Bình Định: Làm giàu nhờ biết kết hợp chăn nuôi và trồng trọt

 
Bình Định: Làm giàu nhờ biết kết hợp chăn nuôi và trồng trọtÔng Trung đang chặt bỏ những cành điều kém hiệu quả sau thu hoạch

Đó là ông Huỳnh Văn Trung – 52 tuổi ở thôn Phú Gia – xã Cát Tường – huyện Phù Cát – tỉnh Bình Định. Nhờ biết phát huy lợi thế đất đai của địa phương, cộng với bản tính cần cù, siêng năng, ông đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đai để làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Tấm gương chăn nuôi, sản xuất giỏi của ông Huỳnh Văn Trung đáng để mọi người khâm phục và học tập, noi theo.

Thu lãi 100 triệu đồng từ vườn điều

Năm 1995, ông được xã Cát Tường giao khoán 8,7ha đất vườn điều ở thôn Chánh Liêm, ngay sau đó ông và gia đình đã bắt tay vào cải tạo vườn điều: tỉa cành, tạo tán, phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, đồng thời chặt bỏ những cây kém hiệu quả để trồng lại cây mới và trồng thêm cây ở những khu vực còn đất trống… Rút kinh nghiệm qua thực tiễn sản xuất, đồng thời thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do các cấp Hội nông dân tổ chức, nên ông đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình thâm canh, chăm sóc, thường xuyên cải tạo đất và sử dụng các loại phân bón có hiệu quả; nhờ đó vườn điều của ông phát triển tốt và cho năng suất cao, ổn định. Hiện tại, vườn điều của gia đình ông Trung có 900 cây đang cho quả, với năng suất bình quân mỗi năm từ 8 đến 10 tấn hạt, với giá bán bình quân nhiều năm từ 19.000 – 20.000 đồng/kg, mỗi năm vườn điều đem lại cho gia đình ông thu nhập khoảng 160 triệu đồng, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công thu hoạch khoảng 60 triệu đồng, gia đình ông còn lãi khoảng 100 triệu đồng.

Không những đem lại cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể mà vườn điều của ông Trung còn tạo ra việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương lúc nông nhàn. Mỗi năm đến mùa thu hoạch, vườn điều của ông đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động trong thời gian 1 tháng, với mức thu nhập 120 nghìn đồng/người/ngày.

 

Ông Trung đang tắm cho heo.

 

Thu lãi gần 230 triệu đồng từ chăn nuôi heo và gà dưới tán điều

Nhận thấy diện tích đất dưới tán điều rất phù hợp cho việc chăn nuôi, nên bắt đầu từ năm 2005, gia đình ông Huỳnh Văn Trung đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi heo (lợn) và gà nhằm tăng thu nhập, đồng thời tạo nguồn phân chuồng tại chỗ để bón cho cây điều. Mỗi năm ông thả nuôi 3 lứa gà và 3 lứa heo, hết lứa này đến lứa khác. Mỗi lứa ông thả nuôi 3.000 con gà ta theo hình thức kết hợp giữa nuôi nhốt và nuôi thả, cho ăn thức ăn công nghiệp. Lúc gà còn nhỏ thì nuôi nhốt, đến khi gà khoảng 20 ngày tuổi thì ông thả trong vườn điều. Đối với đàn heo, ông nuôi 7 con heo nái để lấy giống, heo con đẻ ra ông đều để lại nuôi, đồng thời mua thêm con giống để duy trì đàn heo mỗi lứa 60 con và nuôi theo hình thức khép kín, xây dựng hầm biogas để lấy khí đốt phục vụ nhu cầu nấu nướng và đốt lò giữ ấm cho gà con.

Mỗi lứa gà và heo, ông thả nuôi trong vòng 100 ngày thì xuất bán. Gà đạt trọng lượng từ 1,5 – 1,7 kg/con, với giá bán ổn định ở mức 65.000đồng/kg, mỗi lứa gà sau khi trừ chi phí, gia đình ông còn lãi hơn 40 triệu đồng. Và mỗi con heo đạt trọng lượng khoảng 75 kg, với giá bán bình quân hàng năm 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí con giống và thức ăn, mỗi con heo ông thu lãi hơn 600 nghìn đồng, mỗi lứa 60 con heo, gia đình ông lãi trên 36 triệu đồng. Như vậy, riêng về chăn nuôi, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 230 triệu đồng, cộng với thu nhập từ cây điều, mỗi năm gia đình ông Trung thu lãi từ 300 – 400 triệu đồng, nhờ đó kinh tế của gia đình ngày càng phát triển, ông có điều kiện xây dựng nhà cữa khang trang và lo cho các con đầy đủ.

Ông Huỳnh Văn Trung chia sẻ: “Bản thân tôi thường xuyên tìm tòi, học hỏi những kinh nghiệm hay và những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, đồng thời rút kinh nghiệm qua thực tế nhiều năm, tôi nhận thấy để cho vật nuôi phát triển tốt thì quan trọng nhất là khâu chọn giống, con giống phải chuẩn, sạch bệnh và chất lượng; thứ hai là phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo định kỳ và thường xuyên tiêu độc, sát trùng vệ sinh chuồng trại”. Nhờ vậy, đàn gà và đàn heo của gia đình ông luôn phát triển tốt và rất ít dịch bệnh. Tại nhiều thời điểm, nhất là vào những đợt sau Tết nguyên đán, trong khi nhiều hộ chăn nuôi phải điêu đứng vì dịch cúm gia cầm bùng phát thì đàn gà của gia đình ông vẫn an toàn và phát triển tốt.

Trồng keo xung quanh vườn điều

Để tận dụng quỹ đất và tăng thu nhập, ông Trung còn đầu tư trồng 1,5ha keo lai trên diện tích đất xung quanh vườn điều, hiện vườn keo của ông đang phát triển rất tốt và đã được 3 năm tuổi, triển vọng sẽ cho nguồn thu nhập đáng kể khi khai thác.

Không những làm kinh tế giỏi mà ông Huỳnh Văn Trung còn rất nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm đối với những người xung quanh. Đã có rất nhiều người không những ở địa phương mà còn ở các huyện khác đến trang trại của ông để tham quan, học hỏi. Với vốn hiểu biết và kinh nghiệm của mình, ông luôn sẵn sàng chia sẻ để mọi người học tập áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả và thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, ông còn sống rất chan hoà với bà con lối xóm, được mọi người quý mến. Trong nhiều năm liên tục, ông được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, được chủ tịch UBND tỉnh và các cấp hội nông dân tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Trường Giang
Theo: khuyennongvn.gov.vn