Tiếp vốn cho những khát vọng đổi đời

Tiếp vốn cho những khát vọng đổi đời
Văn Chấn là huyện nghèo của tỉnh Yên Bái. Cùng với các nguồn lực khác, những năm qua, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Ngôi nhà 3 gian của vợ chồng chị Bùi Thị Bưởi (thôn Ba Khe 2, xã Cát Thịnh) mới khánh thành vài tháng nay là minh chứng sinh động cho việc sử dụng hiệu quả đồng vốn vay ưu đãi của vợ chồng chị.

Gia đình chị Bùi Thị Bưởi (giữa), thôn Ba Khe 2, xã Cát Thịnh chia sẻ niềm vui trước ngôi nhà mới xây.

5 năm xây được nhà mới

Cách đây 5 năm, vợ chồng chị Bưởi được vay 11 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo. Với số tiền đó, vợ chồng chị mua 1 con trâu nái. Sau hơn 4 năm, trâu nái sinh thêm được 3 con. “Bán số trâu và nghé con, giữa năm vừa rồi, vợ chồng tôi cất được căn nhà mới. Hiện con trâu nái mua bằng vốn gốc vẫn đang còn…” - chị Bưởi chia sẻ.

Chị Bưởi là 1 trong những thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) thôn Ba Khe 2. Thôn có 132 hộ, hiện còn 21 hộ nghèo. Chị Hứa Thị Tới - Tổ trưởng tổ TKVV cho biết: “Hiện dư nợ của tổ hơn 636 triệu đồng với 39 hộ đang vay 4 chương trình tín dụng. Nhiều hộ nhờ vay được nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã đầu tư chăn nuôi gia súc, nuôi ba ba tạo thu nhập, nâng cao mức sống, như hộ chị Xa Thị Toan, Nguyễn Thị Thoa…”.

Gần 15 năm nay, xã Cát Thịnh nổi lên là một trong những địa phương đi đầu ở Yên Bái trong việc đầu tư nuôi ba ba giống, ba ba thương phẩm. Ông Trần Nam Huân - người đi đầu trong nghề, Chi hội trưởng Chi hội nuôi ba ba xã Cát Thịnh cho biết: “Nhờ được vay tín dụng ưu đãi mà nhiều gia đình hội viên có vốn đầu tư mở rộng mô hình nuôi ba ba, có thu nhập khá, xây nhà mới khang trang, sắm tiện nghi sinh hoạt…”.

Vượt núi, lội suối đưa vốn đến dân

Văn Chấn là huyện có địa hình đồi núi chia cắt, đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn thấp. Trong các buổi giao dịch tại một số xã vùng khó khăn, vì không biết chữ nên nhiều người phải điểm chỉ thay cho chữ ký. Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tổ chức giải ngân vốn vay, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ủy thác thực hiện việc hướng dẫn bà con cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích...

Tổng dư nợ vốn ưu đãi trên địa bàn huyện Văn Chấn năm 2012 ước đạt hơn 203 tỷ đồng. Nợ quá hạn tính đến hết tháng 11.2012 là 3,194 tỷ đồng, giảm hơn 1 tỷ đồng so với đầu năm.

Ấn tượng nhất đối với đồng bào được vay vốn tín dụng ưu đãi là tinh thần vượt khó của cán bộ Ngân hàng CSXH. Mỗi tháng, vào một ngày cố định, tổ công tác của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Văn Chấn lại đến tận xã tiến hành giải ngân vốn mới, thu nợ, thu lãi… Địa bàn huyện Văn Chấn kéo dài trên 120km, nhiều xã chưa có đường ô tô như Sùng Đô, Nậm Mười, An Lương, Suối Quyền…

Ông Trần Quang Sơn - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Văn Chấn cho hay: “Địa bàn rộng, nhân lực mỏng, mỗi cán bộ tín dụng phải phụ trách 6-7 xã. Từ đầu năm tới nay, phòng đã cùng các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, tổ TKVV tổ chức 464 phiên giao dịch lưu động…”.

Nguồn:danviet.vn