Tính bền vững của mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng VTNN chưa cao
- Thứ tư - 15/08/2012 23:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Là một trong 12 tỉnh (Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Thuận, Lâm Đồng, An Giang và Tiền Giang) đã và đang tiến hành thực hiện dự án “Xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp” của Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020”, tỉnh Đồng Tháp được hỗ trợ xây dựng 2 mô hình theo chuỗi giá trị nông sản như: Mô hình doanh nghiệp - HTX - nông dân về tiêu thụ lúa gạo và cung ứng vật tư nông nghiệp, mô hình doanh nghiệp - hộ kinh doanh - nông dân về tiêu thụ ớt và cung ứng vật tư nông nghiệp. Để đảm bảo cho nông dân sản xuất có lời, sản phẩm làm ra tiêu thụ dễ dàng với giá cả hợp lý, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. Đây được xem là mối quan hệ mấu chốt để giải quyết bài toán cung cầu và ổn định giá cả thị trường hiện nay. Vì vậy, tỉnh Đồng Tháp đã chọn công ty CP Docimexco và HTX Nông nghiệp Tân Cường làm chủ thể trong mô hình thí điểm về liên kết đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiêu thụ lúa. Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng không thành công, nguyên nhân do trách nhiệm của các bên tham gia ký kết hợp đồng chưa được cụ thể hóa; doanh nghiệp và nông dân chưa thực sự tin tưởng lẫn nhau và cùng chia sẻ rủi ro. Từ những khiếm khuyết đó, Ban điều hành dự án rút kinh nghiệm và đã chọn công ty TNHH XNK TM Võ Thị Thu Hà để ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa với HTX Tân Tiến với tổng diện tích là 400ha, tổ hợp tác Bình Thạnh Trung 130ha với nội dung: Công ty sẽ thu mua hết lượng lúa hàng hóa theo giá cao hơn giá thị trường thời điểm trong khu vực 200 đồng/kg, thưởng 10 đồng/kg lúa đối với những hộ nông dân thực hiện đúng hợp đồng ký kết về số và chất lượng lúa; trả thù lao cho HTX về công tác quản lý, vận động tổ chức cho nông dân tham gia hợp đồng. Việc triển khai thực hiện hợp đồng đã được các bên thực hiện khoa học, đồng bộ trên tinh thần hợp tác cùng có lợi nên kết quả thu mua đạt 100% theo thỏa thuận.
Đối với mô hình doanh nghiệp – hộ kinh doanh – nông dân về tiêu thụ ớt và cung ứng vật tư nông nghiệp ở huyện Thanh Bình, doanh nghiệp Dũng Ớt và các hộ kinh doanh đầu tư ớt giống và chi phí ban đầu cho nông dân là 1 triệu đồng/ha và cuối vụ thu mua ớt tươi theo thời giá. Tính từ đầu vụ doanh nghiệp Dũng Ớt đã thu mua 6.000 tấn ớt tươi các loại, trừ chi phí nông dân có lãi từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg.
Đánh giá về mục tiêu “Đảm bảo đầu ra ổn định từ hình thức ký hợp đồng với các bên liên quan”, theo TS. Nguyễn Phú Son – PGĐ Trung tâm nghiên cứu và đầu tư nông thôn, Viện Nghiên cứu và phát triển ĐBSC: “Tính bền vững và ổn định của mô hình vẫn còn là câu hỏi lớn cho việc nhân rộng mô hình này trong thực tế. Việc trì hoãn mua hàng của các hộ kinh doanh khi giá ớt giảm và việc quy mô sản xuất nhỏ lẻ của các hộ tham gia. Một nguyên nhân làm tăng tính không bền vững nữa đó là chưa có quy hoạch vùng sản xuất ớt và công suất chế biến của các cơ sở chế biến còn hạn chế”. Ông Nguyễn Văn Dương – PCT UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Mô hình thí điểm về tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp đã được triển khai thực hiện tốt và đạt được những kết quả quan trọng trong bước đầu thực hiện. Bốn mục tiêu chính của dự án cơ bản đã đạt được. Ban Điều hành dự án và đối tác tham gia dự án cần tiếp tục phân tích, đánh giá cụ thể hơn nguyên nhân của các khuyến điểm, hạn chế trên, từ đó xây dựng giải pháp khắc phục, đề xuất chính sách hỗ trợ. Sau Hội nghị hôm nay, tôi đề nghị Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch nhân rộng mô hình mô hình thí điểm về tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trên nhiều địa phương khác”. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: “Nông dân khi tham gia thực hiện dự án đã có nhiều sự thay đổi rõ rệt trong sản xuất và tư duy cụ thể là quyền được thương thảo với doanh nghiệp, cam kết và trách nhiệm; được học tập về kỹ thuật canh tác, tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình điển hình ở địa phương và ngoài tỉnh. Doanh nghiệp cũng được hỗ trợ về mặt tuyên truyền và nâng cao uy tín. Một điều không thể phủ nhận là từ những mô hình này đã có được sự chia sẻ, hiểu biết và đồng thuận giữa doanh nghiệp và nông dân. Nông dân đã gắn kết với doanh nghiệp một cách tự nguyện, hợp tác đôi bên cùng có lợi. Vì vậy, nhu cầu hợp tác, liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ trở thành một tất yếu khách quan, nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.” Nguyệt Ánh | ||||
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | ||||