Ngân hàng chấp nhận giảm lãi?

Ngân hàng chấp nhận giảm lãi?
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến ngày 8-8 vừa qua, tín dụng ngân hàng mới đạt mức 1,07% so với cuối năm trước, điều này có nghĩa, để đạt được mức 8 – 10% như mục tiêu của NHNN đề ra, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ phải dốc sức để mỗi tháng tín dụng tăng tối thiểu 2%. Đây là một nhiệm vụ khó. Song nhìn động thái của các ngân hàng, có thể thấy mục tiêu này vẫn hoàn toàn khả thi.
 
 
Nhiều ngân hàng đã mở rộng đối tượng cho vay
chứ không e dè như thời điểm trước
Ảnh: Hoàng Long
Lãi suất cho vay = lãi suất huy động
 
Có một thực tế tưởng như bất thường nhưng lại đang tồn tại ngay ở thời điểm này. Đó là, chưa bao giờ các ngân hàng lại cho vay với mức lãi suất bằng đúng lãi suất huy động. Vietcombank là một ví dụ. Hiện ngân hàng này đang cho vay gói 15.000 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm, và gói 700.000 USD cho vay với lãi suất 2%/năm – đây là hai mức lãi suất bằng đúng lãi suất huy động. Đến thời điểm này, Vietcombank đã giải ngân được gần 67.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi.
 
Từ đầu tháng 8 này, Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime bank) cũng tung ra gói sản phẩm tài trợ nhập khẩu MFloat với hạn mức 5.000 tỷ đồng, mà lãi suất cho vay cố định ưu đãi 7%/năm và tối đa không quá 9%/năm. Đây là mức ưu đãi thậm chí còn thấp hơn cả mức lãi suất huy động.
 
Không được dồi dào về vốn như Vietcombank hay Maritime bank, nhưng hàng loạt ngân hàng khác cũng đang vào "cuộc đua” giảm lãi suất cho vay nhằm kéo khách hàng về phía mình để đẩy mạnh tín dụng. VIB vừa triển khai gói tín dụng 1.500 tỷ đồng với lãi suất từ 11,5%/năm dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại TP.HCM. VPBank dành 2.000 tỷ đồng để cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất thấp hơn 2%/năm so với thông thường. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng đã đưa ra hàng loạt chương trình như "Liên kết bốn nhà”, "Hỗ trợ chủ đầu tư’… với lãi suất chỉ ở mức 11 – 12%.
 
Chấp nhận giảm lãi để tìm kiếm những khách hàng tốt – đó đang là "phương châm” của các ngân hàng thương mại trong thời điểm hiện nay. Đại diện ngân hàng Vietcombank cho biết, đưa ra những gói cho vay với lãi suất thấp không những mang lại lợi ích cho cả người đi vay mà tiền để trong các ngân hàng cũng phát huy được tác dụng. Bởi thời điểm trước đây, lãi suất quá cao khiến đồng tiền đóng băng tại các ngân hàng.
 
 
Đưa ra những gói cho vay với lãi suất thấp
không những mang lại lợi ích cho cả người đi vay
mà tiền để trong các ngân hàng cũng phát huy được tác dụng
Ảnh: Hoàng Long
Tăng trưởng tín dụng 8 – 10%: Khả thi
 
Dù không đưa ra những gói cho vay được ở mức thấp như Vietcombank, nhưng một số ngân hàng như Teckcombank, VIB, BIDV cũng có những gói lãi suất đã hạ thấp hơn trước trung bình 2 -3%, đồng thời mở rộng đối tượng khách hàng. Nhờ vậy, các ngân hàng nói trên cũng có những thay đổi đáng kể về mức tín dụng trong tháng 7 so với 6 tháng đầu năm. Theo các ngân hàng này, sự ổn định hơn của nền kinh tế vĩ mô cũng như niềm tin của người tiêu dùng đã được củng cố, các doanh nghiệp đã bắt đầu vay trở lại… là những tín hiệu tích cực giúp cho thị trường tài chính tiền tệ ổn định hơn. Điều này giúp các ngân hàng yên tâm mở rộng đối tượng cho vay chứ không e dè như thời điểm trước. Và như vậy, nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, với những tín hiệu khả quan nói trên, các ngân hàng hoàn toàn có khả năng đạt được mức tăng trưởng 8 – 10% như mục tiêu NHNN đề ra.
 
Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia ngành tài chính ngân hàng, đẩy mạnh cho vay tín dụng là một trong các động thái mà các ngân hàng thương mại đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu chung của NHNN. Tuy nhiên việc hạ lãi suất đến mức nào cũng phải tùy thuộc nhiều yếu tố, chẳng hạn như nguồn vốn của ngân hàng có dồi dào hay không, hay đối tượng khách hàng có đáng tin cậy hay không. Song, ông Lực cũng nhận định, với các giải pháp điều hành của Chính phủ thời gian qua, thị trường ngân hàng đã đi vào ổn định hơn, việc lãi suất đã hạ nhiệt, thậm chí là hạ sâu cho thấy nền kinh tế vĩ mô đã có những tín hiệu tích cực. Đặc biệt, "số lượng các doanh nghiệp đã quay trở lại vay vốn tăng đáng kể so với trước là một trong những yếu tố cho thấy mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng để đạt được mục tiêu 8 – 10% vào cuối năm nay là khá khả thi”.
 
Cho rằng, những chuyển biến của lãi suất thời gian qua là một trong những yếu tố tích cực giúp nhiều doanh nghiệp có cơ hội phục hồi sản xuất, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cũng đưa ra nhận định: "Khá nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn vay ở mức lãi suất 9%, và các ngân hàng cũng đã cơ cấu lại nợ để giúp các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Điều này sẽ tạo cho các doanh nghiệp niềm tin để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm. Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực so với thời gian trước”
 
Và như vậy, theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, lúc này, khi nền kinh tế vĩ mô đã tích cực hơn, thị trường ổn định hơn, doanh nghiệp cũng đã không còn quay lưng với các gói tín dụng, bản thân các ngân hàng đã có một bước chuyển biến mới về tăng trưởng tín dụng so với 6 tháng đầu năm, thì những động thái của các ngân hàng cho thấy, họ đã sẵn sàng cho cuộc về đích tăng trưởng tín dụng.
 
Duy Phương
Nguồn:http://daidoanket.vn