Ngân hàng và doanh nghiệp cần “ngồi lại” với nhau

Ngân hàng và doanh nghiệp cần “ngồi lại” với nhau
Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp (DN) nhỏ tại Bình Định nói riêng và cả nước nói chung gặp khó khăn về vốn nhưng lại rất khó tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng. Vấn đề này đã nhiều lần được chính quyền địa phương và ngành chức năng tìm cách tháo gỡ, song đến nay vẫn là “bài toán khó”.
DN nhỏ thiếu vốn
Vài năm nay, nhiều DN nhỏ ở Bình Định gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh (SXKD), trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu vốn hoạt động. Theo số liệu thống kê của Sở Kế hoạch và đầu tư Bình Định, trong số các DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, số DN có quy mô vốn hơn 20 tỷ đồng chỉ chiếm khoảng 5%; số DN có quy mô vốn từ 10-20 tỷ đồng chiếm khoảng 30%; còn phần đông là DN có quy mô vốn khoảng từ 5-10 tỷ đồng. Với số vốn ít ỏi này, các DN rất khó khăn trong việc đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại cũng như mở rộng SXKD.
Để có nguồn vốn sản xuất, giải pháp ưu tiên mà các DN nghĩ tới là “gõ cửa” các ngân hàng thương mại (NHTM) để vay. Nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, không phải ngân hàng nào cũng sẵn lòng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của DN, đặc biệt là đối với các DN nhỏ. Bởi lẽ, đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ không chỉ hạn chế về nguồn lực tài chính mà tài sản thế chấp hầu như không có. Bên cạnh đó, nếu các DN nhỏ vay vốn mà gặp rủi ro thì rất dễ bị phá sản. Đây chính là lý do các NHTM thường không “mặn mà” khi cho các DN nhỏ, siêu nhỏ vay vốn.
Ông Lê Xuân Quang, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất- thương mại- dịch vụ Tiến Phát  tại TP. Quy Nhơn, Bình Định, cho biết: “Trong thời điểm khó khăn hiện nay, tất cả các hoạt động của DN đều cần tiền mặt để xoay xở. Trước đây có thể thanh toán tiền mua nguyên liệu sản xuất bằng cách trả sau hoặc gối đầu cho nhà cung cấp với giá cả theo hợp đồng ký kết. Bây giờ thì điều đó không còn được nữa, tất cả đều phải “tiền trao cháo múc”, nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn. Trong khi đó, để vay được vốn của ngân hàng, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn vì tài sản thế chấp có hạn".
Không riêng gì Tiến Phát, nhiều DN nhỏ khác cũng phải tự “gọt bớt chân mình”, thu hẹp sản xuất, hoặc sản xuất cầm chừng chờ tình hình kinh tế trở lại bình thường. Ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc Công ty An Phúc Thịnh (ở An Nhơn - Bình Định), chuyên sản xuất bàn ghế nhựa, cho biết: Thiếu vốn, DN khó có thể giao hàng đúng hẹn, đồng nghĩa với việc bất đắc dĩ phải vi phạm hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại cho đối tác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín kinh doanh, đẩy hoạt động SXKD vào chỗ ngừng trệ. Vì không đủ nguồn tiền mặt để xoay xở mua nguyên liệu, nên mới đây DN chúng tôi đã phải “ngậm ngùi” từ chối một số hợp đồng giá trị hàng trăm triệu đồng để giữ uy tín cho DN.
Hướng tiếp cận vốn vay
Ông Phan Đình Trung, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT - chi nhánh Bình Định (Agribank Bình Định), cho biết: Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, cùng với các NHTM khác, Agribank Bình Định cũng đã tiến hành giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Tuy nhiên, mặc dù vốn huy động của Agribank Bình Định tăng trưởng tương đối cao, tăng 31% so với năm 2011, nhưng dư nợ tín dụng chỉ tăng 5%. Hiện chúng tôi đang tìm DN để cho vay và tranh thủ giải ngân vốn. Tuy vậy, để tìm được DN đủ khả năng để cho vay là không dễ, đặc biệt là các DN nhỏ và siêu nhỏ.
Theo ông Võ Mai Hưng, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương Bình Định): Những tháng gần đây, nền kinh tế của tỉnh đã dần phục hồi với những dấu hiệu khá tích cực. Tuy nhiên, trong thời gian đến, nếu không gỡ khó về vốn, các DN nhỏ trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục lao đao. Đứng về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi mong rằng trong thời gian đến các ngân hàng cần quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa về nguồn vốn cho các DN nhỏ đẩy mạnh SXKD.
Theo lãnh đạo một số NHTM trên địa bàn, để đẩy nhanh tốc độ cho vay vốn, cơ cấu lại nợ, các NHTM và DN cần ngồi lại với nhau, thẳng thắn giải quyết cụ thể từng vấn đề. Đối với DN, để tiếp cận được nguồn vốn, cần xây dựng kế hoạch thiết thực, bảo vệ được dự án của mình với ngân hàng. Bên cạnh đó, DN cần minh bạch hóa trong vấn đề tài chính. Điều này một mặt có thể giúp DN sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, giảm thiểu chi phí, rủi ro; mặt khác khi ngân hàng tiếp cận những thông tin tài chính minh bạch thì sẽ có động lực đầu tư lớn và lâu dài vào DN.
Về phía NHTM, cần tạo điều kiện để DN đang thiếu điều kiện về tài sản thế chấp vẫn có thể vay được vốn ngân hàng nếu có dự án khả thi. Ngoài ra, phía ngân hàng cần phát triển các dịch vụ tư vấn lập kế hoạch, phương án SXKD, quản lý tài chính, quản lý dòng tiền cho DN, để hỗ trợ DN quản lý tài chính hiệu quả hơn, nhằm giảm rủi ro cho DN và cả ngân hàng.
Minh Hạnh
Nguồn:baocongthuong.com.vn