NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG GÓP PHẦN THỰC HIỆN THẮNG LỢI MỤC TIÊU XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
- Chủ nhật - 29/09/2013 23:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đinh Quốc Thị
TUV, Hiệu trưởng Trường CT Trần Phú
Mục tiêu xây dựng NTM được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định: " đến năm 2015 toàn tỉnh có trên 20% số xã đạt các tiêu chí NTM ". Việc thực hiện thành công chỉ tiêu này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để thực hiện thành công mục tiêu đó đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh phải có nổ lực cao, phát huy sức mạnh mọi tầng lớp dân cư, mọi thành phần kinh tế, huy động nhiều nguồn lực.Trong đó việc nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng phục vụ nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng.
Trước hết, tín dụng góp phần thúc đẩy hình thành thị trường tài chính nông thôn; tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng; thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung vốn; nâng cao hiệu quả khai thác mọi tiềm năng về đất đai, lao động và tài nguyên thiên nhiên, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Thông qua thực hiện chính sách tín dụng nhà nước khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, định hướng sản xuất sản phẩm chủ lực và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thứ hai, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng luôn đòi hỏi người dân phải không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, tăng cường hạch toán kinh tế đồng thời tạo tâm lý tiết kiệm tiêu dùng do đó thúc đẩy sản xuất phát triển, phát triển đội ngũ doanh nhân, chủ trang trại ở nông thôn;Thứ ba, đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ việc sử dụng vốn tín dụng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đảm bảo cho hoạt động của các doanh nghiệp được liên tục, hạn chế rủi ro, nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần hình thành cơ cấu vốn tối ưu cho doanh nghiệp.
Thứ tư, đối với HTX, tín dụng ngân hàng góp phần phát triển số lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động, thay đổi quy mô sản xuất kinh doanh, cơ cấu chất lượng dịch vụ, nâng cao tính tự chủ và tạo sự bình đẳng trong quan hệ tín dụng ngân hàng với các thành phần kinh tế khác.
Thứ năm, đối với người nghèo tín dụng ngân hàng là động lực giúp người nghèo vượt qua nghèo đói; người nghèo không phải vay nặng lãi, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế gia đình, tiếp cận và có điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường.
Thứ sáu, thúc đẩy hình thành một tầng lớp xã hội mới, đó là doanh nhân, là những người có tư duy kinh tế khá năng động góp phần đáng kể vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của quê hương, đất nước.
Nhận thức tầm quan trọng của hoạt động tín dụng đối với xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo hoạt động tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tích cực khai thác các nguồn tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn đối với người sản xuất kinh doanh trên cơ sở thực hiện tốt chính sách tín dụng của Nhà nước.
Cùng với việc tổ chức thực hiện các chính sách tín dụng của nhà nước, để khai thác các nguồn tín dụng đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, xây dựng NTM, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất thuộc nguồn ngân sách nhà nước cho các Doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND ngày 11/6/2012 về hỗ trợ lãi suất từ nguồn CTMTQG XDNTM. Việc thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lãi suất theo các Quyết định của Chính Phủ và UBND tỉnh đã làm tăng nhanh số khách hàng và dư nợ tín dụng vào khu vực nông nghiệp nông thôn, hạn chế rủi ro, nợ xấu cụ thể: đối với việc thực hiện Quyết định số 63/QĐ-TTg tính đến 31/5/2013, với số tiền hỗ trợ lãi suất 12.024 triệu đồng đã thu hút số khách hàng vay vốn là 2332, doanh số vay 77.109 triệu đồng và dư nợ đạt 71.667 triệu đồng. Đối với thực hiện Quyết định số 26/2012/QĐ-UBND, tính từ khi triển khai đến 31/8/2013 với số tiền hỗ trợ lãi suất 16.776 triệu đồng đã thu hút 8518 khách hàng vay, lũy kế doanh số vay đạt 671.378 triệu đồng, dư nợ tại thời điểm đạt 605.767 triệu đồng. Như vậy nhà nước hỗ trợ lãi suất 1 đồng từ ngân sách sẽ thu hút hơn 40 đồng từ tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn(1). Nhờ các chính sách đúng đắn đó dòng vốn tín dụng đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là vào khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng nhanh, doanh số cho vay tăng từ 4.278 tỷ đồng (năm 2008) lên 9850 tỷ đồng (2012) chiếm 62% tổng nguồn vốn đầu tư và ước 2013 là 10.788 tỷ đồng chiếm 68% tổng nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp nông thôn(2)
Mặc dù thời gan qua đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút vốn tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định đó là:
Doanh số vay chưa nhiều, khách hàng chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình sản xuất nhỏ; số doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại vay vốn còn ít. Trong 8518 khách hàng vay được hỗ trợ lãi suất chỉ có 6 DN với mức vay 3,54 tỷ đồng/DN, 24 HTX với mức vay 595 triệu/HTX và 15 chủ trang trại với mức vay 684,7 triệu đ/ trang trại(3).
Khách hàng thường có xu hướng muốn tiếp cận nguồn vay ưu đãi (vì điều kiện vay vốn có “nới” hơn và lãi suất thấp hơn) nhưng nguồn vốn của các Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) và Ngân hàng phát triển (NHPT) hạn hẹp, không đủ đáp ứng các nhu cầu đó. NHTM thừa vốn, các DN, HTX, Hộ dân cần vốn nhưng lại không vay được vì không đáp ứng đủ các yêu cầu của ngân hàng.
Hiện nay và sắp tới, lãi suất đã giảm mạnh, cộng với các chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh sẽ là thuận lợi cho khách hàng, nhưng khả năng tiếp cận vốn NHTM vẫn còn nhiều khó khăn vì không có phương án SXKD có hiệu quả. Mặt khác còn có một số khó khăn trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến vốn vay cũng làm ảnh hưởng đến công tác tín dụng như: tiến độ cấp GCNQSD đất; thủ tục về đăng ký giao dịch đảm bảo đối với cá nhân khi vay vốn; thủ tục xử lý tài sản để thu hồi nợ.
Một số ngân hàng chưa chủ động trong việc tiếp cận các khách hàng để cùng bàn bạc, tư vấn về phương án SXKD, tìm các khách hàng hoạt động có hiệu quả để cho vay; vẫn còn nặng theo một chiều tiếp nhận các khách hàng đến quan hệ vay vốn.
Thủ tục vay vốn ngân hàng nhìn chung vẫn rườm rà, chưa phù hợp nên người dân khó tiếp cận. Một số vướng mắc về cơ chế của Nhà nước chưa được giải quyết nên trong thực hiện còn khó khăn như: Nghị định 41 chưa áp dụng đối với các hộ SX nông nghiệp tại khu vực phường, thị trấn; quy định về đăng ý giao dịch đảm bảo đối với hộ vay vốn; về quy định tỷ lệ nội địa hóa và nhãn mác hàng hóa các thiết bị khi vay vốn theo QĐ 63/2010/QĐ-TTg...
Để nâng cao hiệu quả thu hút vốn tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức người dân về vị trí, vai trò của vốn tín dụng; các quy định của Nhà nước, nhằm giúp người dân chủ động chuẩn bị đầy đủ các yếu tố để tiếp cận nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính của các cơ quan Nhà nước; đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục cho vay của các tổ chức tín dụng.
Thứ ba, các ngân hàng cần đẩy mạnh công tác tư vấn, giúp đỡ, hướng dẫn người sản xuất, DN, HTX lập và tổ chức thực hiện dự án SXKD, coi đây là việc làm nhằm mở rộng thị trường kinh doanh của DN và ngân hàng.
Thứ tư, phát huy vai trò Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tín chấp vay vốn và thực hiện toàn bộ hoặc một số khâu trong nghiệp vụ tín dụng, theo dõi, giám sát và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân được bảo lãnh trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và trả nợ các tổ chức tín dụng đúng hạn.
Thứ năm, phát huy vai trò các cấp chính quyền trong việc tích cực cải thiện môi trường đầu tư, qua đó dẫn vốn tín dụng vào địa bàn, nhất là nguồn tín dụng đầu tư phát triển.
Thứ sáu, nâng cao trách nhiệm chính quyền trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân có tài sản thế chấp; xác nhận giấy đề nghị vay vốn tín chấp; hỗ trợ các tổ chức tín dụng thẩm định, cho vay, thu hồi nợ vay, xử lý rủi ro …
Thứ bảy, trong quan hệ với các tổ chức tín dụng, DN, HTX, các hộ gia đình SXKD và tổ chức tín dụng cần xây dựng mối quan hệ bạn hàng, đồng hành cùng tồn tại và phát triển, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong quan hệ vay, trả nợ.
Thứ tám, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của Chính phủ, của Ngân hàng nhà nước về lãi suất huy động và lãi suất cho vay, về cơ cấu lại nợ cho các khách hàng vay vốn …
Thứ chín, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện tốt các quy định của UBND tỉnh về các chính sách hỗ trợ đầu tư nói chung, chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay nói riêng, nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng khách hàng trong tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất thấp
Thứ mười, đẩy mạnh phát triển quỹ tín dụng nhân dân nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong mọi tầng lớp dân cư, góp thêm một kênh cung cấp nguồn vốn, với thủ tục vay đơn giản, góp phần xóa bỏ tình trạng vay nặng lãi ở nông thôn./.
(1) (3) Phân tích số liệu báo cáo tháng 8 của NHNN chi nhánh Hà Tĩnh.
(2) B/C TK 5 năm thực hiện NQ 26-NQ/TW khóa X và 4 năm thực hiện NQ 08-NQ/TU về NN, NT, ND của Tỉnh ủy Hà Tĩnh.