Điểm tin báo chí ngày 06 tháng 10 năm 2016

Điểm tin báo chí ngày 06 tháng 10 năm 2016
Trong ngày 06/10/2016, các báo: Hà Tĩnh, Nông thôn ngày nay (Dân Việt điện tử), Nông nghiệp Việt Nam có các tin, bài phản ánh những thông tin nổi bật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới.


1.Báo Hà Tĩnh đăng các tin, bài:

Hoàn trả vốn lưới điện nông thôn: Những vướng mắc cần tháo gỡ - Tác giả Tiến Dũng: Từ tháng 10/2008 đến nay, Công ty Điện lực Hà Tĩnh đã tiến hành tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn của 225 xã. Ngoại trừ gần 150,2 tỷ đồng tiền vốn vay Ngân hàng Thế giới thì việc hoàn trả nguồn vốn đối với các xã, HTX tự đầu tư xây dựng đều đang chậm và gặp vướng mắc. Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt giá trị còn lại của 185/190 xã tự bỏ vốn đầu tư (5 xã đang thẩm định giá) nhưng chỉ có 135 xã đủ điều kiện hoàn trả. Nhưng hiện toàn tỉnh mới chỉ có 48 xã được hoàn trả với số tiền gần 12,6 tỷ đồng/tổng số 73,2 tỷ đồng, kế hoạch đến hết năm nay sẽ hoàn trả tiếp cho 41 xã với gần 8,4 tỷ đồng...Trả lời cho việc có hay không ngành điện lực cố tình hoàn trả chậm, gây khó dễ trong làm hồ sơ, ông Nguyễn Mậu Hoài - Phó Trưởng phòng Pháp chế Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho rằng: Gần đây, UBND tỉnh mới có các quyết định phê duyệt giá trị. Nếu đối chiếu theo Thông tư 32/2013 giữa liên bộ Công thương và Tài chính thì các xã chưa được hoàn trả vốn đều chưa quá 36 tháng kể từ ngày UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt. Mặt khác, việc hoàn trả chậm còn do thất lạc hồ sơ.

2.Báo thôn ngày nay (Dân Việt điện tử) đăng các tin, bài:

Trồng dừa xiêm lùn trên cát, nhàn nhã thu tiền – Tác giả Dũ Tuấn: Nhiều người gọi hai ông Lê Xuân Bá (sinh năm 1957) và Nguyễn Văn Dậu (sinh năm 1956, cùng trú thôn Tăng Long 2, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) là những lão gàn vì đã liều mình “ném” hàng trăm triệu đồng để trồng dừa xiêm lùn da xanh trên vùng cát ven biển... Thế nhưng, bằng sự cần cù chịu khó, những lão gàn ấy đã gặt hái nhiều thành công với mô hình vườn dừa mới, vừa lạ tại vùng quê này. Hiện, tuy lượng trái chỉ đạt 10 - 20 trái/buồng/tháng nhưng trong 1- 2 năm tới, mỗi cây dừa sẽ sản sinh ổn định 150-200 trái/năm. Hai ông đang tự ươm giống dừa để tiếp tục nhân rộng tiếp 0,5ha diện tích còn lại và hướng tới cung cấp giống, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho bà con có nhu cầu”. Hiện trung bình mỗi tháng, ông Bá bán dừa cho thương lái 1 lần, mỗi lần thu hoạch khoảng 300 trái với giá bán sỉ tại vườn từ 8.000 - 15.000 đồng/trái.

Sống sung túc nhờ trồng rau sạch – Tác giả Đoàn Hồng: Với thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm, hàng trăm hộ nông dân trồng rau sạch theo hướng VietGAP ở Đà Nẵng có đời sống khá sung túc. Cả vùng Hòa Thọ Đông có vùng rau La Hường có diện tích hơn 7,5ha, với hơn 40 hộ trên địa bàn tham gia trồng rau sạch theo hướng chuẩn VietGAP. Cũng nhờ trồng rau sạch mà nhiều hộ nông dân ở địa phương xây nhà lầu và nuôi con ăn học thành đạt. Tại huyện Hòa Vang đã triển khai và quy hoạch 8 vùng chuyên canh rau sạch với tổng diện tích hơn 30ha ở hầu hết các xã. Đặc biệt, tại vùng rau sạch thôn Tuý Loan (Hòa Phong) có hơn 40 hộ tham gia trồng rau với diện tích 8ha, trồng các loại rau quả các loại, mỗi ngày, người dân xuất bán khoảng 500 – 600kg rau quả. Mỗi năm làm từ 2-3 vụ, bình quân mỗi hộ thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/sào/vụ, mỗi năm cho thu nhập gần 20 triệu/năm. Theo thống kê, nhu cầu về rau sạch của TP.Đà Nẵng rất lớn, khoảng 60.000 - 65.000 tấn/năm, nhưng lượng rau quả sản xuất của nông dân ở thành phố chỉ đáp ứng khoảng gần 10.000 tấn. Trong  đó, lượng rau được sản xuất tại các vùng rau an toàn chỉ gần 3.000 tấn/năm, bằng 5% nhu cầu.

Làm nông trông… du lịch – Tác giả Trần Đáng: Việc lãnh đạo TP.HCM vừa chấp thuận đề xuất xây dựng mô hình du lịch nông thôn của Sở Du lịch thành phố đã chứng minh, việc nông dân làm vườn kết hợp du lịch sinh thái là hướng đi đúng nhằm tăng thu nhập và xây dựng nông thôn mới. Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, phải mở rộng mô hình du lịch nông thôn, giải quyết việc làm cho nông dân. Đó được coi là nguồn lợi an sinh xã hội, giúp các xã nông thôn mới của TP.HCM phát triển bền vững.

