Cán bộ không được nói suông
- Thứ bảy - 24/03/2012 01:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Triệu Tài Vinh tâm sự:
Hà Giang là tỉnh nghèo nhất nước. Cái nghèo dẫn đến nguồn lực đầu tư cho NTM nói riêng và kể cả các lĩnh vực khác như kinh tế xã hội đều rất khó khăn. Một khó khăn nữa là mặt bằng trình độ dân trí ở đây không được cao như nhiều nơi. Sự nhận thức của người dân về những chỉ đạo chung, trong đó có chỉ đạo về NTM cũng là một rào cản trước mắt. Bên cạnh đó, tập quán của bà con sống rất thưa thớt nên việc quy tụ dân cư làm NTM vẫn có thể thực hiện được, song đòi hỏi nguồn lực đầu tư cao. Nhưng nếu giữ mãi nếp nghĩ phải có tiền mới làm NTM, ít tiền thì thôi đến bao giờ cuộc sống của người dân mới được cải thiện.
Tỉnh giàu có cách làm của tỉnh giàu, tỉnh nghèo có cách riêng của tỉnh nghèo, quan trọng mình phải huy động được toàn hệ thống chính trị từ cán bộ, người dân đến các DN cùng bắt tay vào cuộc thì việc gì rồi cũng sẽ xong.
Vậy, Hà Giang có cách làm hay nào trong việc huy động toàn thể hệ thống chính trị cùng vào cuộc chung tay xây dựng NTM?
Mình phải đổi mới công tác đánh giá cán bộ thông qua dư luận xã hội. Anh mà vào cuộc và làm thật, dứt khoát dư luận tốt, nếu anh không làm chắc chắn dân chẳng ai khen. Về huy động nguồn lực từ DN, trước hết phải khẳng định, DN nào cũng có lòng hảo tâm, DN nào ăn nên làm ra đều muốn làm an sinh xã hội, ngay cá nhân mình cũng thế thôi. Vấn đề ở đây là sự ghi nhận như thế nào, cách nào để ghi nhận công sức đóng góp của người ta. Theo tôi, nhất thiết người đứng đầu phải vào cuộc.
Ví dụ, bây giờ nếu huyện Hoàng Su Phì quy tụ đưa dân ra biên giới và thành lập các mô hình điểm, tôi chắc chắn sẽ có rất nhiều DN sẵn sàng cho nhà văn hóa, cho chợ, cho nhà dân... Vấn đề là người đứng đầu huyện phải biết cách huy động và cơ bản phải thông tin đầy đủ, minh bạch và biết cách ghi nhận người ta.
Ông có thể nói chi tiết, cụ thể hơn?
Hiện nay, tất cả các huyện trong tỉnh Hà Giang đều đã triển khai cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng NTM. Huyện ít cũng huy động được 7 đến 8 tỷ, huyện nhiều tới vài chục tỷ. Huy động sức dân, huy động cán bộ Đảng viên, DN với Hà Giang không cứng nhắc chỉ là tiền mặt. Các đơn vị đoàn thể có thể hỗ trợ bất cứ thứ gì họ có; có thể bằng cái máy đầm, máy cuốc, bằng vật liệu xây dựng hay cho mượn xe ô tô tải chúng tôi đều ghi nhận và trân trọng. Vì khi cộng tất cả các nguồn lực này lại là rất lớn.
Ví dụ, ở thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì có cách huy động rất hay là mỗi đầu xe tải trên địa bàn ủng hộ một xe cát đá sỏi, toàn trị trấn có khoảng 100 đầu xe là đã có mấy trăm khối cát đá sỏi rồi, có DN lại cho mượn máy cuốc, máy trộn bê tông cả tháng trời để làm, DN kinh doanh xăng dầu hỗ trợ nhiên liệu, người dân bỏ ngày công, Đảng viên mỗi người góp một ngày lương... Tiền là đấy, nguồn lực để xây dựng NTM chính là đấy, đâu nhất thiết phải “đao to búa lớn”.
Bản thân Hà Giang cũng đã xác định, việc huy động nguồn lực xã hội hóa là kim chỉ nam để thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Phải khẳng định sức dân là chủ yếu, tất cả các tiêu chí phải đưa sức dân lên trước, vấn đề cơ chế, hỗ trợ của Nhà nước tính sau. Khi dân cần cái gì thì mình hỗ trợ cái đó, dân không vào cuộc thì bao nhiêu xi măng, tiền của cũng chỉ là bao cấp.
Tiếp đến, cần thực hiện thật tốt công tác xã hội hóa để huy động các DN trong, ngoài tỉnh và các tổ chức cá nhân, những nhà hảo tâm, Đảng viên, giáo viên, lực lượng vũ trang tham gia vào cuộc. Sự tham gia của các thành phần này dù chỉ một buổi thôi cũng đủ động viên được sức dân rất lớn. Sau đó, mình tổ chức những buổi gặp gỡ để tuyên dương và tháo gỡ những vướng mắc, bức xúc của họ một cách thật thấu đáo, khi ấy tất yếu họ sẽ nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ thôi.
Cán bộ phải xắn tay làm với dân
Xây dựng NTM, điều cốt lõi là chất lượng cuộc sống của người dân phải được nâng lên. Hà Giang có 11 huyện, thành phố thì trong đó có 4 huyện toàn núi đá và 6 huyện thuộc Chương trình 30a. Vậy, chiến lược nâng cao đời sống cho người dân của tỉnh như thế nào?
Hiện, tỉnh Hà Giang đã ban hành tới 32 đề án để hỗ trợ phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân. Đó là Đề án hỗ trợ sản xuất những mặt hàng có thể xuất khẩu; Đề án phát triển cây đậu tương hàng hóa, lúa ngô hàng hóa; Đề án phát triển cây dược liệu; Đề án chất đốt cho vùng cao; Đề án phát triển trồng rừng… Cộng tổng thành quả của 32 đề án này lại chúng tôi tin tưởng sẽ có một bước đột phá về kinh tế.
Ngay trong việc quy tụ dân cư của Hà Giang theo Chương trình 193 của Chính phủ cũng được tỉnh vận dụng linh hoạt giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao cuộc sống người dân. Chúng tôi tiến hành sắp xếp tất cả Chương trình MTQG vào làm tại một điểm. Ví dụ như 120, 134, 135, 167, 193… đưa vào làm ở một nơi để tạo bước đột phá rồi nhân rộng. Chứ bây giờ mỗi chương trình đều có mục tiêu ứng dụng của nó, nếu cứ dàn trải chỗ này một tý, chỗ kia một tý hiệu quả sẽ không cao.
Là người đứng đầu tỉnh, từng công tác tại cơ sở và trực tiếp nhiều lần đi xe máy về với dân, theo ông đâu là “đòn bẩy” giúp Hà Giang thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM?
Theo tôi, đó là trách nhiệm của người cán bộ và nhận thức của người dân. Về phía cán bộ hay nói cách khác là lãnh đạo thì sau Đại hội, chất lượng được nâng lên rõ rệt. Cơ bản chúng ta đã thổi vào cho cán bộ của mình một nhận thức dám nhìn vào sự thật, dám nghe những mảng tối. Lâu nay, chúng ta chỉ huy động sức dân còn cán bộ thường đứng ngoài cuộc nói suông.
Bây giờ cán bộ phải thực sự vào cuộc và xắn tay cùng làm với dân. Với người dân, thực ra trước đây chúng ta đã từng tuyên truyền vận động rất nhiều các nhiệm vụ như chính trị, phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng... Đến giờ phút này, khi người dân thực sự vào cuộc tốt hơn và có trách nhiệm hơn cho thấy cần trao cho họ nhiều hơn nữa quyền làm chủ và quyền giám sát.
Ông có thể kể một câu chuyện về bài học kinh nghiệm trên?
Ngày tôi còn làm Bí thư huyện Hoàng Su Phì, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang họp quyết định phát động chiến dịch làm những con đường liên xã. Với suy nghĩ của một người đứng đầu huyện thì đây là một phép thử xem sức dân mình bây giờ như thế nào. Con đường dài 8 cây số chia cho 8 xã, mỗi xã một cây số.
Sau khi phát động, mỗi một lãnh đạo huyện được phân công phụ trách một xã trực tiếp đi làm đường cùng dân. Ngày đó, mỗi cây số tỉnh chỉ hỗ trợ 20 triệu đồng, huyện treo thưởng nếu nơi nào về nhất sẽ được cho thêm, chỉ một hành động nhỏ vậy thôi mà người dân các xã thi đua nhau làm ngày làm đêm, có những xã chỉ 3 ngày xong 1 cây số đường.
Tôi đi xe máy kiểm tra thấy trời mưa người dân vẫn địu gạo, mang cuốc, xẻng đi làm đường nườm nượp mà cảm động rơi nước mắt. Lúc này, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, sức dân khi được huy động đúng lúc, đúng chỗ, đúng tâm tư nguyện vọng thì bà con sẵn sàng vào cuộc ngay, vấn đề là cách mình huy động và ghi nhận công sức của người dân như thế nào.
Xin cảm ơn ông!