Cánh đồng mẫu ở Đức Thọ: Chắp cánh “tam nông”!
- Thứ bảy - 25/03/2017 07:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cánh đồng mẫu tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa, tiết kiệm sức dân
Đến với Đức Thọ vào thời điểm này, điều mà ai cũng dễ nhận thấy đó là những cánh đồng nhìn hút tầm mắt một màu lúa thì con gái mơn mởn, báo hiệu một vụ xuân bội thu. Ông Trần Hoài Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ phấn khởi cho biết, thành công lớn nhất của huyện nhà là đến thời điểm này, 100% số xã đã xây dựng được cánh đồng mẫu. Điểm khác biệt của cánh đồng mẫu đó là gieo cấy 1 loại giống, thực hiện 1 quy trình sản xuất, xuống giống cùng thời điểm và thu hoạch cùng thời gian, do đó, hiệu quả và năng suất cao hơn hẳn những vùng khác có cùng điều kiện thổ nhưỡng.
Nếu như trước đây, trên một cánh đồng có hàng ngàn thửa ruộng nhỏ lẻ, manh mún; bà con nông dân sản xuất hàng trăm loại giống khác nhau, thời gian xuống giống không đồng nhất, không đại trà, việc chăm sóc mỗi người mỗi kiểu và cuối cùng là sâu bệnh thường xuyên phá hại, không chủ động trong việc tưới tiêu, năng suất không cao, nhưng hiện nay, sau khi triển khai xây dựng cánh đồng mẫu thì cơ bản đã khắc phục được những mặt yếu đã tồn tại trong nhiều năm qua.
Việc thực hiện sản xuất trên cánh đồng mẫu còn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa, tiết kiệm sức dân từ khâu làm đất đến chăm bón, thu hoạch và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu vì ít bị sâu bệnh phá hại. Cùng với đó là vận động bà con tăng cường bón phân hữu cơ, hạn chế bón phân hóa học cho lúa… góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, làm nên thương hiệu hạt lúa Đức Thọ.
“Vụ xuân năm 2016, trên cơ sở định hướng của huyện, Đức Thủy đã mạnh dạn cơ cấu 3 loại giống chủ lực là P6, thiên ưu và nếp nhằm xây dựng cánh đồng mẫu lớn chuyên canh đồng nhất giống, thời vụ và kỹ thuật canh tác. Theo đó, xã đã quy hoạch 100 ha xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao duy nhất 1 loại giống P6 cho năng suất 64 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay và là đơn vị dẫn đầu về năng suất lúa của huyện. Vụ xuân 2017, địa phương tiếp tục mở thêm 81 ha cánh đồng mẫu tập trung nữa, nâng tổng số diện tích cánh đồng mẫu của địa phương lên 181 ha…”, ông Nguyễn Nghiêm - Chủ tịch UBND xã Đức Thủy khoe.
Năng suất được nâng lên, chất lượng hạt gạo thơm ngon, giá thành cao là những gì mà cánh đồng mẫu đã mang lại cho bà con nông dân xã Đức Thủy nói riêng và huyện Đức Thọ nói chung. Được biết, để hình thành, đưa những cánh đồng mẫu vào sản xuất hiệu quả, thời gian đầu không phải ở đâu cũng “xuôi chèo, mát mái”.
“Do thói quen làm ăn manh mún, nên bước đầu đưa vào sản xuất tập trung, nhiều hộ vẫn băn khoăn, nghi ngại… Nhưng được sự tuyên truyền, vận động, kết hợp với những quyết sách, phương án sản xuất đúng đắn của Phòng NN&PTNT huyện và chính quyền địa phương, đặc biệt là hiệu quả mang lại từ cánh đồng mẫu trình diễn ở các xã Đức Thủy, Trung Lễ, Đức Lâm, Yên Hồ vào năm 2012 là “chìa khóa” để Đức Thọ thành công trong chiến lược phát triển cây lúa trong những năm qua…” - Trưởng phòng NN& PTNT huyện Nghiêm Sỹ Đông cho hay.
Trước những thành công bước đầu trong công tác xây dựng cánh đồng mẫu tập trung hướng tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn có quy mô 100 ha trở lên, Đức Thọ đã và đang là đơn vị tiên phong của tỉnh, tiếp tục quy hoạch, vận động người nông dân dồn điền đổi thửa để xây dựng được nhiều cánh đồng mẫu hơn nữa trong những năm tới. Đối với những địa phương không đủ điều kiện để quy hoạch cánh đồng mẫu lớn thì huyện vẫn cho triển khai xây dựng cánh đồng mẫu nhỏ và vừa, miễn là thuận lợi trong sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng của hạt lúa.
(Còn nữa)
Đức Thiện/baohatinh.vn