3.Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng các tin, bài:   

Thanh Hóa: 9 tháng huy động hơn 3.139 tỷ đồng xây dựng NTM – Tác giả Việt Khánh: Tổng nguồn lực xây dựng NTM 9 tháng đầu năm 2016 là 3.139,24 tỷ đồng. 9 tháng qua, các địa phương đã tiếp nhận đưa vào sử dụng 16.370,75 tấn xi măng; hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 92 công trình. Với nguồn vốn đã được hỗ trợ từ ngân sách và huy động từ các nguồn vốn khác, Thanh Hóa đã đầu tư xây mới, nâng cấp được 462,3 km đường giao thông nông thôn các loại. Trong 3 tháng cuối năm 2016, Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu có thêm 45 xã đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí; mỗi huyện miền núi có 03 thôn, bản đạt chuẩn NTM. Nâng mức bình quân tiêu chí lên 14,2 tiêu chí/xã.

Công trình vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng – Tác giả Nguyễn Cầu: Trung tâm VHTT xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) khởi công tháng 8/2015 với tổng vốn đầu tư 4,794 tỷ đồng vừa hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 4/2016 nhưng hiện đã ngừng hoạt động do hư hỏng, xuống cấp. Cho đến nay nguyên nhân hư hỏng, trách nhiệm vụ thể từng đơn vị, cá nhân vẫn chưa được xác định.

Hải Dương: Mở rộng sản xuất lúa chất lượng – Tác giả Phạm Ninh Hải: Năm 2016, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học đã triển khai mở rộng SX quy mô 60ha giống lúa Sơn Lâm 2 và 140ha giống lúa Bắc thơm 7 KBL. Trong các điểm triển khai thì giống lúa Bắc thơm 7KBL không vị nhiễm bệnh bạc lá, giống Sơn Lâm 2 nhiễm nhẹ. Giống Sơn Lâm 2 có chiều cao cây cao hơn Bắc thơm 7KBL nhưng cứng cây, chống đổ tốt, dễ thâm canh, gieo cấy được trên các chân đất khác nhau. Năng suất Sơn Lâm 2 cao nhất tại xã Nam Tân đạt 62,64-63,92 tạ/ha; Bắc thơm 7 tại xã Lê Hồng đạt 52/93 tạ/ha.

Thâm canh giống mì mới năng suất cao – Tác giả An Nhân: Năm 2016, diện tích mì trên địa bàn Bình Định đã tăng đến 13.600ha, chủ yếu được trồng giống mì cũ đã có biểu hiện thoái hóa, nhiễm sâu bệnh. Để phát triển vùng nguyên liệu mì theo hướng bền hướng SX bền vững, có hiệu quả, tỉnh đã xây dựng mô hình thâm canh một số giống mì mới, năng suất cao: giống KM228 và KM440B được xây dựng tại cánh đồng Cây Da trong vụ HT sớm năm 2016. Mục tiêu của mô hình nhằm đưa giống mình mới có năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh vào SX tại địa phương, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trên vùng đất đồi gò, chân cao.

Mùa vàng nối tiếp bội thu trên đồng đất Bắc Giang – Tác giả Trịnh Lan: Sau vụ lúa xuân trĩu hạt, người dân ở Bắc Giang đón vụ lúa mùa bội thu. Vụ mùa năm 2016, tỉnh xây dựng 57 cánh đồng mẫu cấy lúa; chủ yếu gieo cấy các giống BC15, Hương thơm số 1, Bắc thơm 7, RVT, Thiên ưu 8, lúa Nhật, lúa lai. Sản xuất trên cánh đồng mẫu giúp nông dân quản lý tốt sâu bệnh, dịch hại, giảm lượng phân bón. Qua đánh giá cho thấy, năng suất lúa ở các cánh đồng mẫu bình quân đạt khoảng 65 tạ/ha, cao hơn so với sản xuất đại trà 10 tạ/ha. Đây là một trong những yếu tố góp phần tăng năng suất lúa của tỉnh.

Chuẩn bị tốt các điều kiện đối phó hạn, mặn trong vụ đông xuân – Tác giả Ngọc Thắng, Đ.T.Chánh: Tại cuộc họp sơ kết sản xuất vụ thu đông, mùa 2016, triển khai kế hoạch sản xuất vụ ĐX 2016-2017 vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL. Vụ  ĐX 2015-2016 toàn vùng Nam bộ xuống giống trên 1,62 triệu ha lúa, năng suất đạt 6,44 tấn/ha, sản lượng đạt 10,483 triệu tấn, giảm so với vụ ĐX 2014-2015. Nguyên nhân dẫn đến “3 giảm”: diện tích, năng suất và sản lượng là do trận hạn, mặn lịch sử làm 93.898ha lúa bị ảnh hưởng. Tình hình hạn, mặn năm 2017 được dự báo bớt gay gắt hơn so với năm 2016 nhưng những tác động của nó được đánh giá không thua kém nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời. Giải pháp tốt nhất là chủ động đắp các đập đa cấp, cộng với máy bơm để tích nước ngọt trên các hồ, kênh... Vùng không thể lấy được nước ngọt thì tích nước mưa trong hệ thống thủy lợi, ao. Để phòng, tránh hạn mặn cần nhiều giải pháp, trong đó cơ cấu mùa vụ xuống giống hợp lý là giải pháp quan trọng.

 
Tổng hợp: Minh Tâm