Tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu thủy sản: Gỡ từ khâu vốn

Tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu thủy sản: Gỡ từ khâu vốn
Do cạnh tranh gay gắt nên hiện nay, giá xuất khẩu mặt hàng cá tra sang Hoa Kỳ của các doanh nghiệp (DN) thủy sản nước ta liên tục giảm. DN nếu không tính toán kỹ, phát sinh nhiều chi phí thì sẽ lời rất ít, thậm chí lỗ vốn.

Ông Lâm Ngọc Hải, đại diện Công ty TNHH Thủy - hải sản Sài Gòn - Mê Kông cho biết, năm 2012, do thiếu vốn mua nguyên liệu nên sản lượng xuất khẩu các mặt hàng cá tra của công ty giảm khoảng 5% so với năm 2011. Hiện, công ty đang có nhiều đơn hàng cho những ngày cuối năm 2012 và quý 1/2013, tuy nhiên, do không đủ vốn mua nguyên liệu nên chỉ có thể nhận những đơn hàng vừa phải chứ không thể ký các hợp đồng lớn.

“Năm nay, do nhiều thị trường nhập khẩu ở châu Âu áp dụng các yêu cầu khắt khe về chất lượng nên nhiều DN tập trung xuất sang thị trường Hoa Kỳ, khiến việc cạnh tranh xảy ra ngày càng khốc liệt”, ông Hải nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Hồng Anh (Công ty cổ phần Thủy sản Cửu Long) cho biết, do thiếu nguyên liệu đầu vào, cộng với rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu, đặc biệt là nguồn vốn vay ngân hàng để mua nguyên liệu hạn chế nên hiện nay, sản lượng tôm xuất khẩu của DN giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, DN vay vốn từ các ngân hàng với lãi suất 11%/năm, tuy nhiên, mức lãi suất này vẫn còn cao, không dễ để DN có thể làm ăn sinh lời.

“Với tình hình này, chúng tôi đang phải triển khai kế hoạch mới, có thể trong năm 2013, ngoài tôm sú, chúng tôi sẽ mở rộng thêm mặt hàng tôm thẻ chân trắng hoặc phát triển thêm các mặt hàng có giá trị gia tăng để tăng doanh thu, tạo việc làm cho người lao động”, bà Anh chia sẻ.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến hết tháng 9/2012, doanh số cho vay để nuôi, thu mua và chế biến cá tra ở ĐBSCL đạt trên 38.200 tỷ đồng; dư nợ cho vay thu mua, chế biến cá tra hơn 20.700 tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2011). Tuy nhiên, ông Hải cho biết, từ trước đến nay, ông chỉ nghe nói về số tiền này chứ Công ty TNHH Thủy hải sản Sài Gòn-Mê Kông chưa hề tiếp cận được.

Còn ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương cho rằng, cần phải xem xét lại con số 5.900 hộ dân và hơn 280 DN sản xuất, chế biến cá tra đã được vay vốn mà báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đưa ra, vì thực tế, số DN có nhà máy chế biến cá tra không nhiều như thế. Cả nước hiện có khoảng 100 DN vừa sản xuất vừa chế biến, và việc DN chưa tiếp cận được nguồn vốn này là một thực tế.

Theo ông Minh, cuối tháng 11/2012, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tiếp tục có công văn kiến nghị nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho nghề nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra. Trong đó, Vasep chủ yếu kiến nghị Chính phủ đưa cá tra vào ngành sản xuất xuất khẩu đặc thù và có điều kiện, đồng thời kiến nghị thực hiện giãn nợ và cơ cấu lại nợ cho các DN cá tra thực sự có năng lực sản xuất, xuất khẩu để họ tiếp tục được vay vốn duy trì sản xuất, kinh doanh.

Vasep cũng kiến nghị nên chuyển đổi vốn vay ngắn hạn đã sử dụng đầu tư vào nuôi cá tra sang trung hạn, tăng phân bổ cho vay trung hạn để các DN ngành cá tra nói riêng, thủy sản nói chung vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có kiến nghị nào được triển khai rộng rãi.

Thạch Bình

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn