Điểm tin báo chí ngày 08 tháng 10 năm 2016

Điểm tin báo chí ngày 08 tháng 10 năm 2016
Trong ngày 08/10/2016, các báo: Hà Tĩnh, Nông thôn ngày nay (Dân Việt điện tử), Nông nghiệp Việt Nam có các tin, bài phản ánh những thông tin nổi bật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới.


1.Báo Hà Tĩnh đăng các tin, bài:

Gấp rút rà soát các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển – Tác giả Thành Chung: Chiều 8/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh chủ trì buổi làm việc với các đơn vị, địa phương để xem xét, thống nhất kết quả rà soát xã vùng bãi ngang ven biển, xã cồn bãi trên địa bàn tỉnh để làm căn cứ báo cáo đề xuất Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ phê duyệt xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, xã cồn bãi giai đoạn 2016-2020. Kết quả, có 33 xã, phường thuộc xã bãi ngang ven biển và xã cồn bãi, trong đó Nghi Xuân 10 xã, Lộc Hà 3 xã, Thạch Hà 7 xã, Cẩm Xuyên 5 xã, Kỳ Anh 3 xã, thị xã Kỳ Anh 4 xã và 1 phường.Từ kết quả tổng hợp, 3 phương án được đề xuất lựa chọn, các đơn vị cũng đã thẳng thắn nêu quan điểm lựa chọn các phương án theo điều kiện thực tế và hầu hết các ý kiến đồng tình với phương án 3 (29/33 xã đủ điều kiện; trừ 4 xã về đích NTM).

2.Báo thôn ngày nay (Dân Việt điện tử) đăng các tin, bài:

Vựa rau - lúa Đông Anh đạt chuẩn nông thôn mới – Tác giả Trần Quang: Huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo các chương trình MTQG ký quyết định công nhận đạt chuẩn huyện NTM năm 2015. Đông Anh là huyện ven đô có 23 xã triển khai xây dựng NTM. Với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, bài bản, từ mức đạt bình quân 8 tiêu chí NTM/xã, đến nay, toàn huyện đã có 21/23 xã đạt chuẩn NTM. Trong năm 2016, 2 xã còn lại cũng sẽ hoàn thành 19 tiêu chí NTM.

Hoa Lư - điểm sáng ở đất cố đô – Tác giả Trần Quang: Sau hơn 5 năm triển khai xây dựng NTM, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) đã có 7/10 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí. Huyện đang đặt mục tiêu đến hết năm 2016 sẽ có 100% số xã đạt chuẩn và sẽ trở thành huyện NTM đầu tiên của tỉnh Ninh Bình. Từ tháng 5.2016, UBND huyện Hoa Lư đã hoàn thành việc thẩm định và ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất đến năm 2025 cho 6 xã còn lại.

Diêm dân Sa Huỳnh ngóng mua muối tạm trữ - Tác giả Công Xuân: Dù các cấp chính quyền huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã có văn bản kiến nghị gửi cơ quan chức năng trung ương, thế nhưng gần 1 tháng trôi qua vẫn chưa có tổ chức, doanh nghiệp nào liên lạc, tiếp cận để mua muối. Thời điểm này đã bước vào mùa mưa, nên hoạt động sản xuất ở cánh đồng muối Sa Huỳnh đã bước vào giai đoạn ngủ đông, nhưng hiện nay vẫn còn tồn đọng hơn 3 nghìn tấn muối chưa được thu mua.

Xây dựng quy chuẩn cho nông sản về Thủ đô – Tác giả Đăng Quang: Đó là đề nghị của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám tại buổi làm việc của Ban điều phối chương trình phát triển chuỗi rau, thịt cung cấp cho Hà Nội với UBND tỉnh Nam Định mới đây. Thứ trưởng cho biết, hoạt động của Chương trình phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho Hà Nội là cơ hội để Nam Định quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn, tăng cường liên kết với Hà Nội và các địa phương khác. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp của Hà Nội tìm được bạn hàng cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường Thủ đô.

92 địa chỉ xanh cung ứng thực phẩm an toàn – Tác giả Lê San: Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính tới 30.9, tại 45 tỉnh, thành phố báo cáo đã xây dựng được 382 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Trong đó có 92 địa chỉ kinh doanh được kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận bán sản phẩm rau, thủy sản, gạo, thịt lợn… an toàn.
Sáng nay, diễn ra Lễ ký kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn – Tác giả Lê San: Sáng nay (8.10), tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Hà Nội), Bộ NNPTNT phối hợp với Báo NTNN tổ chức lễ ký kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. 15 doanh nghiệp (DN) đầu tiên về sản xuất nông sản thực phẩm an toàn sẽ tham gia đợt ký kết này. Lễ ký kết cung ứng nông sản thực phẩm an toàn là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong Chương trình truyền thông “Địa chỉ Xanh - Nông sản Sạch”.

Đam mê mãnh liệt làm nông nghiệp sạch của Huy “chè” – Tác giả Thu Hà: Anh Nguyễn Quang Huy, ở  thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) được người dân trong thôn gọi với cái tên yêu mến “Huy chè”. Năm 2010, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Anh Huy là người đầu tiên mở mô hình trồng chè an toàn và năm 2012, anh cũng là người đầu tiên áp dụng mô hình trồng chè VietGAP ở xã Bắc Sơn. Làm chè sạch vất vả hơn so với cách làm truyền thống, nhưng có 2 cái lợi là: Thu nhập trên cùng 1 diện tích chè được tăng lên và sức khỏe người trồng chè và người tiêu dùng đều được đảm bảo. Với 2ha trồng chè VietGAP, mỗi năm xuất bán ra thị trường hơn 2 tấn chè sạch, thu nhập sau khi trừ chi phí lên đến 400 triệu đồng/năm.

3.Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng các tin, bài:   

Hơn 484 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn – Tác giả Phương Nghi: Bạc liêu hiệ có hơn 30 nghìn hộ khèo, chiếm tỷ lệ 15,55% và gần 14 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,03%. Chính vì vậy, việc đào tạo nghề có hiệu quả và trao cơ hội cho hộ nghèo tự phấn đấu vươn lên là giải pháp mang tính quyết định và cần được ưu tiên hàng đầu. Theo kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ đào tạo hơn 60 nghìn lao động với tổng vốn đầu tư là 486,3 tỷ đồng.

Huyện Phú Quý đạt chuẩn nông thôn mới – PV: Phú Quý (Bình Thuận) là huyện đảo cách đất liền khỏng 56 hải lý, tuy còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực của Đảng bộ, chỉnh quyền và nhân dân, đến nay huyện đảo đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM. Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM 2015.
Mái ấm cho người nghèo ở Lục Yên – Tác giả Khắc Điệp: Trong năm nay, huyện Lục Yên có 133 hộ nghèo được nhận hỗ trợ về nhà ở với tổng kinh phí 6,6 tỷ đồng. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã xác định việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Lào Cai: Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi – Tác giả Kế Toại: Chi cục Chăn nuôi và Thu y Lào Cai dự báo từ nay đến hết năm, do diễn biến phức tạp của thời tiết, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại địa phương còn diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao. Bởi vậy, người dân và các cấp cơ sở cần chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi bằng cách che chắn kín chuồng trại, tránh mưa, gió lùa, sương muối, băng tuyết; nền chuồng luôn giữ khô ráo, sạch sẽ; áp dụng tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học; tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các loại vắc xin theo hướng dẫn của cơ quan thú y hoặc nhà sản xuất. Khi thấy đàn vật nuôi có hiện tượng ốm, chết bất thường người dân phải khai báo ngay với cơ quan chức năng, tuyệt đối không bán chạy, vứt xác động vật chết ra môi trường làm lây lan, phát tán mầm bệnh.

 
Tổng hợp: Minh Tâm