Điểm tin báo chí ngày 19 tháng 9 năm 2016

Điểm tin báo chí ngày 19 tháng 9 năm 2016
Trong ngày 19/9/2016, các báo: Hà Tĩnh, Nông thôn ngày nay (Dân Việt điện tử), Nông nghiệp Việt Nam có các tin, bài phản ánh những thông tin nổi bật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới.

1/ Báo Hà Tĩnh đăng các tin, bài:

Hối hả thu hoạch lúa hè thu “chạy lụt”... – Tác giả Nguyễn Oanh:  Trời vừa hửng, từng đoàn người vội vã ra đồng. Những chiếc máy gặt đập liên hợp giờ là “vị cứu tinh” của mùa màng, ầm ù chạy không kể thời gian. Từng thửa ruộng dần dần được giải phóng, khắp nơi bà con nông dân Hà Tĩnh đang hối hả gặt lúa chạy lụt... Ở Cẩm Xuyên, những cánh đồng như một công trường lớn. 159 máy gặt đập của địa phương và cả chục cái được thuê từ nơi khác đến được huy động ra đồng. Chỉ trong ngày đầu sau trận mưa lớn ra quân thu hoạch, Cẩm Xuyên đã thu gọn gần 1.000 ha. Đến hết ngày 16/9, toàn huyện thu hoạch xong 40% diện tích và đến 20/9 sẽ hoàn tất thu hoạch. Từ Hương Sơn đến Đức Thọ, đi đến đâu cũng nhìn thấy cảnh gặt, phơi lúa. Bà con muốn tận dụng hết những ngày nắng để hoàn thành công việc đồng áng trước khi mưa bão về. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 10.000 ha, đạt gần 25% diện tích. Quan điểm của ngành nông nghiệp vẫn là tập trung cao cho thu hoạch. “Xanh nhà hơn già đồng”, các địa phương cần huy động lực lượng, máy móc thu hoạch gọn lúa hè thu trước 25/9 tới.
 
Vốn tín dụng “tiếp sức” phát triển tàu xa bờ - Tác giả Tuệ Anh, Mai Thủy: Hơn 2 tháng triển khai Quyết định 1822/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhiều ngư dân đã tiếp cận chính sách vay vốn hỗ trợ lãi suất; những con tàu xa bờ đang được đóng mới và các ngư lưới cụ hiện đại đang được sắm sửa từ sự tiếp sức kịp thời này. Tuy nhiên, để được hỗ trợ số tiền lớn từ ngân sách cho tàu xa bờ theo chính sách của tỉnh, việc đầu tiên chủ tàu cần phải lo đó là huy động cho được nguồn vốn để thực hiện phương án đầu tư sản xuất. Cho vay đóng tàu xa bờ theo Quyết định 1822 trên phạm vi toàn tỉnh bước đầu đã đạt dư nợ trên 2 tỷ đồng với 4 hộ ngư dân. Hiện các ngân hàng đang tiếp tục thẩm định, hoàn thành thủ tục vay vốn cho hàng chục khách hàng khác. Lộc Hà - nơi có nhu cầu vay vốn đóng tàu xa bờ khá cao, cộng với sự đồng hành tích cực, hiệu quả của cả ngân hàng và chính quyền các cấp - đang là địa phương có số hộ vay và dư nợ cao nhất.
 
Dồn sức hoàn thành kê khai thiệt hại do sự cố môi trường – Tác giả Trọng Tuệ: Sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh chủ trì cuộc họp giao ban UBND tỉnh để nghe các nội dung chuẩn bị trình Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XVII; kết quả kê khai thiệt hại do sự cố môi trường. Về tình hình khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, công tác kê khai, xác định thiệt hại do sự cố môi trường đã được UBND tỉnh kịp thời triển khai chính sách của TW và ban hành các chính sách của tỉnh để hỗ trợ người dân trong vùng bị ảnh hưởng ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Sản lượng hải sản khai thác được thu mua và tiêu thụ hết; giá bán sản phẩm đang tăng dần; tình hình NTTS trên địa bàn tỉnh đang tiến hành bình thường. Tính đến 18/9, phạm vi kê khai, xác định thiệt hại, gồm: 367 thôn, xóm thuộc 62 xã, phường của 7 huyện, thị xã, thành phố. Số lượng kê khai thiệt hại bước đầu: 5.804 tàu cá; 1.007,46 ha ao hồ NTTS; 68.297m3 nuôi lồng bè; 57.785ha sản xuất muối; 26.953 lao động bị ảnh hưởng. Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh yêu cầu: Về kết quả kê khai thiệt hại do sự cố môi trường, các địa phương đẩy nhanh tiến độ kê khai, xác định thiệt hại nhưng phải đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, đối tượng, nhất là có sự giám sát của đảng viên, người dân.
 
“Giúp dân là giúp chính mình” – Tác giả Văn Lý: Cùng với việc làm tốt nhiemj vụ giữ vững chủ quyền an ninh trên 2 tuyến biên giới, bờ biển, lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh còn tích cực giúp các địa phương xây dựng NTM. Hàng chục ngàn ngày công của cán bộ, chiến sĩ và hàng chục tỷ đồng quyên góp, kêu gọi các nhà tài trợ đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nhiều làng quê. Sau khi đỡ đầu Sơn Kim 1 về đích vào cuối năm 2014, năm 2015 BĐBP tỉnh tiếp tục đăng ký nhận đỡ đầu 2 xã miền núi: Sơn Kim 2 (Hương Sơn) và Hương Vĩnh (Hương Khê). Ngoài ra BĐBP tỉnh còn hỗ trợ các địa phương khác. Đại tá Võ Trọng Hải – Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh khẳng định: “Bài học lớn nhất mà chúng tôi muốn giáo dục người lính trong việc cùng nhân dân chung sức xây dựng NTM chính là xây dựng lòng tin của dân với BĐBP, tăng cường đoàn kết quân – dân, giúp dân là giúp chính mình...”
 
2/Báo thôn ngày nay (Dân Việt điện tử) đăng các tin, bài:

Tập trung hỗ trợ nông dân xây dựng kinh tế hợp tác – Tác giả Thu Hà: Sáng 17.9 tại Hà Nội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam làm việc với T.Ư Hội NDVN. Chủ tịch Ban Chấp hành (BCH) T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) Lại Xuân Môn khẳng định, đây là dịp để Hội NDVN báo cáo những kết quả đã đạt được trong công tác hội và phong trào ND, đồng thời kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước các vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ ND. Thực hiện Kết luận số 61/2009 của Ban Bí thư, đến hết tháng 8.2016, Quỹ HTND các cấp đạt 2.192,8 tỷ đồng, giúp trên 380.000 lượt hộ vay vốn phát triển sản xuất thông qua 2.807 mô hình kinh tế hợp tác. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân đã gợi ý 7 vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống nông dân mà Hội NDVN cần tiếp tục quan tâm. Đó là, khó khăn trong xây dựng các mô hình kinh tế tập thể; tôn vinh nông dân giỏi, sáng tạo; an toàn thực phẩm; giám sát vật tư nông nghiệp; bảo vệ môi trường nông thôn; nguồn vốn cho nông dân phát triển sản xuất; chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho nông dân…Trong đó nhấn mạnh HND cần tập trung các giải pháp, nguồn lực hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác.

Lào Cai khắc phục thiệt hại nông nghiệp do mưa lũ: Cơ hội chuyển đổi sản xuất – Tác giả Việt Phương: Do ảnh hưởng của cơn bão số 1 và số 2, từ ngày 27.7 tới 10.8, trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, kèm theo dông lốc, sét đánh, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người, tài sản và sản xuất nông nghiệp. Vào ngày 16.8 giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và UBND tỉnh Lào Cai đã thống nhất kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất tại 2 xã Quang Kim và Cốc San: Cung cấp 100% giống và 50% phân bón đối với diện tích cây màu chuyển đổi sản xuất gồm 73,5ha ngô tẻ và 24ha khoai lang; cung cấp 100% con giống gồm 10.000 con gà ri lai và 30.000 cá giống để đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi. Ngày 17.9, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông Lào Cai tổ chức bàn giao 10.000 con gà giống, 30.000 cá giống cho 2 xã Quang Kim và Cốc San nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát biểu tại hội nghị bàn giao ngày 17.9, bà Hạ Thúy Hạnh nhấn mạnh: “Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ là cầu nối giữa người nông dân, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, để làm sao bà con nông dân nhận được sự hỗ trợ tốt nhất về mặt con giống, kỹ thuật để vực lại sản xuất”.

Từng mất trắng vì bão, vẫn thành tỷ phú nhờ... cá – Tác giả Đức Thịnh: Trước khi cơn bão số 1 xảy ra, gia đình ông Chiểu là hộ nuôi cá lồng bè lớn nhất tỉnh Thái Bình. Với 74 lồng bè, 6 tháng đầu năm 2016, ông Chiểu đã xuất bán được 270 tấn cá lăng, diêu hồng, chép giòn. Tuy nhiên sau khi bão số 1 đi qua, hơn 300 tấn cá, ước giá trị hơn 20 tỷ đồng dự kiến cuối năm thu hoạch mất trắng. Trải qua bao thăng trầm cùng nghề nuôi cá lồng bè đã rèn luyện cho ông sự rắn rỏi, bền gan vượt khó. Ngay sau bão, 2 vợ chồng ông cần mẫn cùng toán thợ đóng lại từng lồng bè chắc chắn, cẩn thận. Sau gần 2 tháng nỗ lực, đến nay ông Chiểu đã đóng lại 32 lồng cá, chi phí cho mỗi lồng gần 30 triệu đồng và tiếp tục thả giống.

Sau sự cố Formosa xả thải, tư thương buôn cá “ngồi trên lửa” – Tác giả Hữu Anh: Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa xả thải, ngư dân đánh bắt hải sản về không có người tiêu thụ, tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương hỗ trợ cho các chủ kho đông lạnh đứng ra thu mua hải sản giúp ngư dân. Tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã có Văn bản hỏa tốc số 1777 về việc tổ chức thu mua, kiểm nghiệm hải sản của ngư dân, đồng thời chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì phối hợp Sở NNPTNT, chính quyền địa phương kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, cơ sở thu mua hải sản thực hiện thu mua kịp thời, bảo quản hải sản đánh bắt của ngư dân ngay khi đưa vào bờ. Ngay sau đó, Sở Công Thương Hà Tĩnh còn lập đường dây nóng nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm của ngư dân. Tuy nhiên, đến nay hàng nghìn tấn tôm cá vẫn nằm im trong kho, khiến các tư thương đứng ngồi không yên.  Theo ông Hoàng văn Quảng – Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh: hiện trên địa bàn có đến 1.600 tấn hải sản thu mua theo chương trình kêu gọi, vận động, toàn bộ số hải sản này đang được cấp đông, không tiêu thụ được.

3/Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng các tin, bài:

Đông Triều xây dựng nông thôn mới tiên tiến – Tác giả Tân Yên: TX Đông Triều (Quảng Ninh) đang tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, tập trung và nâng chất tiêu chí NTM nhằm thực hiện thành công mục tiêu xây dựng mô hình NTM tiên tiến (NTTT). Từ năm 2014, TX Đông Triều đã chủ động nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM để đạt NTTT; năm 2014 có 22 thôn và năm 2015 có 68 thôn xây dựng mô hình điểm, vừa qua thẩm định 100%thôn đều đạt tiêu chí thôn NTTT. Năm 2016, Đông Triều tiếp tục triển khai tại 58 thôn với mục tiêu giai đoạn 2016-2020 xây dựng 138 thôn NTT. Công tác huy động nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng NTTT là rất lớn với tổng giá trị công trình trên 12 tỷ đồng. Người dân vào cuộc thực sự và thể hiện vai trò chủ thể “mình làm cho mình và mình hưởng thụ”. Ông Nguyễn Trung Dũng – Phó Chánh VPĐP NTM Đông Triều cho biết: Việc ddăng ký xây dựng thôn NTTT căn cứ vào nhu cầu vàTX hỗ trợ mỗi thôn 100 triệu đồng.

Dân bức xúc mất quyền sử dụng đất vì vướng quy hoạch nông thôn mới – Tác giả Hạnh Nhân: Đặc thù ở khu vực miền núi là trồng cây lâu năm trong vườn nhà. Khi quy hoạch các khu dân cư theo tiêu chí NTM, các nhà quy hoạch và chính quyền địa phương lại cho rằng đây là đất trồng rừng sản xuất khiến nhiều hộ dân ở xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bức xúc, vì lập hồ sơ giao đất nông nghiệp hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở đều không được. Theo UBND xã Hòa Phú, sở dĩ có tình trạng này là do gặp vướng mắc về quy hoạch NTM nên chưa giải quyết. Cụ thể, diện tích trồng cây lâu năm của xã nằm rải rác xen kẽ trong các khu dân cư trên địa bàn nhiều thôn, theo thực tế sử dụng và số liệu kiểm kê đất đai năm 2014 là 197,33ha, nhưng theo bản đồ quy hoạch NTM chỉ thê hiện tại 5 vị trí quy hạch khu dân cư với tổng diện tích 7,9ha. Cũng trên bản đồ quy hoạch NTM, ngoài các điểm quy hoạch khu dân cư, công trình công cộng, dự án quy hoạch... còn lại thể hiện 3 loại đất rừng và thể hiện đất xen lẫn trong các khu dân cư là đất trồng rừng sản xuất. Vì vậy, khi nhân dân có nhu cầu lập hồ sơ giao đất nông nghiệp và chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở là không được. UBND xã đã có văn bản đề nghị TP điều chỉnh lại bản đồ quy hoạch NTM của xã theo đúng bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo kiểm kê năm 2014 và thực tế sử dụng đất để thuận lợi cho việc quản lý và giải quyết hồ sơ giao đất của địa phương.

Việt Nam – Brazil đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp – Tác giả Lê Bền: Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Brazil. Tại buổi làm việc Bộ trưởng Blario Maggi đã có nhiều chia sẻ về bức tranh nền nông nghiệp của Brazil. Trên cơ sở thảo luận giữa Bộ Nông nghiệp hai nước, hai bên đã thống nhất trong thời gian tới sẽ triển khai cụ thể hợp tác về nông nghiệp thuộc 8 lĩnh vực gồm: SX mía đường; gỗ và chế biến gỗ; SX ngô, đậu tương; SX thức ăn chăn nuôi; cà phê; máy nông nghiệp; công nghệ nông nghiệp bền vững và sx hữu cơ; quản lý đa dạng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học bản địa.

Hà Tĩnh: Kê khai xong đối tượng ảnh hưởng sự cố môi trường biển – Tác giả Thanh Nga: 7/7 huyện, thị xã, TP chịu ảnh hưởng trực tiếp do sự cố môi trường biển đến nay đã cơ bản kê khai, xác định xong đối tượng bị thiệt hại. Kết quả thống kê xác định có 4.636 tàu cá; hơn 827ha ao, hồ và gần 25.000m3 nuôi lồng bè; 49.7ha làm muối; 33.149 lao động bị ảnh hưởng. Hiện tại còn 5 thôn thuộc TX Kỳ Anh (2 thôn thuộc xã Kỳ Hà và 3 thôn thuộc xã Kỳ Lợi) chưa thành lập Tổ rà soát, kê khai cấp thôn. Chính quyền thị xã đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại và làm việc với tại các thôn nhưng chưa có kết quả. Một thực trạng khiến người dân xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên bức xúc là trong khi người dân ven biển dang lâm vào hoàn cảnh khốn khó thì gạo “hỗ trợ khẩn cấp” lại đang chất đống trong UBND xã, lo ngại hư hỏng với lý do chủ tàu thiếu xác nhận của trạm kiểm soát của Nhượng. Trong khi nhiều tàu trong quá trình ra vào của lạch đã trình “sổ nữa'danh bạ thuyền viên tàu cá” để Đồn Biên phòng đóng dấu thì nhận được câu trả lời “tàu nhỏ nên ra vào lạch không cần sổ nữa”. Ông Hoàng Văn Ngọ - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc cho biết xã đã làm tờ trình lên huyện và huyện đã làm tờ trình lên tỉnh xin xem xét hỗ trợ cho bà con số gạo trên nhưng chưa nhận được hồi âm.

 
Tổng hợp: Minh Tâm