vẫn chưa thành lập được trung tâm dạy nghề.
Điều đáng nói, một số địa phương còn lúng túng trong việc xác định ngành nghề đào tạo. Bên cạnh đó, số LĐNT sau khi học nghề được vay vốn để tạo việc làm còn thấp, chỉ chiếm khoảng 4,9%.
Một vấn đề đáng quan tâm khác, hầu hết các trung tâm dạy nghề công lập chưa đủ giáo viên, chất lượng giảng dạy còn nhiều hạn chế. Ông Nguyễn Duy Trình, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) chia sẻ, thù lao cho giáo viên giảng dạy thấp nên chưa "hút" được giảng viên giỏi tham gia đào tạo nghề cho LĐNT. Trong khi đó, ở một số quận, huyện vẫn còn tình trạng lao động thụ động đến với đào tạo nghề và không xác định mục tiêu sau đào tạo, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Lớp dạy nghề may tại xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện
Đào tạo theo nhu cầu
Theo kết quả thống kê của Sở LĐTB&XH Hà Nội, toàn thành phố có 131.185 người có nhu cầu học nghề. Ngoài ra, kết quả điều tra nhu cầu bổ sung lao động qua đào tạo nghề giai đoạn 2011 - 2015 của 8.320 công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, hộ gia đình sử dụng từ 10 lao động trở lên khoảng 311.106 lao động. Kế hoạch trong năm 2012, toàn thành phố hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 30.500 lao động, trong đó tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt 80%.
Để đạt được mục tiêu trên và nâng cao chất lượng thực hiện chương trình đào tạo nghề cho LĐNT, theo ông Nguyễn Đình Đức, các quận, huyện, thị xã trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn cần lựa chọn mô hình đào tạo nghề cho LĐNT một cách phù hợp. Đặc biệt, kết hợp tốt giữa dạy nghề với giải quyết việc làm. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại các xã xây dựng NTM.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT trên địa bàn, với yêu cầu, việc đào tạo nghề phải theo tinh thần "khẩn trương nhưng chắc", chú trọng đến chất lượng và hiệu quả. Dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT cần gắn với đặc thù, quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, quy hoạch xây dựng NTM ở cấp xã.

Trong năm 2012, Hà Nội triển khai đặt hàng dạy nghề theo mô hình đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp cho 2.500 lao động. Đồng thời đặt hàng dạy nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề cho 500 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo...
 
Thiên Tú
Nguồn:daidoanket.vn