Điểm tin báo chí ngày 25 tháng 9 năm 2016

Điểm tin báo chí ngày 25 tháng 9 năm 2016
Trong ngày 25/9/2016, các báo: Hà Tĩnh, Nông thôn ngày nay (Dân Việt điện tử), Nông nghiệp Việt Nam có các tin, bài phản ánh những thông tin nổi bật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xây dựng nông thôn mới.

 


1/Báo Hà Tĩnh đăng các tin, bài:

Hàng trăm ha lúa ngã đổ, tiền tỷ đầu tư nuôi thủy sản bị trôi sông – Tác giả Anh Tấn: Đợt mưa lũ kéo dài hơn 10 ngày qua khiến hàng trăm diện tích lúa và hoa màu trên địa bàn Lộc Hà (Hà Tĩnh) bị ngập úng, gãy đổ. Đặc biệt, hàng tấn thủy sản nuôi lồng bè các hộ dân bị cuốn trôi, mất trắng... Có 201 ha diện tích lúa bị ngập úng và đổ gãy (trong đó có 50 ha ngập lâu ngày); có 300 ha diện tích hoa màu bị ngập nước có thể dẫn đến mất trắng. Đặc biệt, đêm ngày 23/9, do dòng nước từ thượng nguồn đổ về cuốn trôi tất cả khu nuôi cá lồng bè của HTX Hợp Lực và 3 hộ dân trong vùng, làm hàng trăm tấn thủy hải sản bị mất trắng. Riêng HTX Hợp Lực, ngoài 5 tấn cá hồng mỹ, 3 tấn cá vược, 0,5 tấn cá mú bị lũ cuốn thì còn thiệt hại 1,3 tỷ đồng tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng nuôi như: Lồng bè, máy phát điện, lưới ngư cụ, phao, máy sục khí...
 
Công ty CP Phát triển nông lâm Hà Tĩnh: Tiên phong trong đầu tư vào nông nghiệp – Tác giả Hoài Nam:  Nhiều người vẫn cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận ít, rủi ro nhiều nhưng những kết quả mà Công ty CP Phát triển nông lâm Hà Tĩnh đạt được đang chứng minh điều ngược lại. Đặc biệt hơn, doanh nghiệp còn “ẵm” thêm cúp vàng của Hội Nông dân Việt Nam cho sản phẩm chất lượng lợn giống ngay tại thời điểm hàng loạt khó khăn bủa vây. Năm 2015, doanh thu Công ty CP Phát triển nông lâm Hà Tĩnh đạt 123 tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra trong năm 2016 là 175 tỷ đồng; tính đến 20/9, tổng doanh thu của công ty ước đạt 128 tỷ đồng, với tốc độ gia tăng này thì đích đến của năm nay đang nằm trong tầm tay. Nhưng những năm gần đây, công ty đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong đó, lãi suất vay vốn ngân hàng đã “ngốn” hơn 4 tỷ đồng/năm; chế độ bảo hiểm xã hội mỗi năm “mất” gần 1 tỷ đồng; nhiều “ông lớn” trong ngành chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh khiến thị trường càng cạnh tranh gay gắt. Với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, Công ty đã từng bước đẩy lùi khó khăn, thách thức. Ngày 16/9 vừa qua, công ty vinh dự đón nhận “Cúp vàng chất lượng” cho sản phẩm lợn giống tiêu biểu năm 2015 do Bộ Nông nghiệp &PTNT và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng. Mục tiêu trước mắt công ty đặt ra là tăng đàn nái lên đến 4.500 con, đàn lợn thương phẩm lên 70.000 con, nhằm cung cấp cho các cá nhân, tổ hợp tác, HTX. Đồng thời, cung ứng 2.500 lợn hậu bị cho các trang trại. Năm 2017, Công ty CP Phát triển nông lâm Hà Tĩnh quyết tâm đạt mục tiêu thu nộp ngân sách trên 10 tỷ đồng; tăng thu nhập người lao động trên 6 triệu đồng (năm 2016 là 5,7 triệu đồng/người/ tháng)…

2/Báo thôn ngày nay (Dân Việt điện tử) đăng các tin, bài:

Xuất khẩu rau quả dự kiến đạt 2,5 tỷ USD – Tác giả Hà Vũ: Dự báo năm 2016, kim ngạch xuất khẩu (XK) rau quả sẽ cán mức 2,5 – 2,6 tỷ USD, có thể lần đầu vượt qua kim ngạch xuất khẩu lúa gạo. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, dự báo năm 2016 là năm đầu tiên, tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả cả năm có khả năng vượt tổng giá trị xuất khẩu gạo. XK rau quả tăng trưởng mạnh là nhờ nhiều thị trường có yêu cầu cao về tiêu chuẩn sản phẩm đã, đang và sẽ tiếp tục mở rộng cửa cho trái cây Việt Nam. Cụ thể, thanh long, chôm chôm, nhãn, vải thiều đã được phép XK sang thị trường Mỹ (5 tháng đầu năm XK khoảng 2.000 tấn, tăng 200% so với cùng kỳ 2015). Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện các loại rau quả của Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 nước và vùng lãnh thổ.

Thái Nguyên: 60.000 tấn xi măng/năm làm đường giao thông nông thôn – Tác giả Khánh Gia: Tỉnh Thái Nguyên đã áp dụng cơ chế hỗ trợ xi măng từ năm 2012 với số lượng 50.000 - 60.000 tấn/năm để thay đổi bộ mặt giao thông nông thôn ở địa phương. Để tạo thuận lợi cho các xã, Thái Nguyên còn thống nhất thực hiện thiết kế mẫu đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa xã, xóm. Trong giai đoạn 2011-2015, ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp được 2.055 tỷ đồng, ngoài ra nhân dân còn tự nguyện hiến 346,14ha đất để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc: Thị trường 20 tỷ đô có “dễ ăn”? – Tác giả Khải Huyền: Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) liên tục cảnh báo các doanh nghiệp (DN) phải thận trọng hơn khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Dẫu vậy, kim ngạch xuất khẩu cá tra, tôm Việt Nam sang thị trường này vẫn ngày một tăng. Theo một báo cáo đánh giá của VASEP, dự báo đến năm 2030, sản lượng thủy sản của Trung Quốc sẽ tăng 31%, chiếm 37% tổng sản lượng thủy sản thế giới. Với mức thu nhập tăng, nhu cầu thủy sản tăng, nhất là đối với thủy sản cao cấp, Trung Quốc có tiềm năng trở thành thị trường thủy sản trị giá 20 tỷ USD vào cuối 2020. Mặc dù Trung Quốc được đánh giá là thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng, giúp tháo gỡ sự bế tắc trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào một số thị trường lớn, tuy nhiên nhiều ý kiến cũng cho rằng DN cần thận trọng hơn khi đẩy mạnh xuất khẩu sang quốc gia này.

3/Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng các tin, bài: 

Giúp nông dân học nghề - Tác giả Khắc Điệp: Với mục tiêu nâng cao nhận thức, tay nghề, tăng thêm cơ hội việc làm, từ đó tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo... thời gian qua huyện Lục Yên (Yên Bái) đã triển khai có hiệu quả một số mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn. Huyện thường xuyên tạo điều kiện để Trường trung cấp nghề thu hút thêm người học, nâng cấp trang thiết bị, chất lượng giáo viên, liên kết với các trung tâm đào tạo nghề lớn trong và ngoài tỉnh, mời chuyên gia trong các lĩnh vực tham gia giảng dạy; người dân sau khi học tiếp tục được hỗ trợ vay vốn, kỹ thuật sản xuất và tìm đầu ra sản phẩm. Nhờ đó mà chất lượn đào tạo luôn được đảm bảo; hàng nghìn lao động ở địa phương được giải quyết việc làm, góp phần quan trọng trong việc giải bài toán việc làm và phát triển kinh tế nông thôn.

 
Tổng hợp: Minh Tâm