Bạc Liêu: Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng

Bạc Liêu: Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng
Từ khi thực hiện mô hình nuôi tôm - cua - cá dưới tán cây rừng, nhiều hộ nhận đất khoán rừng đã vượt qua khó khăn và vươn lên khá giàu. Những hộ nông dân áp dụng mô hình này thu lợi nhuận từ 100 triệu đồng/năm trở lên.

 

Đối với mô hình tôm - cua - cá - rừng, tôm - cua - rừng, bà con nông dân nhận khoán rừng lựa chọn các đối tượng nuôi phù hợp để góp phần tăng hiệu quả kinh tế.

 

Mô hình tôm - cua - rừng với tổng diện tích hơn 8.000ha đa số nằm ngoài đê bao biển Đông - khu vực rừng phòng hộ. Tập trung ở các huyện Đông Hải 2.202ha, TP. Bạc Liêu 1.082ha, Hòa Bình 4.800ha. Các hộ canh tác theo mô hình thả tôm dưới tán rừng với mật độ từ 1 - 2 con/m2 mặt nước, thả cua từ 500 - 700 con/ha. Áp dụng quy trình nuôi thả thưa, lấy nước ra - vào theo thủy triều. Nếu không có điều kiện lấy theo thủy triều thì dùng máy bơm. Thời gian bắt đầu thu tỉa sau khi thả là khoảng 2,5 tháng, bổ sung giống tôm định kỳ từ 30 - 45 ngày/lần. Năm nay, hiệu quả từ mô hình này rất khả quan. Năng suất bình quân các loài thủy sản thu hoạch từ 400 - 500kg/ha/năm. Số hộ có lãi từ mô hình này là 95%, trung bình mỗi hộ lãi từ 30 - 40 triệu đồng.

 

Anh Nguyễn Văn Trường thu hoạch cua nuôi dưới tán rừng. Ảnh: M.Đ

 

Điển hình như hộ anh Nguyễn Văn Trường (ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình). Năm 2003, gia đình anh Trường nhận 3ha rừng phòng hộ và áp dụng mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng. Mỗi năm, anh thả tôm nuôi 4 đợt và mỗi tháng thả 1 đợt cua giống. Anh Trường thả nuôi 150.000 con tôm sú giống/đợt và 2.000 con cua biển giống/tháng. Hàng tháng, anh thả cua giống gối đầu. Sau 3 tháng nuôi, anh bắt đầu thu tỉa tôm, cua lớn để bán, bình quân 300.000 đồng/ngày, mỗi tháng được 9 triệu đồng. Như vậy, mỗi năm, trừ chi phí, anh còn lãi hơn 30 triệu đồng. Nhờ bảo vệ tốt rừng phòng hộ nên tôm - cua sống dưới tán rừng ít bị dịch bệnh; đồng thời rừng đước ngày càng phát triển. Anh Trường cho biết: “Mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng đã giúp gia đình tôi và nhiều hộ dân vùng ven biển thoát nghèo, có cuộc sống ổn định”.

 

Ông Nguyễn Văn Đước (ấp Canh Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) là người áp dụng mô hình sinh thái tôm - cua - rừng đạt hiệu quả và khẳng định tính bền vững của mô hình. Năm 2000, khi mô hình tôm - rừng đã bắt đầu phát triển, ông bắt tay vào xây dựng mô hình. Buổi đầu, việc áp dụng quy trình kỹ thuật cũng như kinh nghiệm thực tế còn hạn chế, thu hoạch tôm, cua, cá còn phụ thuộc vào thiên nhiên nên lợi nhuận chưa cao. Năm 2007, ông Đước mạnh dạn bỏ vốn cải tạo làm bờ bao khép kín, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cấp thoát nước. Với hơn 5ha mặt nước, ông thả tôm với mật độ 1 - 2 con/m2, cua với mật độ 500 - 1.000 con/ha (thả từ 6 - 8 đợt/năm). Tổng các chi phí đầu tư mô hình khoảng 80 - 90 triệu đồng/năm. Song, mỗi năm, ông lãi gần 150 triệu đồng.

 

Mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng là mô hình nuôi không bổ sung thức ăn, hình thức thu tỉa thả bù. Các hộ nhận khoán đất tận dụng mặt nước dưới tán rừng để nuôi nhằm tăng thêm thu nhập.

 

Để mô hình phát triển bền vững, người dân cần quan tâm bảo vệ rừng, không vì lợi ích trước mắt mà chặt phá rừng. Đồng thời, ngành chức năng cần xem xét việc cho phép tỉa thưa để giảm bóng râm và giảm lượng lá đước làm ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các hộ dân sử dụng điện nhằm giảm chi phí bơm tát. Có như vậy, mô hình nuôi tôm - cua dưới tán rừng mới mang lại hiệu quả kinh tế, mang tính bền vững, đảm bảo đời sống người dân.

 

Theo báo Bạc Liêu