Bắc Giang: Chăn nuôi bền vững nhờ biogas

Bắc Giang: Chăn nuôi bền vững nhờ biogas
Bên cạnh lợi ích về kinh tế, việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang nảy sinh nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khoẻ cộng đồng dân cư và ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Thực tế thấy, chương trình xây hầm khí sinh học biogas theo dự án nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP) được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm giúp ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững.

Để xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn, bà con nên xây dựng hầm biogas.

Huyện Việt Yên hiện có khoảng 10 trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp, cho hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng liên tục nhận được kiến nghị của nhân dân về tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trang trại này. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết người chăn nuôi chưa có ý thức tự giác trong việc bảo vệ môi trường; chưa có biện pháp xử lý chất thải lỏng hợp lý; thường xuyên vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi; hệ thống thoát nước không đồng bộ… Bà con thường chỉ xử lý chất thải bằng 3 cách: thải trực tiếp ra kênh mương, ao, hồ; ủ làm phân bón cho cây trồng; chỉ có số ít hộ xử lý chất thải bằng công nghệ khí sinh học (biogas).

Đối với chăn nuôi quy mô hộ gia đình, điển hình như ở xã Hoàng Ninh, trong số gần 100 hộ chăn nuôi quy mô 10 con/lứa trở lên thì chỉ có khoảng 10% số hộ xây hầm biogas, còn phần lớn phân chuồng và phụ phẩm từ chăn nuôi được thải trực tiếp ra các rãnh nước, đồng ruộng hoặc ao hồ mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào, khiến môi trường nước bị ô nhiễm trầm trọng.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, dự án QSEAP do Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang làm chủ đầu tư đã được triển khai tại một số địa phương trong tỉnh. Theo đó, hộ tham gia dự án được hỗ trợ xây hầm biogas với mức 1,2 triệu đồng/hầm, được tập huấn kỹ thuật và nghiệm thu mô hình theo tiêu chuẩn của ngành… Các mô hình trong dự án đã bộc lộ nhiều ưu điểm như tiết kiệm diện tích mặt bằng đáy, nguồn khí gas dồi dào, quá trình vận hành liên tục, bảo đảm an toàn, khí gas không bị rò rỉ..., đặc biệt là góp phần giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, từ đó nâng cao chất lượng, độ an toàn của sản phẩm chăn nuôi, nhất là góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Hương Giang

 

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn