Cải thiện nguồn nước sạch trong tiến trình xây dựng nông thôn mới

Cải thiện nguồn nước sạch trong tiến trình xây dựng nông thôn mới
So với bình quân chung của cả nước, các chỉ tiêu về nước sạch của Hà Tĩnh còn thấp (đến hết năm 2011, tỷ lệ người sử dụng nước hợp vệ sinh mới đạt 74,6%, trong đó người sử dụng nước đạt quy chuẩn QC02 chỉ chiếm 62,04%) nên đã ảnh hưởng nhất định đến quá trình thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh.


Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh, tuy chưa có đánh giá cụ thể nhưng thống kê sơ bộ tại 48 xã điểm nông thôn mới (1 của trung ương (xã Gia Phố) và 47 xã điểm của tỉnh), cho thấy: tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh và sử dụng nước đạt quy chuẩn nhiều xã chưa đạt yêu cầu theo CTMTQG xây dựng NTM (85% hộ dân được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia).

Cải thiện nguồn nước sạch trong tiến trình xây dựng nông thôn mới
Nước sạch về làng đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho các vùng nông thôn. Ảnh: Xuân Hồng

Là cánh tay nối dài của ngành NN&PTNT trong lĩnh vực cấp nước sạch, Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Hà Tĩnh đã sớm nhận thức vai trò, vị trí của mình trong việc tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM. Theo đó, trên cơ sở nguồn vốn từ CTMTQG NS&VSMTNT, vốn vay từ Ngân hàng chính sách và xã hội và huy động nội lực đóng góp của nhân dân, trong 2 năm 2010 và 2011, Trung tâm đã xây dựng 8 công trình cấp nước tập trung và 71 công trình nhỏ lẻ theo hướng ưu tiên cho các xã điểm xây dựng NTM của trung ương, của tỉnh và của huyện, đồng thời tập trung giải quyết những bức xúc về nhu cầu sử dụng nước sạch ở một số địa phương còn gặp khó khăn do nguồn nước bị ô nhiễm xăng dầu, nhiễm mặn, nhiễm phèn…

Tiểu biểu trong số đó là 7 công trình cấp nước tập trung đã đưa vào sử dụng ở các xã: Vĩnh Lộc, Tiến Lộc, Khánh Lộc (Can Lộc), Đức Lạng, Đức Nhân (Đức Thọ), Thạch Long, huyện Thạch Hà), Gia Phố (Hương Khê) và Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh). Các công trình cấp nước tập trung đó đã giải quyết nguồn nước cho hàng chục ngàn hộ dân nông thôn, góp phần quan trong trong việc nâng cao tỷ lệ người dùng nước đạt quy chuẩn theo CTMTQG xây dựng NTM.

Không ngừng nỗ lực cải thiện nhu cầu dùng nước sạch nông thôn, trong tháng 12 - 2011 vừa qua, Trung tâm tiếp tục khởi công xây dựng công trình cấp nước tập trung xã Thiên Lộc và đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị khởi công (dự kiến đầu năm 2012) thêm 3 công trình cấp nước tập trung ở các xã điểm trong xây dựng NTM của tỉnh và huyện gồm: công trình cấp nước xã Thạch Sơn (Thạch Hà), công trình cấp nước xã Sơn Châu (Hương Sơn) và mở rộng công trình cấp nước xã Yên Hồ (Đức Thọ). Ngoài ra, đơn vị cũng đang tổ chức khảo sát, điều tra, họp dân lấy ý kiến để tiến hành lập dự án công trình cấp nước tập trung xã Hương Trà (Hương Khê) và công trình cấp nước tự chảy xã Kỳ Lạc (Kỳ Anh).

Cải thiện nguồn nước sạch trong tiến trình xây dựng nông thôn mới
Khởi công công trình cấp nước sạch tập trung cho xã NTM Thiên Lộc (Can Lộc)

Nước sạch về làng đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho các vùng nông thôn, đưa tỷ lệ người dùng nước hợp vệ sinh đến hết năm 2011 lên 74,6% (tăng 4,8% so với năm 2010), đồng thời làm giảm thiểu các loại dịch bệnh liên quan đến nguồn nước như: tiêu chảy, đau mắt hột, bệnh phụ khoa. Đặc biệt, gắn với công tác thông tin - giáo dục - truyền thông đã làm thay đổi nhận thức của người dân về tầm quan trọng của nước sạch nông thôn đối với đời sống và sức khoẻ con người, hiểu rõ về chương trình nước sạch trong xây dựng NTM để từ đó tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí xây dựng công trình.

Phát huy kết quả đạt được, tiếp tục đồng hành với Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà thực hiện Chương trình xây dựng NTM và với tâm thế của những người vững bước tiên phong trong lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn, trong năm 2012, Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Hà Tĩnh tập trung khởi công và đẩy nhanh tiến độ 5 công trình cấp nước tập trung theo CTMTQG NS&VSMT nông thôn gắn với xây dựng NTM và 1 công trình cấp nước tập trung (xã Thạch Bằng – Lộc Hà) từ nguồn vốn ADB.

Đồng thời, Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh cũng phối hợp với các địa phương, đơn vị chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng khoảng 6.000 công trình cấp nước phân tán (chủ yếu bằng nguồn vốn của người dân); tổ chức khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ thiết kế và xây dựng khoảng 40 công trình cấp nước và vệ sinh cho các trường học, trạm xá, trụ sở UBND xã và chợ nông thôn…

Theo Hà Tĩnh online