Bài học từ mô hình trồng măng tây xanh

Bài học từ mô hình trồng măng tây xanh
Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống mới vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Đắk Nông kết hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư các huyện Tuy Đức, Đắk R'lấp, Đắk Song triển khai 3 mô hình trồng măng tây xanh với tổng kinh phí 209.745.500 đồng.
 
Mô hình trồng măng tây xanh ở thôn Thuận Nghĩa, xã Thuận Hạnh (Đắk Song).

Vụ đông xuân 2009-2010, mô hình trồng măng tây xanh được triển khai lần đầu tiên tại huyện Tuy Đức. Do chưa nắm chắc kỹ thuật ngâm ủ giống nên phần lướn lượng giống bị thối. Sang vụ đông xuân 2010-2011, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai mô hình này tại huyện Đắk R'lấp. Do chọn đất không phù hợp nên khi cây còn nhỏ, bộ rễ kém phát triển, sinh trưởng yếu. Đến vụ đông xuân 2011-2012, mô hình tiếp tục được triển khai tại Đắk Song. Rút kinh nghiệm từ 2 vụ trước, cán bộ kỹ thuật đã nắm vững kỹ thuật ngâm ủ giống và chọn đất phù hợp nhưng do chưa nắm bắt được tình hình sâu bệnh hại kịp thời nên mô hình cũng không thành công. Qua 3 năm triển khai thấy, măng tây xanh không phải là loại cây khó trồng, tuy nhiên để mô hình thành công và đi vào thực tiễn, cần chú ý những vấn đề sau:

Chọn đất: Đất thích hợp để trồng măng tây xanh là đất phù sa, đất xám, đất đỏ… Đất phải có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, không quá dốc để hạn chế xói mòn. Điều đặc biệt quan trọng là bộ rễ phải phát triển mạnh và sâu, nên chọn đất có mực nước ngầm dưới 1,2m để măng có thể phát triển tốt và không bị ngập úng.

Ngâm ủ giống: Vỏ măng tây rất cứng nên quá trình ngâm ủ giống diễn ra lâu hơn so với một số loại giống khác. Trong quá trình ngâm ủ phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp, khoảng 54 độ C (2 sôi + 3 lạnh) khi ngâm và 18 - 25 độ C khi ủ. Quá trình ủ hạt thường từ 7 - 10 ngày.

Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh: Khi mới trồng phải cắm cọc, giăng dây để chống đổ ngã cho măng. Đây là loại cây ưa nước, cần thường xuyên tưới nhưng phải thoát nước cho măng vào mùa mưa nếu không sẽ bị ngập úng. Măng tây mẫn cảm với các loại sâu bệnh hại, đặc biệt vào mùa mưa, các loại nấm bệnh có cơ hội phát triển; cần phun phòng trừ định kỳ 10 - 15 ngày/lần.

Nguyễn Thanh Nga

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn