Điểm tin báo chí ngày 12 tháng 10 năm 2016

Điểm tin báo chí ngày 12 tháng 10 năm 2016
Trong ngày 12/10/2016, các báo: Hà Tĩnh, Nông thôn ngày nay (Dân Việt điện tử), Nông nghiệp Việt Nam có các tin, bài phản ánh những thông tin nổi bật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới.

1.Báo Hà Tĩnh đăng các tin, bài:

Nghi Xuân hiện thực hóa các tiêu chí huyện NTM – Tác giả Trọng Nghĩa: Các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang trên hành trình hiện thực hóa các tiêu chí để trở thành huyện NTM bằng những mục tiêu, quyết tâm cao nhất. Một trong những mục tiêu cụ thể là huyện tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, xây dựng NTM có chiều sâu và thực chất... Ngoài các xã như: Xuân Hồng, Xuân Lĩnh, Tiên Điền, Cổ Đạm đang đẩy nhanh tiến độ đạt chuẩn trong năm 2016, các địa phương đã đạt chuẩn NTM đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư NTM kiểu mẫu. Được biết, hiện tổng số tiêu chí toàn huyện đạt chuẩn: 201/314 tiêu chí, đạt 64%, bình quân mỗi xã đạt 12 tiêu chí.  Xem chi tiết tại đây

Đối thoại về chính sách, thực trạng giao đất, giao rừng tại Hà Tĩnh – Tác giả Trọng Tuệ: Sáng nay, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) tổ chức Hội thảo đối thoại về chính sách thực trạng giao đất, giao rừng tại Hà Tĩnh - Những khó khăn, bất cập và giải pháp; quá trình phối kết hợp triển khai chỉ đạo và tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương trong công tác giao đất, giao rừng. Đặc biệt là thực trạng quản lý đất lâm nghiệp và phương án giải quyết nhu cầu thiếu đất sản xuất cho người dân trên địa bàn xã Sơn Kim 2, xã Hương Trạch, xã Kỳ Lạc; những khó khăn, thách thức trong quản lý, bảo vệ rừng của nhóm bảo vệ rừng thôn Khe 5 Hương Sơn và các hộ gia đình cá nhân khác trong tỉnh; phương án quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng quy mô hộ gia đình nhằm đảm bảo sinh kế và duy trì được vốn rừng tự nhiên... Xem chi tiết tại đây


Giải quyết thấu đáo nhiều băn khoăn của các hợp tác xã – Tác giả Chính Thu: Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, sáng 12/10, Liên minh Hợp tác xã Hà Tĩnh tổ chức buổi tọa đàm giữa đại diện các HTX với lãnh đạo các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh. Tại buổi tọa đàm, đại diện các HTX đã có nhiều ý kiến xung quanh công tác chuyển đổi mô hình HTX theo Luật HTX năm 2012 và việc xây dựng mô hình HTX kiểu mẫu gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Việc phát triển HTX, chuyển đổi mô hình HTX và xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hiện nay là vô cùng quan trọng. HTX hoạt động có hiệu quả sẽ góp phần quan trọng trong tạo việc làm cho lao động vùng nông thôn và phát triển mạnh mẽ các sản phẩm chủ lực ở địa phương. Xem chi tiết tại đây

Biến đồng hoang thành trang trại “đẻ” tiền tỷ  - Tác giả Quang Minh: Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó, cằn cỗi, nhưng bằng đôi tay cần mẫn và nghị lực của một người lính, CCB Phan Đình Diện (SN 1974, ở xóm Xuân Tây, xã Hộ Độ, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã biến những khu đất trống, đồng muối hoang hóa thành trang trại chăn nuôi tổng hợp và những ao tôm cho lãi bạc tỷ... Tháng 4/2014, được địa phương tạo điều kiện cho thuê khu đất cũ rộng 2 ha, anh bắt tay xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm: nuôi bò thịt, bò nái, gà đẻ trứng, lợn rừng và trồng nấm thương phẩm; mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình chăn nuôi tổng hợp, năm 2015, anh mạnh dạn thuê 3 ha đất làm muối kém hiệu quả, bỏ hoang của địa phương để xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, trừ chi phí, lãi 1 tỷ đồng” - anh Diện phấn khởi. Ngoài làm kinh tế giỏi, CCB Phan Đình Diện còn là điển hình trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.Xem chi tiết tại đây 
 
Hà Tĩnh giúp Lào triển khai dự án thủy lợi tại Khăm Muộn đảm bảo tiến độ, chất lượng – Tác giả Bá Tân: Sáng 12/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì tiếp, làm việc với đoàn cán bộ Cục Thủy lợi – Bộ Nông lâm nghiệp Lào và tỉnh Khăm Muộn. Trưởng BQL các dự án thủy lợi sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam Vivylay Xaynhanhon bày tỏ lời cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam trong những năm qua đã viện trợ cho Chính phủ Lào nhiều dự án về thủy lợi và hiện nay đang triển khai dự án thủy lợi huyện Nỏng Bốc, tỉnh Khăm Muộn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định, Hà Tĩnh xác định đây là một dự án quan trọng, có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội và làm thắt chặt thêm quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Lào nói chung, giữa tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Khăm Muộn nói riêng. Xem chi tiết tại đây

2.Báo thôn ngày nay (Dân Việt điện tử) đăng các tin, bài:

Muốn phát triển, doanh nghiệp phải “đá cặp” với nông dân – Tác giả Hà Vũ: Tại buổi gặp gỡ, trao đổi mới đây với gần 30 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường bày tỏ mong muốn các DN là những con chim đầu đàn về ngành chăn nuôi sẽ trở thành rường cột cho một tổ chức sản xuất nông nghiệp lớn, hiện đại; ở các lĩnh vực khác cũng rất cần những DN đầu tàu, đi tiên phong trong việc hình thành tổ chức sản xuất theo chuỗi, trong đó gắn kết chặt chẽ với nông dân, hợp tác xã để tạo ra những mặt hàng nông sản có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao. Bộ trưởng nhấn mạnh: để phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, quy mô lớn; phải xác định liên kết với DN dù rất vất vả, giá thành cao trước mắt, nhưng vẫn phải làm. Nếu liên kết với nông dân, khách nước ngoài đến thăm sẽ chấm điểm cao hơn. Đó là cái lợi về chiến lược. Xem chi tiết tại đây


Ngoạn mục vùng chuyên canh đạt 2 tỷ đồng/năm – Tác giả Hải Đăng: Đến thời điểm này, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã có 16/20 xã đạt chuẩn NTM; phấn đấu cuối năm 2016 đạt chuẩn huyện NTM. Các xãã đã triển khai đầu tư cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, cải tạo kênh mương, GTNĐ, phát huy lợi thế đất đai để sản xuất nông nghiệp. Như xã  Văn Đức, được xem là điểm sáng trong phong trào xây dựng NTM, là vựa rau của huyện Gia Lâm vừa vinh dự đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới thăm. Xã phát triển mô hình trồng rau an toàn theo hướng chuyên canh, đến nay diện tích đã tới 285ha. Thương hiệu rau an toàn Văn Đức đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, thu nhập của nông dân cũng tăng nhanh. Hay xã Yên Viên giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt tới 2 tỷ đồng/ha/năm... Xem chi tiết tại đây

Vắt sữa bò bằng máy - vừa sạch vừa tiết kiệm – Tác giả Trần Đáng: Thực hiện đề án: “Tăng cường trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa ngành chăn nuôi bò sữa năm 2016”, mới đây, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM (TTKN) đã tổ chức bàn giao hàng trăm máy móc, thiết bị trong chăn nuôi bò sữa cho nông dân (ND) huyện Củ Chi. Trong đợt này, có 110 hộ ND  được nhận máy móc - thiết bị. Các thiết bị, máy móc bao gồm: 58 máy vắt sữa đơn, 8 thiết bị rửa máy vắt sữa, 305 bình nhôm chứa sữa, 8 máy băm thái cỏ và 7 hệ thống làm mát chuồng trại, tổng trị giá trên 2 tỷ đồng. Trong đó, TTKN trợ giúp ND 50% kinh phí mua máy, số còn lại ND chi trả trực tiếp cho nhà cung cấp.  Thời gian tới, huyện Củ Chi khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, sản xuất quy mô lớn để dễ kiểm soát dịch bệnh, dễ thu mua. Xem chi tiết tại đây

3.Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng các tin, bài:   

Xây dựng NTM ở Thanh Hóa: Dấu ấn 34 “mạnh thường quân”- Tác giả Việt Khánh: Vừa qua, VPĐP NTM tỉnh Thanh Hóa tổ chức HN ‘Sơ kết tình hình theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ các xã, thôn bản xây dựng NTM 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm và triển khai chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020”. Nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của ngành nông nghiệp trong quá trình hưởng ứng phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM, VP đã phân công nhiệm vụ cho 34 đơn vị trực thuộc theo dõi, hướng dẫn và giúp đỡ 28 xã và 10 thôn, bản đăng ký đạt chuẩn trong năm. Quá trình thực hiện, các đơn vị đã chủ động thành lập tổ giúp việc, công tác, phân công cụ thể, kịp thời hướng dẫn địa phương. Không chỉ tập trung hỗ trợ kinh phí, một số đơn vị còn hỗ trợ hiện vật thiết thực như cây trồng, tài liệu kỹ thuật.... Xem chi tiết tại đây

Bình Phước: Hỗ trợ 54 nghìn tấn xi măng làm đường GTNT- Tác giả B Phước: BCĐ NTM tỉnh Bình Phước cho biết đã chi ngân sách hỗ trợ đầu tư nguyên vật liệu để mua hơn 54 nghìn tấn xi măng làm đường GTNT cho các xã NTM. Trong đó giai đoạn 1 (đầu tháng 10) đã giải ngân trên 20 nghìn tấn. Theo Quyết định của UBND tỉnh Bình Phước quy định về cơ chế đầu tư đối với các công trình đặc thù thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2014-2020 sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ xi măng. Đối với các huyện, thị xã sẽ phải bỏ ngân sách mua cát và đá. Các chi phí khác do nhân dân tự nguyện đóng góp. Xem chi tiết tại đây

Đồng Nai: Gần 100% người dân nông thôn đã được sử dụng nước hợp vệ sinh – Tác giả M.Sáng: Sau gần 1 năm triển khai “Đề án cấp nước sạch nông thôn năm 2015 và giai đoạn 2016-2020”, tính đến t10/2016, cơ bản 100% người dân vùng nông thôn đã được sử dụng nước hợp vệ sinh, 60% người dân nông thôn sử dụng nước đạt chuẩn BYT. Hiện toàn tỉnh có 5 dự án được nghiệm thu và đưa vào sử dụng với tổng công suất trên 1000m3 ngày/đêm, phụ vụ cho 18,5 nghìn người; đồng thời đang thi công 2 công trình và chuẩn bị đầu tư 19 công trình. Xem chi tiết tại đây

Xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai đa mục tiêu – Tác giả Mạnh Tuấn: Bộ NN-PTNT vừa tổ chức HN “Triển khai xây dựng hệ thống trực quan cảnh báo thiên tai đa mục tiêu”. Việc triển khai đề án nhằm thiết lập hệ thống truyền tin cảnh báo động đất và sóng thần trực tiếp đến người dân, đồng thời nâng cao khả năng chỉ đạo, chỉ huy ứng phó của các cấp khi có thiên tai. Ngoài ra, hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu còn hướng tới việc cung cấp thông tin thời tiết xấu đến từng cá nhân qua thiết bị liên lạc cá nhân, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai. Đề án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 thực hiện tại 13 tỉnh, thành phố ven biển từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa – Vũng Tàu với 532 trạm cảnh báo; giai đoạn 2 tiếp tục xây dựng 251 trạm trực canh tại những tỉnh còn lại. Xem chi tiết tại đây

Nuôi bò sữa VietGahp – Tác giả Tân Yên: Để đáp ứng xu thế về chăn nuôi nhằm phát triển chăn nuôi một cách bền vững đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc sản phẩm, từ tháng 12/2013, tiêu chuẩn VietGahp trong chăn nuôi đã được triển khai đồng bộ trên toàn bộ quy trình chăn nuôi của các hộ nuôi bò sữa tại Mộc Châu. Lợi ích lớn nhất từ việc áp dụng VietGahp trong chăn nuôi bò sữa là tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, ngăn ngừa và hạn chế các rủi ro từ mối nguy cơ gây ô nhiễm, đảm bảo tính minh bạch, tạo cho người lao động có ý thức làm việc theo các quy chuẩn để tạo ra sản phẩm an toàn. Xem chi tiết tại đây

Tổng hợp: Minh Tâm