Liên kết sản xuất giữa DN và nông dân: Bài học thành công của cánh đồng mẫu lớn

Liên kết sản xuất giữa DN và nông dân: Bài học thành công của cánh đồng mẫu lớn
Năm 2007, An Giang triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích 200ha. Đến nay, mô hình này đã chứng minh được hiệu quả và từng bước nhân rộng ra các tỉnh ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng nhận xét: “Muốn thành công, phát triển nông nghiệp bền vững, đem lại hiệu quả cao, chúng ta phải nhanh chóng loại bỏ tư tưởng làm ăn manh mún, không theo quy hoạch, dự báo... Việc tích tụ ruộng đất theo hướng linh hoạt, phát triển cánh đồng mẫu lớn sẽ giải quyết được phần nào bài toán trên trong việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, hình thành vùng hàng hóa lớn, đảm bảo chất lượng”.

Từ thực tế triển khai ở An Giang thấy, việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thu mua lúa. Nếu doanh nghiệp thu mua vì lý do nào đó không tham gia, công tác triển khai mô hình sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, sự thỏa thuận giữa các bên cần rõ ràng về cơ cấu giống và tiêu chí thu mua, trong đó nên dựa vào chất lượng lúa cũng như sự minh bạch về các tiêu chí như độ ẩm, tạp chất...

Bài học thành công của An Giang là sự tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp, cụ thể là Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang. Vụ hè thu 2011, công ty xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm ở xã Vĩnh Bình (huyện Châu Thành), quy mô 1.600ha. Trong đó, công ty cung ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân với lãi suất 0%; khi thu hoạch, bà con bán lúa cho công ty. Trong quá trình canh tác, nông dân được đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty, gọi tắt là FF (Farmer Friend), tư vấn canh tác theo quy trình khoa học. Mỗi FF phụ trách hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trên diện tích 50ha. Khi thu hoạch, bà con được hỗ trợ vận chuyển đến nhà máy, sấy và lưu kho 30 ngày.

Theo TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, xây dựng cánh đồng mẫu lớn là mô hình hiệu quả, đưa nông hộ sản xuất đơn lẻ, không đồng đều về chất lượng sản phẩm sang sản xuất tập trung có sản phẩm đồng bộ, tiến tới xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam. Tuy nhiên, dù diện tích tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn không ngừng tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Trên 20.000ha tham gia mô hình so với con số 1,6 triệu hecta lúa sản xuất mỗi vụ là còn quá ít”, TS. Bảnh nói.

TS. Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Bên cạnh việc thống nhất từ Trung ương đến địa phương về chủ trương, chính sách, tiêu chí chung, các doanh nghiệp nên tăng cường liên kết với nhau trong việc hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, tuân thủ cơ chế thị trường không gây thiệt hại cho nông dân. Nên tận dụng sự tham gia của thương lái cũng như hệ thống đại lý phân phối theo định hướng trong chuỗi liên kết bốn nhà”.

Đ.P.T
Nguồn:kimhtenongthon.com.vn