Cần cù cho trái ngọt
- Thứ tư - 04/06/2014 05:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vườn ươm cây cao su của Tổng đội TNXP-XDKT Tây Sơn. Ảnh: Đậu Bình |
Chè là một trong những cây công nghiệp có lợi thế phát triển tốt ở vùng Tây Sơn. Chè ở đây chất lượng tốt, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ổn định ra nước ngoài. Từ chỗ được Xí nghiệp Chè Tây Sơn đứng ra bao tiêu sản phẩm, năm 2014, Tổng đội đã xây dựng nhà máy chế biến. Nhờ đó, đầu ra được giải quyết một cách thuận lợi, sản phẩm không bị tồn đọng. Đây là “chìa khóa vàng” để mở lối làm ăn cho thanh niên lâu dài.
Theo anh Hồ Xuân Hiếu - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP - XDKT Tây Sơn: “Khi xác định tiềm năng đất, nhân lực là yếu tố hết sức quan trọng để tạo nên thành công, ngay từ đầu, Tổng đội đã tiến hành tuyển chọn đội viên. Hiện nay, số đội viên toàn tổng đội đã lên tới hơn 220 hộ. Các gia đình trẻ đều phấn đấu xây dựng mô hình gia đình hạnh phúc, vươn lên làm giàu chính đáng”.
Để tạo nên một làng thanh niên quy mô trong tương lai, đơn vị từng bước củng cố và xây dựng hạ tầng cơ sở. Ngoài công trình phục vụ thiết yếu cho sản xuất và đời sống cơ bản đã được đầu tư xây dựng, thì một số công trình phúc lợi khác như nhà văn hóa trung tâm, nhà hội quán khu vực B và sân thể thao giá trị hơn 1,5 tỷ đồng đã trở thành địa điểm để thanh niên tham gia sinh hoạt và học tập. Ngoài ra, gói thầu hơn 3,5 km đường giao thông nội vùng và 1 đập tràn liên hợp trị giá hơn 7 tỷ đồng được đưa vào sử dụng đã tạo thuận lợi cho các hộ đội viên trong sản xuất và đời sống. Cùng với mở đường, Tổng đội đã xây dựng trạm biến áp 110 KVA, 1,84 km đường dây 35 kV và 4,55 km đường dây 0,4 kV, đưa điện sinh hoạt tới mọi gia đình và phục vụ cán bộ làm việc.
Hầu hết các gia đình đội viên khi mới lập nghiệp đều rất lúng túng về kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ được đầu tư tập huấn thường xuyên về khoa học kỹ thuật nên qua 12 năm thử thách với gió núi mưa ngàn và nắng gắt, nhiều hộ trẻ đã trở thành những người làm chè đạt năng suất cao, kỹ thuật thâm canh và chăn nuôi giỏi như: anh Hồ Huy Chính trồng 0,7 ha chè đạt năng suất 9 tấn/ha; anh Trần Thanh Hài, ngoài chè còn kết hợp trồng cây ăn quả, cải tạo đầm tự nhiên thành hồ nuôi cá, mỗi năm thu nhập hơn 15 triệu đồng từ nuôi gà và cá; chị Nguyễn Thị Thủy ngoài nuôi bò, lợn còn nuôi thêm 3 con hươu, mỗi năm thu nhập hơn 20 triệu đồng và mua sắm một lò sấy chè mi ni (năng suất 1 tạ/ngày).
Hầu hết các hộ ở Tổng đội khi lập nghiệp đều “hai bàn tay trắng” và một số người trong quá trình sản xuất gặp nhiều rủi ro tưởng chừng không thể trụ vững, nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tâm, tận lực của Ban Chỉ huy Tổng đội cùng với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái nên họ đã vượt qua. Đến nay, hầu hết các hộ đội viên đã cơ bản xóa được nhà tạm, nhiều hộ có nhà cửa khang trang và thu nhập khá. Hơn 70% hộ có thu nhập 2,5-4 triệu đồng/hộ/tháng từ sản phẩm chè búp tươi; ngoài ra còn thu từ các loại cây trồng khác, nâng tổng thu nhập bình quân mỗi hộ lên 5-6 triệu đồng/tháng. Một số gia đình sau 10 năm đã thu hoạch vượt trội, với lợi nhuận đưa lại hơn 50 triệu đồng mỗi năm; hơn 90% gia đình đội viên sắm được xe máy và thực sự thoát nghèo.
Năm 2014, Tổng đội TNXP - XDKT Tây Sơn đã chăm sóc, thu hái tốt 140 ha chè. Gần 120 tấn chè búp tươi của Tổng đội được chế biến thành sản phẩm xuất khẩu có chất lượng cao. Bên cạnh đó, đơn vị khuyến khích các hộ đội viên gắn trồng trọt với chăn nuôi. Tổng đội còn xây dựng 2 hợp tác xã nuôi lợn siêu nạc với cơ cấu từ 500-1.000 con. Ngoài ra, đơn vị tiếp tục khai hoang và mở rộng 15 ha trồng chè mới, 5 ha cây ăn quả, 20 ha hoa màu; trồng mới 85 ha rừng sản xuất, bảo vệ hơn 927 ha rừng phòng hộ.
Để tạo điều kiện cho các gia đình trẻ an tâm, phấn khởi sản xuất, Tổng đội đã nâng mức hỗ trợ khai hoang và trợ giá giống cho những hộ trồng chè; bố trí vốn xây dựng các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm nhằm tạo điều kiện cho các gia đình trẻ say mê lập nghiệp và làm ăn lâu dài.
Phan Thế Cải
Nguồn baohatinh.vn