Bình Định: Nuôi ong di động
- Chủ nhật - 23/08/2015 01:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhờ nghề nuôi ong lấy mật, mỗi năm anh Giang thu nhập vài trăm triệu đồng.
Nhờ nghề nuôi ong lấy mật, mỗi năm anh Giang thu nhập vài trăm triệu đồng.
Rong ruổi cùng ong
Lúc chúng tôi đến cũng là thời điểm anh Hoàng Trường Giang (37 tuổi, quê ở huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) đang tất bật với công việc kiểm tra đàn ong đã được anh di chuyển về xã n Hảo Đông, huyện Hoài n, tỉnh Bình Định để lấy mật keo rừng từ tháng 4 âm lịch đến nay.
Nhanh tay đậy thùng ong vừa kiểm tra xong, anh Giang mở tiếp thùng ong bên cạnh. Vừa làm anh vừa bảo công đoạn kiểm tra đàn ong là một trong những kỹ thuật căn bản để nuôi ong thành công. “Gia đình tôi có truyền thống nuôi ong, trước tôi có hai anh nữa. Năm 2001, tôi bắt đầu tách ra làm ăn riêng. Công việc thường ngày của người nuôi ong không quá vất vả, nhưng lại đòi hỏi tính cần cù, tỉ mẩn. Gió mưa, bão bùng vẫn phải “bám lều” sống cùng đàn ong, coi chúng như bạn, thì mới nuôi được”, anh Giang chia sẻ kinh nghiệm.
Để có được nguồn mật ngon, chất lượng và đảm bảo đủ lượng mật thu về, các chủ ong thường phải di chuyển những thùng ong đến các vườn hoa, vườn cây khác nhau từ miền Bắc cho tới Miền Trung hay lên Tây Nguyên. Ông Nguyễn Văn Hải (40 tuổi, ở xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) thâm niên 12 năm trong nghề nuôi ong, cho biết: “Cứ vào tháng 10 âm lịch hàng năm là tôi di chuyển đàn ong của mình lên Tây Nguyên để lấy mật cao su lá già, đầu tháng 12 thì lấy mật hoa cà phê, đến tháng 2, tháng 3 lại cho ong lấy mật cao su lá non; nếu lấy chưa đủ mật thì có thể di chuyển đàn ong ra tỉnh Bắc Giang hay Hải Dương đón vụ hoa vải. Đến cuối tháng 3 tiếp tục trở lại Tây Nguyên lấy mật hoa cao su hoặc mật hoa keo. Từ cuối tháng 7 đến hết tháng 9 trở đi là giai đoạn nuôi dưỡng ong để chia đàn, chuẩn bị cho vụ nuôi mới”. Cũng theo ông Hải, huyện Hoài Nhơn hiện đứng đầu về số lượng người nuôi ong, ước khoảng 200 hộ tập trung ở các xã: Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Phú, Hoài Tân. Đến mùa mật các công ty thu mua, chủ yếu ở phía Nam, mang xe đến tận vườn thu mua. Mùa ong năm ngoái từ tháng 10 đến tháng 5 âm lịch, ông Hải thu lãi 600 - 700 triệu đồng.
Nghề nuôi ong di động không chỉ đơn thuần đưa ong đến hay đưa ong về là xong, bởi việc di chuyển đàn ong luôn chứa đựng nhiều rủi ro, ong có thể bị chết ngộp trong tổ nếu thời tiết quá nóng. Vì thế, các chủ ong thường di chuyển đàn ong trong đêm, vì lúc này ong đã về tổ ngủ, không bị phân tán đàn và không khí cũng mát mẻ hơn. Trước khi di chuyển đàn ong, họ phải đi tiền trạm, để biết chỗ nào khí hậu mát mẻ, môi trường xung quanh thuận lợi, hoa lắm mật và thương lượng trước với chủ rừng đồng ý cho đàn ong đến cư ngụ.
Nghề cho thu nhập cao
Dọc ĐT 629 từ huyện Hoài Nhơn lên huyện An Lão, chúng tôi quan sát thấy có hơn 10 điểm nuôi ong Ý (giống ong ngoại - PV) lấy mật. Theo các hộ này, so với ong thường thì nuôi ong Ý có năng suất và chất lượng mật cao hơn; quan trọng là loài ong này ít bỏ đàn nên cũng dễ nuôi hơn.
Theo anh Giang, muốn nuôi tốt ong Ý, người nuôi chỉ cần nắm được kỹ thuật, chịu khó, kiên trì là có thể nuôi được, đặc biệt phải chú ý đến quá trình sinh trưởng và phát triển của các đàn ong bởi đây là thời điểm đàn ong dễ bị nhiễm bệnh thối ấu trùng mỗi khi thời tiết chuyển mùa. Nếu làm tốt các công đoạn từ chăm sóc, di chuyển, thu nhập mang lại từ nghề này khá cao. Anh nhận xét: “Một tổ ong Ý có thể sản xuất ra từ 10 - 12kg mật/năm. Từ khi di chuyển đàn ong 500 tổ của mình từ tỉnh Phú Thọ về huyện Hoài n đến nay tôi đã lấy được 4 lần, thu hơn 4 tấn mật. Với giá bán trung bình từ 48.000 - 50.000 đồng/kg mật, trừ mọi chi phí, tôi lãi hơn 95 triệu đồng trong hơn 3 tháng qua. Nếu tính bình quân thì thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng”.
Bên cạnh việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, nghề nuôi ong lấy mật còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Trung bình cứ 200 tổ ong thì cần một lao động để chăm sóc. Như cơ sở nuôi ong của ông Nguyễn Văn Hải, ngoài 500 tổ nuôi tại xã n Hảo Đông, ông còn nuôi hơn 700 tổ tại xã Hoài Tân (huyện Hoài Nhơn), thuê 6 lao động tại địa phương, trả lương 4 triệu đồng/người/tháng.
“Ðối với những người làm nghề nuôi ong di động, ngành kiểm lâm không quản lý nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu các chủ rừng khi hợp đồng cho thuê rừng (keo) với những người nuôi ong phải cam kết đảm bảo các yếu tố về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng”. (Ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh)
Nguồn tin: Báo Bình Định