Bí quyết làm giàu của một nông dân Khmer: Nghị lực vượt khó

Bí quyết làm giàu của một nông dân Khmer: Nghị lực vượt khó
Nhắc đến Lý Hường ở ấp Sa Bâu, xã Thuận Hòa (Châu Thành - Sóc Trăng), bà con Khmer và chính quyền địa phương ai cũng khâm phục tinh thần vượt khó thoát nghèo của anh. Vốn là hộ nghèo, sau nhiều năm tích cực trồng màu, gia đình anh đã có của ăn của để.

Ông Đào Minh Tài, Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết: "Lý Hường đúng là một nông dân chịu khó, giàu nghị lực, luôn biết cách vượt lên số phận để làm giàu. Điều đáng quý hơn là, những năm trước, khi còn thuộc diện hộ nghèo, xã xét tặng anh căn nhà theo Quyết định 167 nhưng anh không nhận mà nhường cho người khác, còn mình quyết tâm làm ăn để cất nhà. Hiện, anh cũng đã là chủ căn nhà trị giá hàng trăm triệu đồng. Cũng nhờ mô hình trồng màu của anh Hường mà người dân Sa Bâu có hướng làm kinh tế mới". 

Chúng tôi theo chân cán bộ xã đến nhà Hường đúng lúc anh chuẩn bị giống rau muống đem đi gieo trồng. Vừa lựa từng hạt rau muống đã nảy mầm, Hường vừa chia sẻ: "Nhờ nó mà cuộc sống của gia đình tôi mới khá giả như ngày nay. Hiện mỗi ngày, tôi thu hoạch 70 - 200kg rau muống, bán với giá 7.000 - 10.000 đồng/kg, thu từ 700.000 - 2 triệu đồng/ngày. Nhờ vậy, tôi mới có tiền mua đất, cất được căn nhà khang trang để ở và nuôi hai đứa con ăn học đàng hoàng". 

Nếu cứ nhìn vào cuộc sống trước đây, không ai nghĩ Hường sẽ có được ngày hôm nay. Lập gia đình, vợ chồng anh bôn ba khắp các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để làm thuê, làm mướn. Bao nhiêu năm vất vả với nghề làm thuê ở xứ người, anh vẫn không có đủ tiền để cất nhà ở đàng hoàng. Vợ chồng anh chỉ sống trong căn nhà lá được cất trên phần đất của người quen. 

Năm 2005, khi được chính quyền xã tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, anh quyết định trở về quê làm giàu trên mảnh đất anh đã sinh ra và lớn lên. Được cấp vốn làm ăn, anh xin cha mẹ khai phá 3 công đất hoang để trồng màu. Nhiều người cứ nghĩ, công sức của anh sẽ đổ ra sông ra biển nhưng sau nhiều năm làm thuê, anh cũng học hỏi được một số kinh nghiệm trồng màu. Anh Hường cho biết: "Lúc đầu, tôi không biết trồng gì nên trên 3 công đất, tôi trồng đủ thứ rau như: Xà lách, cải ngọt, cải xanh… Trong một lần gánh rau ra chợ Châu Thành bán, thấy cù nèo bán được giá mà lại ít người trồng nên tôi bàn với vợ ở trên bờ thì trồng rau còn ở dưới ao trồng cù nèo". Vừa nhổ, vừa trồng nên chỉ sau một năm, cù nèo đã phát triển đầy ao. Còn ở trên bờ, để đất không bị chai, anh đã đổi liên tục các loại cây màu như dưa leo, bí, rau muống… 

Khi mô hình trồng rau ở xã phát triển mạnh, tiêu thụ chậm, Hường đã đến Cà Mau, Bạc Liêu tìm đầu mối tiêu thụ. Hường cho biết: "Hơn 7 năm nay, trung bình mỗi ngày tôi cung cấp trên 200kg rau muống và cù nèo cho mối ở Cà Mau. Nếu mối cần số lượng trên 200kg rau/ngày, khoảng 2 giờ khuya là vợ chồng tôi đi cắt rau đem về lựa tới chiều giao lên xe. Chi phí trồng rau muống và cù nèo rất thấp vì ít tốn tiền phân bón, thuốc trừ sâu. Giá trên thị trường lúc nào cũng đứng ở mức 7.000 - 10.000 đồng/kg nên lợi nhuận rất khá". Theo anh Hường, việc trồng cù nèo không khó, quan trọng nhất là phải đảm bảo vệ sinh, đủ nước sạch thì cù nèo sẽ phát triển tốt. 

Nói đến sự cố gắng làm ăn thoát nghèo của vợ chồng anh Hường, bà con Khmer ở đây chỉ dùng hai chữ "chịu cực". Ông Sơn Ngọc Thu ở gần nhà Hường nói: "Trước đây, vợ chồng chú Hường sống rất cực khổ, nhà ở không khác gì cái chòi, thế mà giờ đã trở thành hộ giàu có của ấp. Hai đứa con trai cũng học giỏi, ngoan hiền. Sự vượt khó làm giàu của vợ chồng chú Hường đúng là đáng để biểu dương".

Với tinh thần chịu khó, ham học hỏi và mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên hiện nay, anh Hường đang đầu tư 1.000m2 để phát triển mô hình trồng rau an toàn để cung cấp cho siêu thị và quầy rau an toàn tại tỉnh Sóc Trăng. Với nỗ lực vượt khó làm giàu, Hường đã được tặng danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2011.

Lý Then
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn