Bà Rịa Vũng Tàu: Tổ chức lại mô hình đánh bắt hải sản trên biển: Đi biển có đôi

Bà Rịa Vũng Tàu: Tổ chức lại mô hình đánh bắt hải sản trên biển: Đi biển có đôi
Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và từng bước nhân rộng mô hình tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển (ĐKĐBHS) nhằm nâng cao hiệu quả và hạn chế thiệt hại khi có sự cố xảy ra. Sự có mặt của những đội tàu đánh bắt hải sản trên những vùng biển xa bờ còn có ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia.

Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và từng bước nhân rộng mô hình tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển (ĐKĐBHS) nhằm nâng cao hiệu quả và hạn chế thiệt hại khi có sự cố xảy ra. Sự có mặt của những đội tàu đánh bắt hải sản trên những vùng biển xa bờ còn có ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia. 

 

Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Với đặc thù là phần lớn ngư dân làm nghề kéo đôi (giã cào đôi), có thời gian đi biển dài ngày, tiêu tốn nhiều nhiên liệu, vật tư trên biển, nên TP.Vũng Tàu là địa phương phát triển mạnh mô hình tổ ĐKĐBHS với tổng số 75 tổ. Là một trong 9 tổ trưởng tổ ĐKĐBHS của phường 5, ông Trương Văn Ri luôn ý thức rõ lợi ích của việc tổ chức đánh bắt trên biển theo mô hình tổ đội. “Nghề biển phải đối mặt với nhiều rủi ro. Ra khơi một mình đơn lẻ, nếu gặp luồng cá thì trúng lớn, nhưng chẳng may gặp nạn khi đó biết nhờ ai giúp đỡ. Nghĩ vậy nên tôi rủ mấy anh em hợp lại thành một tổ làm ăn cho có đôi, có bạn”, ông Ri bộc bạch. Cũng với cách nghĩ đó, khi được chính quyền địa phương vận động, anh Lê Văn Thái, chủ 2 tàu BV 7615TS, BV 99209TS ở phường 3 đã sốt sắng tham gia tổ ĐKĐBHS và còn vận động thêm nhiều chủ tàu khác cùng tham gia.

Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng hàng năm bà con ngư dân trong tỉnh vẫn tiếp tục đóng tàu ra khơi đánh bắt hải sản. Trong ảnh: Đóng mới tàu đánh bắt xa bờ tại phường 5 (TP. Vũng Tàu).

Các tàu trong tổ cùng ra khơi đánh bắt chung ngư trường và thường xuyên liên lạc với nhau để hỗ trợ nhau khi cần. Hoạt động được một thời gian trên biển, các tàu luân phiên chở sản phẩm khai thác về cảng để bán và tiếp nhận nhu yếu phẩm để tiếp ứng cho tàu đang hoạt động trên biển. Có trường hợp thay vì cắt cử tàu chở cá vào bờ, thì các tàu trong tổ lại chung nhau thuê một tàu vận tải làm việc này. Theo tính toán của Sở NN&PTNT, cách tổ chức đánh bắt theo mô hình tổ ĐKĐBHS làm giảm thời gian di chuyển và tăng thời gian bám biển cho đội tàu, giảm lượng dầu tiêu hao từ 500 – 900 lít/tàu/chuyến biển. Đồng thời, tăng chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác và tăng lợi nhuận từ 7-10%.

 

Đùm bọc nhau trên biển

Tham gia tổ ĐKĐBHS, các tàu cá không chỉ hỗ trợ nhau trong quá trình làm ăn, mà còn đỡ đần nhau khi gặp sự cố trên biển. Ông Phạm Thế Hiển, Chủ tịch Hội Nông dân phường 3 cho biết, trong tháng 7 vừa qua tàu của ông Hồ Ngôn, tổ trưởng tổ 2 mang biển số BV 5715 bị hư lốc máy, tàu của anh Trần Cương đã tự nguyện lai dắt về bờ an toàn. Hầu hết các cán bộ phụ trách hải sản ở các phường đều cho biết, việc vận động thành lập tổ ĐKĐBHS rất khó khăn vì bà con sợ “lộ” thông tin về ngư trường làm ảnh hưởng đến sản lượng; sợ phiền toái khi trong tổ có phương tiện bị sự cố; sợ phải họp hành, đóng góp kinh phí... “Thế nhưng, bây giờ chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau trên biển. Ai gặp sự cố gì đều được tàu bạn ứng cứu ngay”, ông Trương Văn Ri hào hứng nói. Theo lời kể của ông, thời gian qua nhiều lần tàu của ông đã cứu giúp tàu bạn khi bị hư hỏng máy móc, thiết bị trên tàu. “Kể cả tàu cá của các tỉnh bạn, hễ tàu nào bị hư hỏng máy móc thiết bị, nếu có phụ tùng mang theo chúng tôi đều sẵn lòng cho mượn. Còn trường hợp tàu gặp nạn chúng tôi luôn xác định cứu người là trên hết”, ông Trương Văn Ri nói.

Các thủy thủ tàu BV 99209TS chuẩn bị ngư cụ để ra khơi cùng với đội tàu trong tổ đoàn kết sản xuất trên biển.

Ở phường 5 (TP.Vũng Tàu), các tổ ĐKĐBHS còn có sáng kiến vận động các chủ tàu góp tiền để gây quỹ tương trợ. “Số tiền này không lớn nhưng cũng đủ để anh em ngư dân thăm hỏi nhau khi ốm đau, hữu sự. Những món quà nghĩa tình đó đã gắn kết họ với nhau hơn”, chị Trần Thanh Tuyền, cán bộ phụ trách hải sản phường 5 nói.

 

Làm chủ ngư trường xa

Sở NN&PTNT cho biết, trong 2 năm 2011- 2012 trên địa bàn tỉnh có 212 tàu đánh bắt xa bờ với 2.450 thuyền viên đăng ký tham gia hoạt động thường xuyên ở các vùng biển xa. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ có sự động viên, khuyến khích của Nhà nước, thời gian qua nhiều tàu đánh bắt hải sản của BR-VT vẫn bám sát những ngư trường xa. Trong thời gian đánh bắt hải sản ở ngư trường xa, các tàu thường xuyên tổ chức giao lưu với chiến sĩ trên nhà giàn DK1. Việc làm còn có ý nghĩa thắt chặt tình quân dân. Các thuyền trưởng cho biết, anh em thuyền viên rất phấn khởi khi được gặp gỡ giao lưu, trao đổi thông tin và học hỏi được nhiều điều từ các chiến sĩ trên nhà giàn. Các chiến sĩ trên các nhà giàn cũng rất vui mừng khi có anh em thuyền viên tàu đánh bắt hải sản ghé thăm, khi tàu về bờ họ gửi thư và tình cảm về với gia đình, người thân. Đối với các tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên, trong năm 2011 vừa qua, chỉ có 7 tàu cá được hỗ trợ với số tiền 528,5 triệu đồng. 

>> Theo báo cáo của Sở NN&PTNT trên địa bàn tỉnh hiện có 110 tổ ĐKĐBHS, trong đó nhiều nhất là TP.Vũng Tàu có 75 tổ, huyện Long Điền có 26 tổ và huyện Đất Đỏ có 9 tổ. Mỗi tổ ĐKĐBHS thường có từ 5-10 tàu được thành lập theo tiêu chí cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú.

Nhóm PV Kinh tế 
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu